COVID-19 tại ASEAN hết 24/8: Indonesia vượt 4 triệu ca bệnh; Thái Lan học cách 'sống chung'
Trong ngày 24/8, các nước ASEAN ghi nhận trên 81.000 ca nhiễm mới và 2.141 ca tử vong. Thái Lan thay đổi chiến lược sang 'sống chung với dịch' trong khi Indonesia vượt 4 triệu ca bệnh.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 24/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 81.436 ca mắc mới COVID-19 và 2.141 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 9.487.112 trường hợp và 210.307 ca tử vong. Toàn khối có 8.146.717 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 6 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 1.038 ca; Việt Nam đứng thứ hai với 348 ca; Thái Lan ghi nhận 226 ca tử vong; Malaysia có thêm 211 ca và Campuchia thêm 3 ca, Timor Leste 2 ca.
Với 20.837 ca nhiễm trong ngày 24/8, Malaysia đứng đầu khu vực về ca mắc mới, trong bối cảnh dịch tiếp tục lây lan nhanh tại nước này do biến thể Delta. Indonesia ghi nhận thêm 19.106 ca mắc mới, đứng thứ hai trong khối, với tổng ca bệnh đã vượt ngưỡng 4 triệu, bao gồm trên 19.000 ca tử vong.
Thái Lan cùng ngày ghi nhận 17.165 ca nhiễm mới, nâng tổng cộng ca bệnh lên 1.083.951, bao gồm 9.788 ca tử vong. Timor Leste và Lào lần lượt
Thái Lan "học cách sống chung với COVID-19"
Ủy ban Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm (NCDC) đã thông qua việc thay đổi chiến lược của Thái Lan sang "học cách sống chung với COVID-19". Dự kiến, NCDC sẽ đề nghị Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) cân nhắc mở cửa trở lại một số lĩnh vực của đất nước, phù hợp với cam kết hồi tháng 6 của Thủ tướng Chan-o-cha mở cửa đất nước trong 120 ngày.
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) Opas Karnkawinpong, trọng tâm trong tương lai sẽ là kiềm chế các ca nhiễm ở mức độ không vượt quá khả năng của hệ thống y tế công cộng, với các biện pháp chính là tiêm chủng cho các nhóm dễ bị tổn thương và truy vết nhanh hơn với giả định rằng tất cả mọi người đều có thể bị nhiễm bệnh. Cục trưởng Opas nêu rõ các biện pháp phong tỏa hiện nay sẽ hết hạn vào ngày 31/8 và chính phủ sẽ cân nhắc về việc liệu có mở cửa sau đó hay không.
Trong một diễn biến khác, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan cho biết hãng AstraZeneca sẽ cung cấp 61 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho Thái Lan trước cuối năm nay, nâng tổng số vaccine các loại mà nước này đã đặt mua lên 120 triệu liều. Số vaccine này đủ để tiêm phòng cho khoảng 60 triệu người.
Ngày 23/8, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã họp trực tuyến với Giám đốc điều hành AstraZeneca, Pascal Claude Roland Soriot. Trong khuôn khổ cuộc họp, công ty này cam kết giao 61 triệu liều vaccine từ giờ đến cuối năm. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng đang lên kế hoạch đặt mua thêm 60 triệu liều vaccine thế hệ mới từ AstraZeneca trong năm 2022 để ứng phó với các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Với cam kết trên, Thái Lan đã vượt qua mục tiêu ban đầu là mua vaccine để tiêm cho 50 triệu dân vào cuối năm 2021. Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan nhận định cam kết của AstraZeneca là một tin tuyệt vời, giúp nước này tiến gần mục tiêu đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.
Tình hình lây lan dịch COVID-19 đang có dấu hiệu chậm lại, qua đó củng cố hy vọng rằng kế hoạch của Chính phủ Thái Lan mở cửa lại đất nước trước cuối năm nay có thể vẫn thực hiện được. Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 17.165 ca mới và 226 ca tử vong vì COVID-19. Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Thái Lan đã có tổng cộng 1.083.951 ca mắc COVID-19, trong đó có 9.788 ca tử vong.
Ca bệnh vượt 4 triệu, Indonesia bắt đầu nới lỏng hạn chế
Kể từ ngày 24/8, Indonesia đã thực hiện nới lỏng các hạn chế phòng dịch tại một loạt khu vực trên khắp đất nước, bao gồm cả thủ đô Jakarta.
Quyết định này được công bố hôm 23/8 trong bối cảnh cư dân Jakarta là khu vực đầu tiên tại Indonesia được tiếp nhận vaccine Pfizer/BioNTech.
