Covid-19 sẽ tiếp tục bùng phát nếu vắc xin không được phân phối kịp thời

Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo, trong vòng chưa đầy một năm, các biến thể của Covid-19 có thể sẽ vô hiệu hóa vắc xin, đẩy thế giới vào tình trạng nguy cấp nếu không có biện pháp phân phối vắc xin kịp thời.

Vắc xin Covid-19 cần được triển khai kịp thời để đẩy lùi đại dịch. Ảnh: AFP.

Vắc xin Covid-19 cần được triển khai kịp thời để đẩy lùi đại dịch. Ảnh: AFP.

Cuối năm 2020, những thành tựu trong nghiên cứu và sản xuất vắc xin đã trở thành niềm hy vọng lớn cho toàn thể nhân loại để thoát khỏi cơn khủng hoảng Covid-19. Hy vọng ấy cũng là động lực tiếp sức cho thế giới bước vào năm 2021 một cách kiên cường, dù những vết thương vẫn chưa kịp lành.

Tuy nhiên, vắc xin Covid-19 chưa đủ để giải quyết hoàn toàn cơn khủng hoảng. Theo tổ chức phi chính phủ Oxfam, các chuyên gia về dịch tễ học đang đưa ra cảnh báo, trong vòng chưa đầy một năm, các biến thể của vi rút SARS-Cov-2 sẽ có khả năng vô hiệu hóa hoàn toàn các loại vắc xin. Như vậy, tỷ lệ dân số được tiêm phòng chưa đạt mức yêu cầu trong thời gian cho phép, dịch bệnh sẽ không thể ngăn chặn được.

Trước những động thái phân phối vắc xin thiếu bình đẳng đến từ các quốc gia phát triển, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi thực hiện chương trình điều phối vắc xin toàn cầu COVAX. Tuy nhiên, dù tỏ ra rất hưởng ứng COVAX, các nước phát triển vẫn đang tích trữ vắc xin Covid-19.

Theo UNICEF, Liên minh châu Âu đã đảm bảo sở hữu khoảng 4,6 tỷ liều vắc xin, tức là gấp 10 lần dân số. Mỹ cũng đang sở hữu khoảng 3,2 tỷ liều vắc xin, đủ cung cấp cho gấp nhiều lần dân số 330 triệu người. UNICEF bình luận, nước giàu đang “tích trữ vắc xin một cách phi lý, không quan tâm đến lợi ích của toàn nhân loại”.

Những nước này cũng lên tiếng phản đối đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ về việc loại bỏ cơ chế sở hữu trí tuệ đối với vắc xin Covid-19 trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Liên minh vắc-xin châu Á

Trước những nguy cơ về sự bất bình đẳng trong phân phối vắc xin, hơn 150 tổ chức địa phương và quốc tế trên khắp châu Á đã cùng ký tên vào lá thư chung gửi các nhà lãnh đạo và bộ trưởng y tế, với mong muốn cải thiện khả năng tiếp cận vắc xin cho châu lục đông dân và có sự phân hóa rõ rệt trong phát triển kinh tế nhất trên thế giới.

Cùng với đó, Liên minh vắc xin nhân dân châu Á đã ra đời, với 87 thành viên bao gồm các tổ chức như ActionAid, Oxfam, GCAP châu Á… Với khẩu hiệu “Vắc xin cho người dân, không phải vắc xin vì lợi nhuận”, Liên minh tiến hành các hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm vắc xin được phân phối một cách an toàn, hiệu quả, đảm bảo cho người dân sử dụng một cách miễn phí.

Vắc xin cũng cần được ưu tiên sử dụng cho những cán bộ y tế ở tuyến đầu chống dịch, những người có bệnh nền, nhóm người nghèo, người khuyết tật hoặc là nạn nhân của những tệ nạn xã hội và an ninh phi truyền thống.

Các thành viên thuộc Liên minh kêu gọi các nước phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore sử dụng vị thế quốc gia như một công cụ tập hợp, đoàn kết các nước trong khu vực để chung tay tiến hành kế hoạch tiêm chủng một cách công bằng.

Đề xuất xóa bỏ cơ chế sở hữu trí tuệ cho vắc xin được Liên minh ủng hộ quyết liệt. “Giữ độc quyền vắc xin là hành vi vô đạo đức, tự hại bản thân và là sự thất bại chung của toàn thế giới”, ông Mustafa Tlpur, Giám đốc chiến dịch của Oxfam tại châu Á nhấn mạnh.

Bên cạnh vấn đề tiêm chủng vắc xin, Liên minh cũng đề nghị chính phủ các nước cần tập trung hơn nữa vào việc đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống y tế cộng đồng để tăng cường khả năng chống chịu trước những biến động y tế bất thường như Covid-19.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/covid-19-se-tiep-tuc-bung-phat-neu-vac-xin-khong-duoc-phan-phoi-kip-thoi-1619698544902.htm