COVID-19 tại ASEAN hết 11/10: Malaysia nối lại giao thông liên bang; Thái Lan chào đón du khách quốc tế

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 11/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 30.029 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước; Trong khi tổng số ca tử vong tới nay tăng lên trên 269.000 người.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Selongor, Malaysia, ngày 12/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Selongor, Malaysia, ngày 12/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á đang tiếp tục xu thế hạ nhiệt Số ca mắc mới và tử vong tại các nước đi ngang trong mấy ngày gần đây. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Brunei, Lào và Việt Nam.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” ghi nhận chưa tới 700 ca bệnh mới và chỉ có 65 ca tử vong.

Diễn biến dịch cũng bớt nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Ngày 11/10, Philippines chứng kiến số ca mắc mới và tử vong cao thứ hai Đông Nam Á. Malaysia từng là điểm nóng song 1 ngày qua chỉ ghi nhận 6,709 ca mắc mới và chỉ 36 ca tử vong. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Các nhà sư đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia,ngày 29/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà sư đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia,ngày 29/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ không công bố số liệu dịch bệnh. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Chỉ còn Thái Lan là vẫn đáng ngại, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 11/10 ghi nhận thêm trên 10.000 ca bệnh mới, cao nhất khu vực. Trong khi số ca tử vong là 60 người, đứng thứ ba toàn khối.

Campuchia có xu thể dịch đi ngang mấy ngày trước đây, với 258 bệnh nhân mới và 21 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Makassar, Nam Sulawesi, Indonesia, ngày 4/10/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Makassar, Nam Sulawesi, Indonesia, ngày 4/10/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 269.043 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 301 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên trên 12,5 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 11,7 triệu trường hợp.

Nhìn chung, toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới, trong khi 3 nước không công khai số liệu.

Diễn biến dịch COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á ngày 11/10:

Khách du lịch thăm quan một ngôi chùa ở Chiang Mai, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Khách du lịch thăm quan một ngôi chùa ở Chiang Mai, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan chào đón du khách nước ngoài từ 10 quốc gia nguy cơ thấp

Từ ngày 1/11 tới, Thái Lan sẽ mở cửa hoàn toàn trở lại du khách đã tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID19 đến nước bằng đường hàng không từ các quốc gia được coi là có nguy cơ thấp.

Phát biểu trên truyền hình tối 11/10, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha cho biết có 10 quốc gia được nước này đánh giá là nguy cơ bùng phát dịch bệnh COVID-19 thấp, trong đó có Anh, Mỹ, Trung Quốc, Đức và Singapore. Ông nhấn mạnh khi nhập cảnh Thái Lan, du khách từ các nước nói trên sẽ phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 và tiến hành xét nghiệm tại điểm đến thêm một lần nữa. Sau đó, du khách nước ngoài đó có thể tự do đi lại như người dân trong nước.

Trước đó một ngày, chính quyền Thái Lan đã thông báo sẽ mở cửa thêm 5 địa điểm du lịch cho du khách đầu tháng 11 với điều kiện cho tới thời điểm đó không có ổ dịch COVID-19 lớn nào trong các khu vực này. Những khu vực sẽ được mở cửa từ 1/11 này gồm Bangkok, Chiang Mai (các huyện Muang, Mae Rim, Mae Taeng và Doi Tao), Prachuap Khiri Khan (huyện Hua Hin), Phetchaburi (huyện Cha-am) và Chon Buri (các huyện Pattaya, Bang Lamung và Sattahip).

Các vũ công biểu diễn tại một ngôi đền ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Các vũ công biểu diễn tại một ngôi đền ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Quyết định của Chính phủ được đưa ra theo sau sự thành công của chương trình Hộp cát Phuket, vốn mang về 2,33 tỷ baht (68,83 triệu USD) cho nền kinh tế Thái Lan trong 3 tháng qua kể từ khi ra mắt vào tháng 7. Trong khi đó, các nhà khai thác du lịch trong những khu vực hộp cát đang lạc quan về triển vọng cho mùa cao điểm sau khi Thái Lan được đưa ra khỏi danh sách đỏ của Vương quốc Anh về du lịch, có hiệu lực từ ngày 11/10.

