Nữ bác sĩ cấp cứu sốc phản vệ cho bệnh nhân ngay tại nhà thuốc

Đang đứng mua thuốc, người phụ nữ đột nhiên ngất xỉu. Bác sĩ Trần Thị Như Quỳnh đang làm việc ở cơ sở tiêm chủng bên cạnh đã chạy sang cấp cứu kịp thời.

Ngày 6/7, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng đã tuyên dương nữ bác sĩ và ekip cấp cứu thành công cho một phụ nữ bị sốc phản vệ ngay tại nhà thuốc.

Theo đó, vào lúc 11h40 ngày 4/7, người phụ nữ đến mua thuốc tại nhà thuốc trên đường 3/2 (quận 10) bất ngờ ngất xỉu. Ngay lập tức, dược sĩ nhà thuốc liên hệ cấp cứu 115, đồng thời gọi bác sĩ Trần Thị Như Quỳnh đang làm việc tại cơ sở tiêm chủng ở cạnh bên để hỗ trợ sơ cấp cứu.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng (ngoài cùng bên phải) trao đổi với bác sĩ Quỳnh và nhân viên nhà thuốc. Ảnh: Sở Y tế

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng (ngoài cùng bên phải) trao đổi với bác sĩ Quỳnh và nhân viên nhà thuốc. Ảnh: Sở Y tế

Nhận được tin, bác sĩ Quỳnh nhanh chóng có mặt, khám và đánh giá tình trạng, phát hiện người bệnh có các dấu hiệu của sốc như mạch nhẹ, huyết áp thấp.

Nhân viên nhà thuốc cho biết, trước đó, người phụ nữ nói vừa trải qua phẫu thuật thẩm mỹ có chích thuốc gây tê và kháng sinh.

Bác sĩ Trần Thị Như Quỳnh cùng điều dưỡng đưa bệnh nhân vào phòng cấp cứu của cơ sở tiêm chủng, kịp thời xử trí sốc phản vệ theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Ngay sau khi tiêm bắp adrenaline và truyền nhanh NaCl 0,9%, mạch, huyết áp của người bệnh trở lại bình thường, được xe cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 chuyển đến bệnh viện.

Hiện nay, tình trạng người phụ nữ đã ổn định. Bệnh viện Nhân dân 115 chẩn đoán bệnh nhân bị phản vệ độ 3 nghi do thuốc (lidocain, cefotaxim), theo dõi ngộ độc thuốc tê sau thủ thuật thẩm mỹ “vùng kín”.

Sốc phản vệ là một phản ứng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa đến tính mạng đối với một hoặc nhiều tác nhân gây kích thích dị ứng. Các dấu hiệu của tình trạng sốc phản vệ thường xuất hiện tức thì hoặc có thể trong vòng 10-15 phút sau khi các hệ cơ quan trên cơ thể, trong đó có da, đường hô hấp, tim mạch hoặc ống tiêu hóa... tiếp xúc với những dị nguyên.

Bộ Y tế phân phản vệ theo 4 cấp độ dựa trên biểu hiện lâm sàng, trong đó, phản vệ độ 3 là phản ứng sốc ở mức độ nguy kịch. Tình trạng này vô cùng cấp bách và nguy hiểm, có khả năng cướp đi tính mạng của bệnh nhân nếu không được xử trí cấp cứu kịp thời và đúng cách.

Bạch Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nu-bac-si-cap-cuu-soc-phan-ve-cho-benh-nhan-ngay-tai-nha-thuoc-2299048.html