COVID-19 tác động tới ảnh hưởng của các nước lớn tại châu Phi
Trung Quốc lâu nay đóng vai trò là 'người chơi chính' trong cuộc đua giành ảnh hưởng ở châu Phi, song thái độ ngờ vực của một vài nước và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dường như cho Mỹ cơ hội đảo ngược thế cờ.
Trung Quốc từ nhiều năm qua coi châu Phi là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại nhằm mở rộng ảnh hưởng tại khu vực mà nước này coi là vùng cung cấp năng lượng và thị trường nhiều tiềm năng tương lai. Từ khi công bố sáng kiến "Vành đai, con đường" nhắm tới việc kết nối mạng lưới hạ tầng biển và đất liền với Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi vào năm 2013, Bắc Kinh đã đổ khoản tiền đầu tư khổng lồ vào hàng loạt dự án ở nhiều quốc gia châu Phi. Theo báo cáo của Hội đồng Quốc tế Nga (RIAC), riêng năm 2017, Trung Quốc đã đầu tư thông qua cung cấp các khoản vay cho các nước châu Phi với tổng số tiền vượt quá 100 tỷ USD.
Trong thập niên qua, Trung Quốc đã tham gia xây dựng hơn 100 khu công nghiệp ở "lục địa đen", hỗ trợ xây dựng gần 6.000 km đường sắt, hơn 4.000 km đường cao tốc, 9 cảng, 14 sân bay, hàng chục nhà máy điện trên khắp châu lục. Hiện Trung Quốc đã vượt Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của "lục địa đen" với kim ngạch thường niên có lúc gần 200 tỷ USD.
Rõ ràng, việc được Trung Quốc đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng mang đến cơ hội thay đổi diện mạo kinh tế tại không ít khu vực ở châu Phi, giúp Bắc Kinh trở thành "người chơi chính" trong cuộc đua ảnh hưởng ở khu vực. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng thành công và quốc gia nào cũng được hưởng lợi. Việc nhận khoản tiền đầu tư khổng lồ từ Bắc Kinh đã khiến nhiều nước trở thành "con nợ" của Trung Quốc.
Một số quốc gia tại lục địa gần đây tỏ ra không hài lòng với các điều khoản hợp tác và quyết định rút khỏi các dự án tỷ USD mà Trung Quốc là bên chi tiền chính vì không muốn sa lầy trong nợ nần.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 khởi phát từ Trung Quốc cuối năm ngoái đang lây lan rộng tại châu Phi và khiến không ít dự án, vốn chưa biết tương lai ra sao, nay tiếp tục buộc phải trì hoãn vì các biện pháp phòng ngừa. SCMP dẫn báo cáo của giới chức Trung Quốc xác nhận số dự án trong sáng kiến "Vành đai, con đường" bị ảnh hưởng ở mức nghiêm trọng là khoảng 20%; trong khi 30-40% dự án bị tác động một phần.
Dù Bắc Kinh tỏ ra lạc quan rằng hệ quả của COVID-19 sẽ sớm được kiểm soát, song một số nhà quan sát cho rằng nước này rõ ràng đang chịu nhiều áp lực từ các dự án ở châu Phi, nhất là khi một số quốc gia có thể sử dụng lí do dịch bệnh để đòi Trung Quốc giảm, xóa nợ từ chuỗi dự án khổng lồ như Nigeria, Zambia, Zimbabwe hay Ai Cập.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 bằng cách cung cấp các khoản vay không lãi và kéo dài thời gian nợ. Ông Tập Cận Bình cũng khẳng định Bắc Kinh tham gia mạnh mẽ sáng kiến về việc hoãn trả nợ, nhằm giúp các nước nghèo chống dịch COVID-19 do G20 khởi xướng, đồng thời khuyến khích các tổ chức tài chính tiến hành tham vấn, hỗ trợ với các nước châu Phi "theo nguyên tắc thị trường".
Dẫu vậy, tờ New York Times mới đây dẫn lời nhà phân tích Andrew Small thuộc German Marshall Fund nhận định Trung Quốc rõ ràng đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Nền kinh tế nước này dù đang phục hồi, song cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch và việc xóa hoặc dãn nợ sẽ tạo ra gánh nặng tài chính khổng lồ. Trong khi đó, James Crabtree, giáo sư tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) nhận định "những ngày tươi đẹp của “Vành đai, con đường" có thể sắp tới hồi kết". Crabtree lí giải thêm, ngoài áp lực từ các nước vay nợ, Bắc Kinh đối mặt với làn sóng người dân Trung Quốc phản đối ngân sách bị gửi ra nước ngoài khi mà nguồn tiền đó có thể sử dụng trong nước.
Vấn đề lớn hơn là, dù đóng vai trò "người chơi chính", song Trung Quốc không phải bên duy nhất muốn thiết lập ảnh hưởng ở châu Phi. Trong bối cảnh nhiều nước châu Phi bắt đầu tỏ ra hoài nghi về các dự án của Trung Quốc, đây được xem là cơ hội để Mỹ công kích.
"Không có gì là bí mật, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất đối với các chính phủ châu Phi, tạo ra bẫy nợ đối với các nước này", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 24-6 phát biểu, đồng thời ca ngợi những khoản đầu tư mà Washington "hầu hết các hỗ trợ nước ngoài của Mỹ đều ở dạng tài trợ thay vì vay" và "mục đích là hướng đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế minh bạch, dẫn dắt kinh tế tư nhân, mang lại lợi ích cho tất cả các bên".
Ngoại trưởng Mỹ cũng gọi thông báo cứu trợ của Trung Quốc là "lời hứa trống rỗng và vô vị", nhấn mạnh Bắc Kinh nên thực hiện đầy đủ sáng kiến của G20 về việc hoãn nợ, nhằm giúp các nước nghèo chống dịch COVID-19 (DSSI), đảm bảo viện trợ chống dịch minh bạch. "Trung Quốc cần phải vứt bỏ những tuyên bố công khai, nặng về lý thuyết và bắt đầu thực hiện đầy đủ, minh bạch theo các cam kết sáng kiến DSSI của mình", Ngoại trưởng Mỹ nêu.
Giới quan sát đánh giá những tuyên bố gần đây của Mỹ được cho là dấu hiệu cho thấy Washington đang ngày càng để tâm hơn đến châu Phi. Từ năm 2018, Mỹ công bố tầm nhìn đặt ra cho châu Phi là "Một khu vực độc lập, tự lực và phát triển - không phụ thuộc, thống trị và nợ nần", vốn được cho là để đối trọng với Trung Quốc.
Trong giai đoạn sau đó, hàng chục tỷ USD đã được Mỹ viện trợ cho các mục đích phát triển dân sự ở châu Phi. AlJazeera bình luận, khoản tiền viện trợ những năm qua, cùng khoảng 400 triệu USD vừa được Mỹ gửi đến giúp châu Phi chống COVID-19 đã giúp Washington tăng cường hình ảnh như một quốc gia bạn bè sẵn sàng giúp đỡ thay vì giăng ra chiếc "bẫy nợ".
Dẫu vậy, cũng có những nhà phân tích đặt ra câu hỏi liệu việc Mỹ khuếch trương lợi ích quốc gia và những thứ họ có thể làm ở châu Phi sắp tới liệu có thật sự mang đến điều gì khác biệt so với chính sách của Trung Quốc?