Covid-19 sẽ tồn tại như bệnh thường gặp

Theo các chuyên gia, Covid-19 không biến mất mà sẽ ở lại như một dạng bệnh thường gặp tương tự cúm, cảm.

Hai chủng XBB.1.16 và XBB1.16.1 mới xuất hiện tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Hai chủng XBB.1.16 và XBB1.16.1 mới xuất hiện tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Do đó, người nguy cơ cao, có hệ miễn dịch yếu... nên chủng ngừa Covid-19 thường xuyên theo thời gian.

Diễn biến dịch bệnh đã khác

Vừa qua, Sở Y tế TPHCM công bố kết quả giải trình tự gene virus 13 mẫu bệnh phẩm Covid-19. Kết quả phát hiện 11 mẫu nhiễm 3 biến chủng phụ mới của Omicron gồm XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1.

Ngày 23/4, đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết, số mẫu trên do Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) lấy từ ngày 8 - 14/4. Hai mẫu còn lại nhiễm chủng XBB.1.5. Đây là biến chủng đã được thành phố phát hiện vào đầu tháng 4.

Đây là lần đầu tiên TPHCM ghi nhận 3 chủng mới trên. Riêng XBB.1.9.1 đã được Hà Nội phát hiện vào tuần trước. Như vậy, hai chủng XBB.1.16 và XBB1.16.1 là mới xuất hiện tại Việt Nam.

Những biến chủng phụ mới này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm Các biến chủng đáng quan tâm (VOI) hoặc nhóm Biến chủng cần được theo dõi (VUMs). Trong đó, XBB.1.5 đã xuất hiện tại 95 quốc gia. XBB.1.16 xuất hiện tại hơn 20 quốc gia và góp phần khiến ca mắc tăng cao ở Ấn Độ.

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội cho biết thành phố đã ghi nhận thêm biến chủng phụ của Covid-19 thông qua kết quả quả giải trình tự gen. Cụ thể, kết quả giải trình tự gen virus tại quận Nam Từ Liêm, 2 mẫu cho kết quả chủng XBB.1.9.1. Đây là chủng có ở nhiều nước Anh, Đức, Mỹ, Pháp, Singapore, Philippines. Đặc điểm của chủng này là lan truyền nhanh và diễn biến lâm sàng nhẹ.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Huỳnh - Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ) cho biết, hơn 3 năm qua, chúng ta đã có nhiều hiểu biết hơn về virus, cũng như nhiều phương pháp trị liệu và cách phòng bệnh tốt hơn.

Hiện nay, mọi thứ đã khác so với trước rất nhiều. Trước kia, năm 2022, có giai đoạn, thế giới ghi nhận 3 - 4 triệu ca mắc Covid-19 một ngày. Hiện, Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận số ca mắc cao nhất. Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 13 về số ca mắc Covid-19.

Song theo chuyên gia này, con số quan trọng là ca tử vong mới. Ví dụ tại Mỹ, số ca mắc nhiều nhưng trường hợp tử vong ít, không đáng kể so với số lượng bệnh. Trong khi đó, Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong.

“Trong bối cảnh số ca mắc tại Việt Nam đang tăng, cái khó nhất trong đại dịch không phải là số nhiễm, mà là ca tử vong và nhập viện. Nếu nhiều người mắc, nhưng nhập viện và tử vong không nhiều thì hệ thống y tế vẫn ổn định. Song, nếu số người nhập viện nhiều dù tình trạng bệnh nhẹ, thì cũng sẽ ảnh hưởng đến việc chữa trị khác”, PGS Trần Huỳnh nhận định.

Ông cho rằng, ca mắc Covid-19 tăng tại Việt Nam gần đây là đáng lo ngại, nhưng không làm chúng ta sợ. Bởi hiện đã có thuốc điều trị và vắc-xin - chìa khóa phòng vệ tốt nhất. Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng, biến thể mới của Omicron - XBB.1.16 (Arcturus) có thể chiếm nhiều trong những tháng tới.

Triệu chứng của biến thể này có thể kèm theo mắt đỏ. Lý do là có sự thay đổi trong hệ miễn dịch, liên quan đến histamine khiến mắt bị viêm, sưng. Những trường hợp này cần kiểm tra thị lực ngay lập tức.

Đồng thời, kiểm tra xem liệu có đau, nhức mắt hay đau đầu không. Bởi, đó là những dấu hiệu nguy hiểm khi đau mắt. Đồng thời, những triệu chứng này cũng là cảnh báo bệnh nhân cần đi gặp bác sĩ ngay.

Tín hiệu đáng mừng

Chủng Omicron xuất hiện trên thế giới đã 16 tháng. Chủng này hiện lưu hành ở hầu hết các nước và chiếm ưu thế. Chủng này liên tục biến đổi. Đến nay, các nhà khoa học ghi nhận hơn 500 biến chủng phụ của Omicron, đều có đặc tính lây lan nhanh nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng.

PGS Trần Huỳnh nhận định, theo thời gian, Covid-19 không biến mất mà sẽ ở lại như một dạng bệnh thường gặp. Covid-19 dần trở thành bệnh hay gặp như cúm, cảm. Do đó, người nguy cơ cao, có hệ miễn dịch yếu... nên chủng ngừa Covid-19 thường xuyên theo thời gian.

Nếu đã tiêm liều tăng cường trên 1 năm, đặc biệt là có hệ miễn dịch yếu, người dân nên tiêm chủng Covid-19. Chuyên gia này nhận định, triệu chứng bệnh ngày càng nhẹ, phần lớn sẽ gặp như cảm thông thường. Đó được coi là một tín hiệu đáng mừng.

Trong khi đó, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, hơn một tuần nay, nhiều người đặt câu hỏi về việc liệu Covid-19 có nguy hiểm không.

Theo chuyên gia này, tình hình Covid-19 không thể như đỉnh dịch và sẽ không bao giờ như đỉnh dịch. Bởi hiện nay, người dân đã có nhiều kinh nghiệm phòng ngừa và đa số trường hợp đã hết bệnh một cách nhẹ nhàng. Đặc biệt, chủng mới hiện nay vẫn là Omicron.

“Một virus hô hấp chắc chắn sẽ có những đột biến nhỏ, bởi vì cấu trúc rất dễ thay đổi nhưng phần chính sẽ khó thay đổi”, bác sĩ Khanh cho biết. Cũng theo ông, từ khi Omicron xuất hiện, đã lâu rồi không có chủng hoàn toàn mới. Song, các biến thể của Omicron trước đây lây nhanh và không có độc lực hơn, và lần này XBB.1.16 (Arcturus) cũng vậy.

Bác sĩ Khanh nhận định, biến thể này trong tương lai cũng sẽ như vậy. Ông dẫn chứng, hiện nay Arcturus lây gấp 1,5 lần chủng trước đây và độc lực không có gì đặc biệt. Tuy nhiên chủng này lây nhanh hơn rất nhiều so với Delta. Tuy nhiên, số ca bệnh không tràn lan như thời điểm trước là nhờ nền miễn dịch của cá nhân và cộng đồng.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/covid-19-se-ton-tai-nhu-benh-thuong-gap-post635998.html