COVID-19 tại ASEAN hết 17/12: Indonesia lại lập kỷ lục về số ca mắc; Thái Lan tìm cách phục hồi du lịch

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 17/12, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận 11.272 ca mắc COVID-19 và 193 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu đại dịch lên 1.364.821 ca, trong đó 31.176 người tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Indonesia vẫn nghiêm trọng nhất ASEAN. Trong ngày 17/12, Indonesia ghi nhận 7.354 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 643.508 ca.

Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm cách ly dã chiến ở Bekasi, Indonesia ngày 16/12. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm cách ly dã chiến ở Bekasi, Indonesia ngày 16/12. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng có thêm 142 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 19.390 người. Hiện Indonesia vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất ở Đông Nam Á.

Ông Doni Monardo, người đứng đầu đội đặc nhiệm chống COVID-19 của Indonesia ngày 17/12 đã kêu gọi các khu vực có năng lực xét nghiệm ở trên tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới cần tiết kiệm nguồn lực vì “chúng ta còn ở trong cuộc chiến này lâu dài”.

Indonesia đang đối mặt với đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất Đông Nam Á. Các chuyên gia y tế từ lâu đã kêu gọi tăng cường xét nghiệm, cho rằng cùng với truy vết tiếp xúc, xét nghiệm là chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh và tìm ra con số ca mắc thực sự. Tuy nhiên, ông Doni Monardo cho rằng một số khu vực cần hãm đà xét nghiệm để tiết kiệm.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Surabaya, Indonesia ngày 30/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Surabaya, Indonesia ngày 30/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ đô Jakarta thực hiện 81.689 lượt xét nghiệm PCR tuần trước, gấp hơn 8 lần so với mức chuẩn tối thiểu của WHO: 1.000 xét nghiệm/1 triệu dân/1 tuần.

Tuy nhiên, Indonesia lại có tỷ lệ xét nghiệm thấp nhất thế giới tính theo dân số, trong khi tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 lại vượt 17,5% trong tuần trước. Tỷ lệ dương tính dưới 5% là dấu hiệu cho thấy dịch bệnh được kiểm soát.

Tính đến giữa tháng 12, Indonesia thực hiện 15,89 xét nghiệm/1.000 dân, so với 859,96 xét nghiệm ở Singapore và 54,08 xét nghiệm ở Philippines.

Chuyên gia dịch tễ Pandu Riono thuộc Đại học Indonesia nói rằng không nên hạn chế xét nghiệm cho dù dại dịch còn lâu mới kết thúc.

Tại Philippines, Bộ Y tế thông báo đã có 454.447 ca mắc COVID-19 sau khi ghi nhận 1.470 ca mới ngày 17/12. Nước này cũng có thêm 17 ca tử vong trong ngày 17/12, nâng tổng số ca tử vong lên 8.850 ca.

Kiểm tra thân nhiệt cho hành khách trước khi lên xe buýt tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Kiểm tra thân nhiệt cho hành khách trước khi lên xe buýt tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Philippines bắt đầu chứng kiến số ca lây nhiễm COVID-19 gia tăng ở hàng chục thành phố trong khu vực thủ đô. Thứ trưởng Bộ Y tế Rosario Vergeire cho biết: “Số ca mắc liên tục gia tăng ở vùng đô thị Manila… Câu hỏi ở đây không phải là số ca mắc có gia tăng hay không mà là khi nào và tăng bao nhiêu”.

Bà Vergeire cho biết người dân ngày càng tụ tập đông người hơn và bỏ qua quy định an toàn phòng dịch để tận hưởng lễ Giáng sinh.

Chuyên gia dữ liệu ước tính vào cuối tháng 1/2021, số ca mắc COVID-19 có thể tăng lên tới 4.000 ca/ngày từ mức dưới 1.500 ca hiện nay.

