COVID-19 tại ASEAN hết 19/5: Malaysia ca mắc mới cao nhất khu vực; Số ca tử vong toàn khối tăng mạnh

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 17/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 19.794 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 74.350 người.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các nhà sư ở Bangkok, Thái Lan, ngày 18/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các nhà sư ở Bangkok, Thái Lan, ngày 18/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Malaysia và Timor Leste.

Dù Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ASEAN, song tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ hai.

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong đứng thứ hai toàn khối.

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Ngày 19/5, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao nhất khu vực, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 46 trường hợp không qua khỏi.

Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 28 ca mắc COVID-19 và có 3 ca tử vong.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 19/5 ghi nhận thêm trên 3.300 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong tăng mạnh là 29 người.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 393 bệnh nhân mới và 3 ca tử vong trong ngày 19/5. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 74.353 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 410 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.754.247 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.431.178 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 10/11 nước ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới. Timor-Leste lại ghi nhận ca tử vong sau một thời gian lắng dịch.

Dịch COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á ngày 19/5:

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 10/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 10/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngày 18/5, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin thông báo quốc gia Đông nam Á này đã phát hiện 26 ca nhiễm các biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở Anh, Ấn Độ và Nam Phi.

Phát biểu tại buổi họp báo trực tuyến trên kênh Youtube chính thức của Phủ Tổng thống, Bộ trưởng Budi cho hay 3 trong số các biến thể của virus SARS-CoV-2 đã xâm nhập vào Indonesia bao gồm B.1.1.7 từ Anh, B.1.617 từ Ấn Độ và B.1.351 từ Nam Phi. Bộ trưởng Budi lưu ý các thành viên Lực lượng đặc nhiệm ngừa COVID-19 và đội ngũ quan chức y tế địa phương rằng các biến thể trên sẽ có tốc độ lây lan rất nhanh. Do vậy, ông kêu gọi các cơ quan y tế tăng cường xét nghiệm và truy xuất nguồn gốc theo cấp số nhân nhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng đột biến các ca lây nhiễm.

Cùng ngày, Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Cecep Herawan cho biết khoảng 16 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc) sẽ được chuyển đến Indonesia vào cuối tuần này. Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban I của Hạ viện, ông Cecep cho hay Chính phủ Indonesia đang thực hiện hai chiến lược nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine. Chiến lược thứ nhất là thiết lập hợp tác quốc tế ngắn hạn, cả trong khuôn khổ song phương lẫn đa phương. Chiến lược thứ hai mang tính dài hạn với việc hỗ trợ phát triển vaccine trong nước.

Theo ông Cecep, cho đến nay, Indonesia đã tiếp nhận tổng cộng 75,9 triệu liều vaccine, trong đó có 68,5 triệu liều vaccine Sinovac, 6,4 triệu liều vaccine AstraZeneca được tiếp nhận thông qua Cơ chế Covax, 500.000 liều vaccine Sinopharm nhập khẩu từ Trung Quốc và 500.000 liều vaccine Sinopharm nhập khẩu từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) dành cho chương trình tiêm chủng tư nhân mang tên Gotong Royong. Ngoài ra, Chính phủ đã mua một số loại vaccine thông qua các kênh song phương dành cho chương trình tiêm chủng quốc gia, cụ thể là AstraZeneca, Novavax và Pfizer. Số vaccine này dự kiến sẽ được bàn giao dần trong năm nay.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các nhà sư ở Bangkok, Thái Lan, ngày 18/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các nhà sư ở Bangkok, Thái Lan, ngày 18/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Thái Lan, nước này đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các nhà sư với hy vọng giúp họ thực hiện an toàn các hoạt động tôn giáo.

Khoảng 500 nhà sư tại thủ đô Bangkok đã được tiêm trong ngày 18 và 19/5 để tránh nguy cơ mắc COVID-19. Giới chức y tế lưu ý các nhà sư có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 khi đi khất thực và thực hiện các hoạt động công đức, do đó Thái Lan cần đẩy nhanh việc tiêm chủng cho nhóm này để giúp họ tạo được miễn dịch với virus. Tuy nhiên, nguồn cung vaccine hiện nay của Thái Lan sẽ không đủ đáp ứng cho tất cả khoảng 200.000 nhà sư trên cả nước.

Hiện Thái Lan chưa tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19. Đến nay, chỉ khoảng 1,5 triệu người tại nước này được tiêm một mũi vaccine, chủ yếu là các nhân viên y tế tuyến đầu hoặc những người có nguy cơ cao mắc bệnh. Theo kế hoạch, quốc gia Đông Nam Á này sẽ triển khai đợt tiêm vaccine đại trà vào tháng 6 tới trong khi bắt đầu sản xuất nội địa vaccine của hãng AstraZeneca (Anh)

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân ở Bangkok, Thái Lan ngày 12/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân ở Bangkok, Thái Lan ngày 12/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong vòng 24 giờ qua, Thái Lan tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới và số người tử vong do COVID-19 ở mức cao, với 3.394 ca nhiễm mới, trong đó có 1.498 ca được phát hiện trong các nhà tù, và 29 ca tử vong.

Như vậy, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 116.949 ca mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát đầu năm ngoái, trong đó có 678 người không qua khỏi. Chỉ riêng trong làn sóng COVID-19 thứ ba từ đầu tháng 4 vừa qua, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 88.086 ca mắc.

Trước đó, chiều 18/5, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đã khuyến cáo người dân tại 16 quận của thủ đô Bangkok thận trọng trong bối cảnh dịch bệnh lây nhiễm cao. Theo người phát ngôn CCSA - ông Taweesilp Visanuyothin, các nhân viên y tế vẫn chưa kiểm soát được 21 ổ dịch tại 16 quận của Bangkok và người dân ở những khu vực đó cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Tính đến ngày 18/5, Bangkok có 29 ổ dịch tại 19 quận.

Trong khi đó, nội các Thái Lan đã thông qua dự thảo nghị định hành pháp cho phép chính phủ vay thêm 700 tỷ baht (22,25 tỷ USD) để phục hồi nền kinh tế vốn đang chịu nhiều tác động từ làn sóng dịch COVID-19 thứ ba ở nước này.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 19/5, Lào thông báo ghi nhận 50 ca mắc mới, trong đó có 39 ca lây nhiễm cộng đồng và 11 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Huyện Ton Pheung, thuộc tỉnh Bokeo, Bắc Lào có số ca nhiễm cao nhất với 21 ca, tiếp đến là thủ đô Viêng Chăn với 16 ca.

Đáng chú ý, trong ngày 18/5, huyện Ton Pheung lấy mẫu xét nghiệm 25 trường hợp thì có tới 21 ca dương tính với COVID-19, điều này cho thấy mức độ lây lan cao tại khu vực này, tập trung chủ yếu tại Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng do Trung Quốc đầu tư. Kể từ khi xuất hiện làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 tại Lào, đặc khu kinh tế Tam giác Vàng đã ghi nhận gần 500 trăm ca lây nhiễm trong cộng đồng - chỉ sau thủ đô Viêng Chăn - trong đó có nhiều người nước ngoài.

Đến nay Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.737 ca mắc COVID-19, trong đó có trên 1.600 ca được phát hiện từ cuối tháng 4 đến nay và chỉ ghi nhận 2 trường hợp tử vong.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-195-malaysia-ca-mac-moi-cao-nhat-khu-vuc-so-ca-tu-vong-toan-khoi-tang-manh-20210519234056770.htm