COVID-19 tại ASEAN hết 2/12: Singapore có 2 ca nhiễm Omicron đầu tiên; Thái Lan truy vết gần 800 người từ châu Phi

Trong 24 giờ qua, các nước ASEAN ghi nhận gần 30.000 ca nhiễm mới, 321 ca tử vong. Singapore đã ghi nhận 2 ca nhiễm Omicron đầu tiên trong khi Thái Lan ráo riết truy vết gần 800 khách từ châu Phi.

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của người dân tại trạm kiểm soát ở Rimnam, tỉnh Narathiwat, Thái Lan. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của người dân tại trạm kiểm soát ở Rimnam, tỉnh Narathiwat, Thái Lan. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 2/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 29.911 ca mắc mới COVID-19 và 321 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 14.141.195 trường hợp và 292.770 ca tử vong. Toàn khối có 13.364.605 bệnh nhân đã bình phục.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục xu thế giảm nhiệt ở nhiều quốc gia và đi ngang ở một số nước khác. Ca nhiễm mới ở Philippines giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao, chỉ còn 564 ca trong ngày 2/12. Số ca tử vong ở nước này cũng đã giảm mạnh, chỉ còn 40 ca trong ngày. Ngày 29/11, Philippines đã tạm đình chỉ quyết định cho phép những du khách đã tiêm chủng đầy đủ ngừa COVID-19 nhập cảnh nước này, trong nỗ lực ngăn chặn biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2. Trong những tuần gần đây, Philippines đã nới lỏng các biện pháp hạn chế trong bối cảnh tỉ lệ lây nhiễm giãm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm và tỉ lệ tiêm chủng trên toàn quốc tăng. Tuy nhiên, ngày 28/11, Philippines đã siết chặt hơn nữa kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn biến thể Omicron.

Cùng ngày, Việt Nam ghi nhận 13.698 ca nhiễm mới, đứng đầu khu vực, nâng tổng số ca mắc lên 1.266.288 trường hợp, và 210 ca tử vong mới, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 25.658 người. Cho đến nay, nước ta đã có 1.005.310 bệnh nhân hồi phục.

Các phương tiện di chuyển trên phố ở Phnom Penh, Campuchia ngày 17/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Các phương tiện di chuyển trên phố ở Phnom Penh, Campuchia ngày 17/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia đứng thứ hai khu vực về ca nhiễm mới, với 7.246 ca trong 24 giờ qua. Diễn biến dịch vẫn phức tạp tại Malaysia, với ca nhiễm mới trồi sụt quanh khoảng 5.000-6.000 ca. Với sự xuất hiện biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, Chính phủ Malaysia đã quyết định tạm dừng các biện pháp chuyển sang giai đoạn xác định COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Cùng ngày 2/12 Thái Lan ghi nhận 4.971 ca nhiễm mới. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 2/12 khẳng định chính phủ sẽ không áp đặt lệnh phong tỏa quốc gia bất chấp những lo ngại trên thế giới về biến thể Omicron, song việc đóng cửa các địa điểm giải trí có thể sẽ được kéo dài. Thái Lan đã cấm nhập cảnh đối với du khách (ngoại trừ công dân Thái Lan) đến từ 8 quốc gia châu Phi gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe từ đầu tháng này do lo ngại biến thể Omicron. Những người đến từ các quốc gia ở châu Phi không thuộc diện cấm vẫn phải cách ly trong 14 ngày và phải xét nghiệm COVID-19 nhiều lần.

Trong khi đó, Campuchia chỉ ghi nhận 23 ca nhiễm mới và 5 ca tử vong mới trong ngày. Từ ngày 30/11, Campuchia đã quyết định cho phép các quán karaoke, câu lạc bộ đêm và quán bar tại thủ đô Phnom Penh được mở cửa trở lại sau một thời gian dài ngừng hoạt động do đại dịch COVID-19. Quyết định này được đưa ra sau khi phần lớn dân số Campuchia đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 và số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày giảm đáng kể.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Singapore phát hiện 2 ca nhiễm Omicron đầu tiên

Bộ Y tế Singapore ngày 2/12 thông báo phát hiện hai ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, đều là những trường hợp nhập cảnh và không tiếp xúc với bất kỳ ai trong cộng đồng.