Chính phủ Thái Lan hy vọng sẽ đạt doanh thu 1.500 tỷ baht từ khách du lịch trong năm tới. Gần một nửa trong số đó, tương đương khoảng 600 tỷ baht, sẽ đến từ 15 triệu khách du lịch nước ngoài. Doanh thu từ thị trường du lịch nội địa được dự báo sẽ vào khoảng 800 tỷ baht.

Những con số này chỉ bằng một nửa thu nhập của ngành du lịch trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, khi doanh thu du lịch đạt tổng cộng 3.400 tỷ baht và lượng khách nước ngoài là gần 40 triệu trong năm 2019.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Batu, Malaysia, ngày 15/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Batu, Malaysia, ngày 15/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Malaysia mở cửa cho hoạt động đi lại giữa các địa phương

Đúng theo kế hoạch, các địa phương của Malaysia đã mở cửa trở lại từ ngày 11/10 trong bối cảnh chính phủ nỗ lực khôi phục trạng thái bình thường mới trong nước.

Theo thông báo ngày 10/10 của Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob, những người đã tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 sẽ được đi lại tự do trên khắp đất nước tùy theo nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, ông vẫn kêu gọi người dân duy trì cảnh giác, tiếp tục tuân thủ các hướng dẫn về y tế và đảm bảo an toàn sức khỏe vì bản thân và cộng đồng. Những người có ý định trở về quê thăm gia đình hoặc tới các bang khác nên xét nghiệm trước khi khởi hành. Những người có triệu chứng ho, sốt, cảm cúm và khó thở cần hoãn chuyến đi.

Thủ tướng Ismail Sabri cũng khẳng định việc nối lại hoạt động đi lại giữa các tỉnh, các địa phương nhằm tạo điều kiện để ngành du lịch và các hoạt động kinh tế trong nước phục hồi. Quyết định này được đưa ra sau khi chương trình tiêm chủng quốc gia của Malaysia đạt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho 90% dân số ở độ tuổi trưởng thành của nước này vào ngày 10/10. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 1 năm nay, người dân Malaysia được tự do đi lại giữa các tỉnh trong nước.

Từ tháng 3/2020, Malaysia đã duy trì lệnh cấm người dân nước này xuất cảnh vì các lý do không khẩn cấp. Số ca mắc COVID-19 mới tại Malaysia liên tục giảm kể từ cuối tháng 9 và đến nay, quốc gia Đông Nam Á ghi nhận chưa đến 10.000 ca nhiễm mới/ngày. Đây là thông tin tích cực so với cuối tháng 8 - thời điểm nước này ghi nhận gần 25.000 ca/ngày. Số ca tử vong do COVID-19 cũng đang đi xuống.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Indonesia giảm mạnh số ca nhiễm mới nhờ miễn dịch tự nhiên và tiêm vaccine

Ngày 11/10, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này giảm do người dân đã có khả năng miễn dịch trước virus SARS-CoV-2 thông qua con đường tự nhiên sau khi tiếp xúc với virus SARS-Cov-2 hoặc qua con đường tiêm chủng.

Phát biểu họp báo trên kênh Youtube của Phủ Tổng thống, Bộ trưởng Budi nhấn mạnh: “Theo giải thích khoa học, số ca mắc COVID-19 tại Indonesia giảm rất mạnh do nhiều người đã có khả năng miễn dịch”. Ông cho rằng để có chứng cứ khoa học cần tiến hành nghiên cứu cụ thể với việc lấy mẫu ngẫu nhiên. Theo đó, Bộ Y tế Indonesia sẽ tiến hành lấy mẫu từ 21.880 người tại 100 huyện và thành phố trên khắp cả nước.

Bộ Y tế Indonesia sẽ hợp tác với Khoa Y tế công cộng thuộc Đại học Indonesia (FKM UI) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiến hành một loạt các xét nghiệm, định kỳ sáu tháng một lần. Theo Bộ trưởng Budi, kết quả khảo sát dự kiến sẽ hoàn tất vào giữa tháng 12 tới nhằm cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình trạng miễn dịch hoặc kháng thể của tất cả người dân ở 34 tỉnh thành trên toàn quốc. Đây cũng sẽ là cơ sở để xây dựng các chính sách trong tương lai.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-1110-malaysia-noi-lai-giao-thong-lien-bang-thai-lan-chao-don-du-khach-quoc-te-20211012002554853.htm