Người dân đeo khẩu trang đi qua cây thông Noel ở Malnia ngày 17/12. Ảnh: Reuters

Người dân đeo khẩu trang đi qua cây thông Noel ở Malnia ngày 17/12. Ảnh: Reuters

Tiến sĩ Guido David, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Octa ở Đại học Philippines, cho rằng 4.000 ca/ngày sẽ là diễn biến rất nghiêm trọng. Nếu xảy ra, hệ thống y tế sẽ quá tải, khiến cả nước phải quay lại phong tỏa.

Sau đợt phong tỏa nghiệm ngặt đầu năm, người dân đổ tới các nhà hàng, chợ, phòng tập, nhà thờ. Giao thông công cộng trở lại 50% so với mức bình thường.

Chính phủ đang kêu gọi người dân giãn cách xã hội. Tổng thống Indonesia kêu gọi người dân bỏ kế hoạch tổ chức tiệc Giáng sinh và tụ tập đông người. Ông nói: “Hãy hy sinh. Chúng ta đã chịu đựng đủ rồi, chịu đựng thêm nữa là không thể chấp nhận. Hãy tiếp tục tuân thủ quy định”.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 9/12. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 9/12. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia ghi nhận 1.220 ca mắc mới và 3 ca tử vong mới ngày 17/12. Tổng số ca mắc COVID-19 ở Malaysia tới nay là 89.133 ca, trong đó 432 ca tử vong. Hơn một nửa số ca mắc là ở Selangor, Kuala Lumpur và Putrajaya.

Cùng ngày, một quan chức Bộ Y tế Lào cho biết nước này dự kiến tiếp nhận và phân phối vaccine ngừa COVID-19 trong năm 2021. Theo Cục trưởng Cục kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế Lào, ông Rattanaxay Phetsouvanh cho biết Lào sẽ tiếp nhận vaccine được sản xuất tại Anh.

Bệnh nhân COVID-19 ở Lào. Ảnh: THX

Bệnh nhân COVID-19 ở Lào. Ảnh: THX

Tính đến ngày 17/12, Lào đã xét nghiệm tổng cộng 86.481 ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 41 ca có kết quả dương tính với virus này. Hiện có 36 bệnh nhân đã phục hồi và còn 5 ca được được điều trị tại bệnh viện Mittapphab ở thủ đô Viêng Chăn. Lào ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 24/3.

Trong khi đó, ngày 17/12, Thái Lan đã nới lỏng các hạn chế đi lại cho công dân từ 56 quốc gia trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy phục hồi ngành du lịch của đất nước này do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, du khách sẽ phải trải qua quy trình cách ly hai tuần bắt buộc tại khách sạn.

Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Bangkok, Thái Lan ngày 12/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Bangkok, Thái Lan ngày 12/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát ngôn viên của lực lượng đặt biệt chống dịch COVID-19 của Thái Lan, ông Taweesin Wisanuyothin cho biết khách du lịch từ các quốc gia bao gồm Australia, Pháp và Mỹ có thể đi du lịch mà không cần thị thực, nhưng sẽ cần giấy chứng nhận để chứng minh rằng họ không nhiễm virus SAR-CoV-2 72 giờ trước khi đi du lịch. Ông nói thêm rằng sau đó, du khách sẽ phải trải qua khoảng thời gian cách ly hai tuần và thị thực 30 ngày thông thường sẽ được gia hạn thành 45 ngày. Trong thời gian cách ly, những du khách sẽ trải qua ba lần kiểm tra COVID-19, tăng so với hai lần yêu cầu trước đó.

Ngoài ra, du khách đến từ các quốc gia khác không có trong thông báo này vẫn có thể đủ điều kiện để được cấp thị thực du lịch đặc biệt 90 ngày và giấy chứng nhận nhập cảnh.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-1712-indonesia-lai-lap-ky-luc-ve-so-ca-mac-thai-lan-tim-cach-phuc-hoi-du-lich-20201217222745323.htm