"Hiện tại không có bằng chứng về bất kỳ sự lây truyền nào ra cộng đồng từ những trường hợp này", Bộ Y tế Singapore khẳng định và cho biết thêm, hai trường hợp nói trên hiện đang hồi phục trong khu cách ly tại Trung tâm Các bệnh truyền nhiễm quốc gia. Họ đã được tiêm phòng đầy đủ và có các triệu chứng nhẹ như ho và ngứa cổ họng. Cả hai trường hợp đều đến từ Johannesburg, Nam Phi trên chuyến bay SQ479 của Singapore Airlines vào 1/12.

Trước đó, sau gần 2 năm đóng cửa, ngày 29/11, Singapore và Malaysia đã chính thức mở lại biên giới chung - một trong những biên giới trên bộ nhộn nhịp nhất thế giới, qua đó cho phép người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 đi qua cửa khẩu biên giới hai nước mà không cần phải cách ly.

Người dân xếp hàng chờ tới lượt vào chợ để phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore, ngày 9/10/2021. Ảnh: ÀPF/ TTXVN

Người dân xếp hàng chờ tới lượt vào chợ để phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore, ngày 9/10/2021. Ảnh: ÀPF/ TTXVN

Thái Lan ráo riết truy vết hàng trăm du khách từ châu Phi

Cục Di trú và Bộ Y tế Thái Lan đang truy vết khoảng 783 khách từ châu Phi nhập cảnh nước này từ ngày 15/11 để xét nghiệm tầm soát biến thể Omicron nhằm đảm bảo an toàn cộng đồng. Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Suwat Jangyodsuk cho biết những du khách châu Phi này được cho là đến những địa điểm du lịch chính gồm cả Bangkok và các nhà chức trách đang cố gắng tiếp cận nhóm này để yêu cầu xét nghiệm phát hiện sớm biến thể mới nếu có. Ngoài ra, Cảnh sát Di trú và Bộ Y tế Thái Lan đang tăng cường tối đa các biện pháp kiểm soát COVID-19 tại các sân bay, an ninh biên giới để ngăn chặn việc vượt biên trái phép và di cư bất hợp pháp.

Trong khi đó, các nhà chức trách y tế của đảo nghỉ dưỡng Phuket đã yêu cầu 130 khách du lịch, gồm 126 người từ Nam Phi và 4 người từ Namibia, vào tỉnh này từ 15-27/11, cách ly trong 14 ngày. Trung tâm Thông tin Phuket cho biết sau khi kết thúc cách ly, các du khách này được yêu cầu thực hiện xét nghiệm RT-PCR.

Thái Lan đã cấm nhập cảnh đối với du khách (ngoại trừ người Thái) đến từ 8 quốc gia châu Phi gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe từ đầu tháng này do lo ngại về biến thể Omicron. Những người đến từ các quốc gia ở châu Phi không thuộc diện cấm vẫn phải cách ly trong 14 ngày và được xét nghiệm COVID-19 nhiều lần.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 26/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 26/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Sáng 2/12 Thái Lan ghi nhận thêm 4.971 ca mắc mới cùng 33 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay lên 2.125.729 ca, trong đó có 20.847 người không qua khỏi.

Singapore lạc quan về khả năng ứng phó các biến thể mới

Khi Singapore bắt đầu thực hiện lộ trình sống chung với dịch COVID-19, đảo quốc này đã chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt, khiến nhiều người hoài nghi liệu khi đó đã phải là thời điểm thích hợp để theo đuổi chiến lược này hay chưa. Tuy nhiên, khi số ca mắc mới giảm mạnh, có nhiều ý kiến lạc quan cho rằng kế hoạch sống chung với COVID-19 đã giúp cải thiện tình hình dịch bệnh ở Singapore, ngay cả khi xuất hiện biến thể Omicron.

Trong bài viết trên stuff.co.nz, ông Alex Cook - Phó Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu thuộc Trường Y tế công Saw Swee Hock, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho rằng Singapore đã thành công trong việc đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine cao. Người dân nhìn chung có sự tin tưởng vào chính phủ và các biện pháp chống dịch đang được triển khai. Ông nhận định: “Có lẽ bài học rút ra từ Singapore là tạo điều kiện cho người dân tiêm vaccine phòng COVID-19 và áp đặt các quy định hạn chế đối với những người không tiêm”.

