COVID-19 tại ASEAN hết 14/12: Toàn khối trên 30.550 ca tử vong; Nhiều nước tích cực mua vaccine

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 14/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 9.407 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 30.550 người.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 11/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 11/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Philippines dù dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, song số ca tử vong tiếp tục được khống chế tốt trong những ngày gần đây và đang trên đà hạ nhiệt.

Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 1.371 ca bệnh mới, trong 1 ngày qua nước này cũng chứng kiến thêm 4 ca tử vong mới vì COVID-19. Malaysia là nước có số ca mắc COVID-19 trong ngày nhiều thứ ba Đông Nam Á trong vòng 24 giờ qua.

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, ngày 21/8/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, ngày 21/8/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng diễn biến phức tạp với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.170 ca bệnh mới và 24 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 30.551 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 189 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.332.947 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.152.342 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ có Timor Leste, Lào, Campuchia và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 14/12.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 14/12:

Vaccine phòng COVID-19 do công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) bào chế. Ảnh: THX/ TTXVN

Vaccine phòng COVID-19 do công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) bào chế. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngày 14/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thông báo nước này đã cấp phép sử dụng vaccine do hai công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) bào chế phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, và dự kiến Singapore sẽ nhận được lô hàng đầu tiên vào cuối tháng 12 này.

Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp chiều 14/12, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore đã dành 1 tỷ SGD (hơn 750 triệu USD) ký thỏa thuận mua vaccine tiềm năng ngừa COVID-19 với các hãng dược phẩm, trong đó có Moderna (Mỹ), Pfizer/BioNTech và Sinovac (Trung Quốc), đồng thời hỗ trợ phát triển vaccine nội địa. Cơ quan Khoa học Y tế (HSA) ngày 14/12 đã chính thức cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech.

Ông Lý Hiển Long cho biết lô vaccine đầu tiên của Pfizer/BioNTech sẽ tới Singapore vào cuối tháng 12 này, và để khẳng định loại vaccine này an toàn, ông và các quan chức cấp cao sẽ là những người đầu tiên tiêm chủng ngừa. Nếu mọi việc tiến triển theo kế hoạch, Singapore sẽ có đủ vaccine cho tất cả người dân trong quý III/2021 và sẽ cung cấp miễn phí cho các công dân cũng như những người cư trú dài hạn tại nước này.

Người dân Singapore sẽ sớm được tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Green Queen

Người dân Singapore sẽ sớm được tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Green Queen

Cũng theo Thủ tướng Lý Hiển Long, Singapore sẽ mở cửa giai đoạn 3 bắt đầu từ ngày 28/12, theo đó, số người tối đa được tụ tập theo nhóm hay tới thăm nhà nhau sẽ tăng từ 5 lên 8, số người tham dự các sự kiện lớn như nghi lễ tôn giáo, trình diễn ngoài trời được tăng từ 50 lên 250 người, các địa điểm du lịch sẽ nâng công suất hiện bị hạn chế ở mức 50% lên 65%. Ông nhấn mạnh dù Singapore quyết định mở cửa giai đoạn 3 nhưng cuộc chiến chống dịch COVID-19 của nước này vẫn kéo dài do tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp.

Trong cuộc họp báo sau đó, Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong cho biết xét nghiệm diện rộng là một trong những chiến lược chủ chốt của Singapore trong đối phó với COVID-19, với năng lực xét nghiệm của nước này hiện lên tới 50.000 xét nghiệm/ngày. Tuy nhiên, hiện nay tiêm vaccine sẽ là chiến lược quan trọng giúp mở cửa nền kinh tế và có thêm nhiều các hoạt động xã hội được nối lại.

Công nhân làm việc tại nhà máy của Tập đoàn Top Glove ở Shah Alam, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia ngày 26/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Công nhân làm việc tại nhà máy của Tập đoàn Top Glove ở Shah Alam, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia ngày 26/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tập đoàn sản xuất găng tay lớn nhất thế giới Top Glove của Malaysia ngày 14/12 cho biết một công nhân của tập đoàn đã tử vong ngày 12/12 sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là ca tử vong đầu tiên do mắc COVID-19 tại các cơ sở của tập đoàn này.

Theo Top Glove, ca tử vong trên là một công nhân 29 tuổi, đến từ Nepal. Người này đã làm việc tại nhà máy ở Klang, cách thủ đô Kuala Lumpur 40km về phía Tây, trong hơn 2 năm qua.

Tính đến nay, tại các nhà máy của Top Glove đã có hơn 5.000 công nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Đây là ổ dịch lớn nhất ở Malaysia, trong đó ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận ngày 2/11.

Do số ca nhiễm tăng mạnh, Chính phủ Malaysia đã áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt và ra lệnh Top Glove đóng cửa các cơ sở sản xuất bị ảnh hưởng, hỗ trợ đo thân nhiệt và thực hiện cách ly. Công nhân của Top Glove cho biết rất khó thực hiện giãn cách trong khi làm việc, đồng thời ký túc xá cũng rất đông công nhân, một số phòng có tới 20 người ở chung. Tuần trước, ban lãnh đạo Top Glove cho biết 94% công nhân đã được xét nghiệm có thể trở lại làm việc.

Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Bangkok, Thái Lan, ngày 12/10/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Bangkok, Thái Lan, ngày 12/10/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 14/12, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã kêu gọi người dân tuân thủ chặt chẽ giãn cách xã hội và các quy định khác về phòng chống dịch COVID-19 khi tham gia các hoạt động chào đón Năm Mới 2021.

Theo ông Anutin, nhà chức trách Thái Lan sẽ không cấm người dân tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mừng Năm Mới và các sự kiện đếm ngược đón Năm Mới, song người dân phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và phải giữ khoảng cách với nhau.

Bộ trưởng Y tế Thái Lan cũng cho biết giới chức tỉnh Nakhon Ratchasima, miền Đông Bắc nước này, vẫn chưa có hành động pháp lý đối với nhà tổ chức buổi hòa nhạc ngoài trời ở gần Công viên quốc gia Khao Yai cuối tuần qua. Công ty tổ chức sự kiện này đã kéo dài thời gian biểu diễn hòa nhạc và nhiều khán giả không đeo khẩu trang hay tuân thủ quy định giãn cách xã hội.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-1412-toan-khoi-tren-30550-ca-tu-vong-nhieu-nuoc-tich-cuc-mua-vaccine-20201215003457188.htm