Tổng thống Joko Widodo cho biết việc nới lỏng được thực hiện khi số ca nhiễm mới đã giảm 78% kể từ ngày 15/7, khi làn sóng dịch đang ở đỉnh điểm. Tỉ lệ sử dụng giường bệnh hiện đã giảm xuống còn 33%.
Ông Widodo cho biết: “Bằng cách quan sát sự cải thiện ở một số chỉ số, chính phủ sẽ dần dần điều chỉnh một số hạn chế đối với các hoạt động công cộng. Việc nới lỏng các hạn chế sẽ đi kèm với việc thực hiện các giao thức nghiêm ngặt về sức khỏe và sử dụng ứng dụng PeduliLindungi như một yêu cầu bắt buộc".
Ra mắt vào năm ngoái, ứng dụng dành cho thiết bị di động, hiển thị bằng chứng về việc tiêm chủng và tình hình COVID-19 ở các khu vực xung quanh vị trí một người, hiện được yêu cầu truy cập sử dụng để tới các địa điểm công cộng như cửa hàng tạp hóa và trung tâm thương mại.
Tổng thống Widodo lưu ý chính phủ đặt mục tiêu tiêm trên 100 triệu liều vaccine COVID-19 cho người dân vào cuối tháng 8. Tới nay, 32,05 triệu người Indonesia, chiếm 15,2% dân số mục tiêu, đã được tiêm chủng đầy đủ.
Campuchia sắp hoàn tất tiêm phòng cho 10 triệu người
Báo Khmer Times ngày 24/8 đưa tin trong 2 ngày tới, nước này sẽ hoàn thành mục tiêu đầu tiên là tiêm phòng COVID-19 cho 10 triệu người.
Kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm phòng từ ngày 10/2 đến ngày 23/8, Campuchia đã tiêm vaccine cho 9.851.896 người dân trong nước và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại nước này (bao gồm cả thanh thiếu niên trong độ tuổi 12-17), trong đó 7.967.118 người đã tiêm đủ liều.
Ngày 23/8, Campuchia đã tiếp nhận thêm 500.000 liều vaccine của Sinopharm. Nước này đã nhận tổng cộng khoảng 24 triệu liều vaccine, trong đó 21,7 triệu liều qua hợp đồng mua bán và 3,2 triệu liều được tặng.
Về tình hình dịch, Bộ Y tế Campuchia ngày 24/8 xác nhận trong 24 giờ qua có 466 ca mới, gồm 94 ca nhập cảnh và 372 ca lây nhiễm cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay tại Campuchia đã vượt mốc 90.000 ca, song số ca nhiễm mới vẫn ở mức dưới 500 ca/ngày. Cũng trong 24 giờ qua, đã có thêm 13 ca tử vong, nâng tổng số lên 1.821 ca.
Lào: Ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh
Bộ Y tế Lào ngày 24/8 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 336 ca mới, trong đó 189 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 147 ca cộng đồng.
Số ca nhiễm trong cộng đồng tại Lào tiếp tục tăng cao với nhiều chuỗi lây nhiễm mới được phát hiện, đặc biệt là ổ dịch tại trại giam ở tỉnh Savannakhet. Trong 24 giờ qua, Savannakhet là tỉnh ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng cao nhất cả nước với 128 ca, trong đó hầu hết là các phạm nhân trong trại giam.
Cơ quan y tế các tỉnh của Lào như Bokeo, Savannakhet, Champasak đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine. Đây là các tỉnh có tỷ lệ ca mới ở mức cao trong nhiều ngày qua do có đường biên giới chung với Thái Lan và ghi nhận hàng trăm lao động Lào về nước.
Tính từ đầu dịch, Lào ghi nhận tổng cộng 12.957 ca mắc COVID-19, trong đó có 11 ca tử vong. Đã có 2,1 triệu người được tiêm mũi đầu vaccine ngừa COVID-19 và trên 1,6 triệu người được tiêm phòng đầy đủ.
Brunei ghi nhận ca tử vong đầu tiên trong hơn 1 năm
Theo tờ Straits Times, ngày 24/8, Brunei đã ghi nhận 2 ca tử vong, đây là những trường hợp tử vong đầu tiên tại nước này trong hơn 1 năm qua. Nạn nhân là một cụ bà 85 tuổi và một người đàn ông 69 tuổi, đều là công dân Brunei, qua đời do nhiễm trùng phổi sau khi được đưa vào trung tâm cách ly trong tháng này.
Như vậy tổng ca tử vong do COVID-19 tại Brunei đến nay là 5 trường hợp. Lần cuối nước này ghi nhận ca tử vong là vào tháng 6 năm ngoái.