Khách hàng dùng bữa tại một nhà hàng trong trung tâm thương mại ở Singapore, ngày 14/5/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Khách hàng dùng bữa tại một nhà hàng trong trung tâm thương mại ở Singapore, ngày 14/5/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Singapore đã xác định đi theo con đường “thích nghi, phát triển và sống chung lâu dài với COVID-19” từ cuối tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, với việc xuất hiện biến thể Omicron được đánh giá là nguy hiểm hơn so với biến thể Delta, ngày 28/11, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết “đảo quốc Sư tử” có thể phải trì hoãn việc nới lỏng giãn cách xã hội.

Hiện 94% dân số đủ điều kiện tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Singapore đã hoàn thành hai mũi, trong đó 26% đã tiêm mũi tăng cường.

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 của Singapore đang tiến triển tích cực. Tỷ lệ lây nhiễm ở Singapore trong trung bình 7 ngày là 258 ca/1 triệu dân, giảm so với mức gần 700 ca/1 triệu dân hồi cuối tháng 10. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong trung bình 7 ngày hiện là 1 ca/1 triệu dân, so với mức đỉnh điểm 2,57 ca/1 triệu dân vào ngày 10/11. Có tới 99% số ca mắc mới đều là không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ, do vậy hệ thống y tế quốc gia không bị rơi vào tình trạng quá tải.

Cho đến nay, Singapore ghi nhận 265.000 ca mắc COVID-19, trong đó 718 ca tử vong.

Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia thắt chặt hạn chế đi lại

Đề phòng biến thể mới Omicron, Indonesia đã cấm nhập cảnh toàn bộ hành khách đến từ 11 quốc gia, ngoại từ người Indonesia trở về nước và bị cách ly 14 ngày.

Các nhà chức trách Indonesia đã thắt chặt biên giới, mở rộng kiểm dịch và hạn chế di chuyển trong một động thái đi trước nhằm hạn chế sự lây lan của biến thể Omicron nếu biến thể này xuất hiện.

Các nhà khoa học cho rằng Omicron, được phát hiện cho đến nay ở hai chục quốc gia, có thể dễ lây lan hơn các biến thể trước đó, đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Hơn 50 quốc gia đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại mới trong những ngày gần đây.

Indonesia, từng là một điểm nóng dịch ở châu Á, vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến thể Omicron, nhưng đang tăng cường các biện pháp để giảm thiểu tác động tiềm tàng, bao gồm mở rộng thời gian cách ly bắt buộc từ 7 ngày lên 10 ngày.

Lào tăng cường kiểm soát nhập cảnh để phòng ngừa biến thể Omicron

Lào đã tăng cường các biện pháp kiểm soát nhập cảnh đối với du khách đến từ 9 nước châu Phi, trong bối cảnh biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 đang gây lo ngại trên toàn thế giới.

Một học sinh trên 12 tuổi đang được nhân viên tiêm tại bệnh viện Setthathirath, thủ đô Vientiane. Ảnh: Phạm Kiên - Pv TTXVN tại Lào

Một học sinh trên 12 tuổi đang được nhân viên tiêm tại bệnh viện Setthathirath, thủ đô Vientiane. Ảnh: Phạm Kiên - Pv TTXVN tại Lào

Cụ thể, công dân đến từ các nước Nam Phi, Namibia, Zimbabwe, Botswana, Lesotho, Eswatini, Seychelles, Malawi và Mozambique bị cấm nhập cảnh vào Lào. Quyết định này nhằm ngăn chặn nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập lào. Bộ Y tế Lào cũng cho biết nước này đang tăng cường xét nghiệm COVID-19 đối với tất cả công dân của các quốc gia trên thế giới khi nhập cảnh vào Lào nhằm sớm phát hiện biến thể mới Omicron để có biện pháp giám sát và cách ly phù hợp.

Liên quan tình hình dịch COVID-19 tại Lào, Bộ Y tế Lào ngày 2/12 cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 1.333 ca mắc mới, đều là ca cộng đồng, tại 18 tỉnh, thành phố và 8 ca tử vong do COVID-19. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục ghi nhận số ca cộng đồng tăng cao, với 605 trường hợp tại 204 bản thuộc 9 quận, nhiều nhất cả nước. Đáng chú ý, số ca tử vong do COVID-19 tại Lào tiếp tục tăng, với 16 ca chỉ trong 2 ngày.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-212-singapore-co-2-ca-nhiem-omicron-dau-tien-thai-lan-truy-vet-gan-800-nguoi-tu-chau-phi-20211202222119096.htm