COVID-19 tại ASEAN hết 25/12: Thêm 452 ca tử vong/ngày; Thái Lan tăng mạnh ca Omicron
Trong 24 giờ qua, các nước ASEAN ghi nhận trên 24.000 ca nhiễm mới và 452 ca tử vong. Thái Lan tăng mạnh ca nhiễm biến thể Omicron, Việt Nam vẫn dẫn đầu khối về ca nhiễm và tử vong mới.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 25/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 24.089 ca mắc mới COVID-19 và 452 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 14.745.891 trường hợp và 302.695 ca tử vong. Toàn khối có 13.865.556 bệnh nhân đã bình phục.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục xu thế đi xuống mạnh ở nhiều quốc gia từng là điểm nóng trước đây. Ca nhiễm mới ở Philippines giảm rất mạnh so với thời kỳ đỉnh cao, chỉ còn 433 ca trong ngày 25/12. Tuy nhiên, cùng ngày, số ca tử vong mới vẫn ở mức khá cao, với 137 trường hợp. Số ca mắc COVID-19 giảm và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng tăng đã cho phép Philippines hồi sinh ngành du lịch với việc mở cửa biên giới từ ngày 1/12. Du khách đã được tiêm phòng đầy đủ đến từ 157 quốc gia sẽ không phải cách ly nếu có kết quả xét nghiệm âm tính ngay trước chuyến bay và nếu họ không đi du lịch đến các quốc gia có tỷ lệ nhiễm bệnh cao trong vòng 2 tuần trước đó.
Cùng ngày, Việt Nam ghi nhận 15.586 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc lên 1.636.455 trường hợp, và 241 ca tử vong mới, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 31.007 người. Nước ta hiện đang liên tiếp đứng đầu khu vực về ca nhiễm và tử vong theo ngày.
Malaysia đứng thứ hai khu vực về ca nhiễm mới, với 3.528 ca. Ca nhiễm tại Malaysia những ngày gần đây liên tục bỏ xa dưới ngưỡng 5.000 ca. Với sự xuất hiện biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, Chính phủ Malaysia đã quyết định tạm dừng các biện pháp chuyển sang giai đoạn xác định COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Thái Lan đứng thứ ba khu vực về ca nhiễm mới với 2.766 ca và 30 ca tử vong trong 24 giờ qua. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 2/12 khẳng định chính phủ sẽ không áp đặt lệnh phong tỏa quốc gia bất chấp những lo ngại trên thế giới về biến thể Omicron, song việc đóng cửa các địa điểm giải trí có thể sẽ được kéo dài. Kể từ ngày 16/12, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan đã quyết định kéo dài thời gian cách ly đối với những người đến nước này theo các chương trình hộp cát và cách ly từ 5 ngày lên 7 ngày. Quyết định này nhằm đối phó với sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron và sự gia tăng các ca nhiễm ở một số nước.
Số ca nhiễm mới tại Singapore vẫn lên xuống quanh ngưỡng 200, với chỉ 265 ca nhiễm mới và không có ca tử vong mới. Song song với công tác chuẩn bị sẵn sàng đối phó nguy cơ bùng phát COVID-19 do biến thể Omicron, Singapore cũng nới lỏng một số biện pháp giãn cách, theo đó từ ngày 1/1/2022, làm việc tại nhà sẽ không còn là bắt buộc, các công ty, cơ quan được phép cho 50% số nhân viên trở lại làm việc trực tiếp. Việc điều chỉnh này là nhờ số ca nhiễm mới hàng ngày hiện nay đã giảm mạnh, bình quân khoảng 600 ca/ngày trong tuần qua. Đồng thời, Singapore và Malaysia cũng quyết định mở rộng đối tượng được phép đi lại qua VTL trên bộ đối với tất cả công dân hai nước đã tiêm đủ vaccine từ ngày 20/12 tới đây.
Trong khi đó, Campuchia chỉ ghi nhận 6 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong mới trong ngày. Từ ngày 30/11, Campuchia đã quyết định cho phép các quán karaoke, câu lạc bộ đêm và quán bar tại thủ đô Phnom Penh được mở cửa trở lại sau một thời gian dài ngừng hoạt động do đại dịch COVID-19. Quyết định này được đưa ra sau khi phần lớn dân số Campuchia đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 và số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày giảm đáng kể.
Thái Lan: Số ca nhiễm biến thể Omicron tăng nhanh
Kết quả lấy mẫu ngẫu nhiên mới nhất của Bộ Y tế Thái Lan đối với các trường hợp mắc COVID-19 ở nước này cho thấy khoảng 16% nhiễm biến thể Omicron.
Trợ lý phát ngôn viên Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) Apisamai Srirangson cho biết đã có 205 ca được xác nhận nhiễm biến thể Omicron tính đến ngày 24/12. Việc lấy mẫu ngẫu nhiên 874 ca mắc COVID-19 được thực hiện trong khoảng thời gian từ 20-23/12. Trong số này, 16,2% nhiễm biến thể Omicron, số còn lại là chủng Delta.
Trong số 874 ca nói trên, có 221 ca nhập cảnh theo chương trình “Xét nghiệm và Lên đường” (Test & Go) và hơn một nửa trong số đó (52,9%) được xác nhận nhiễm biến thể Omicron.
Bà Apisamai Srirangson cho biết các số liệu dựa trên báo cáo về lượng khách đến theo chương trình“Test & Go” từ mỗi tỉnh. Điều này cho thấy tỷ lệ các ca nhiễm Omicron được phát hiện trong nước đang gia tăng nhanh chóng. Nhưng nhìn chung, biến thể Delta vẫn là biến thể chủ đạo ở Thái Lan. Phân tích số liệu về các ca mắc COVID-19 ở cấp tỉnh cho thấy 56,5% số ca nhiễm ở Bangkok vẫn là biến thể Delta trong khi 43,5% là biến thể Omicron.
Trong khi đó, trả lời các câu hỏi của phóng viên về những lễ đếm ngược chào đón Năm mới 2022 trên toàn quốc sau khi chính quyền Bangkok thông báo hủy tất cả các sự kiện chính thức do lo ngại gia tăng các ca nhiễm biến thể Omicron ở thủ đô, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh các hoạt động đếm ngược vẫn có thể được tổ chức nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn về phòng chống COVID-19.
Dự kiến tuần tới, Bộ Y tế Thái Lan sẽ thảo luận về những kịch bản lây nhiễm có thể xảy ra và cung cấp thêm thông tin chi tiết về biến thể Omicron.
Lào chuẩn bị đón khách du lịch từ 1/1/2022
Để chuẩn bị cho việc mở cửa đón khách du lịch trở lại từ 1/1/2022, Lào đang triển khai thí điểm chương trình tiêu chuẩn LaoSafe về an toàn sức khỏe và dịch tễ trong lĩnh vực du lịch và khách sạn tại thủ đô Viêng Chăn. Đây là dự án do Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào thực hiện dưới sự hỗ trợ của chính phủ các nước Luxembourg và Thụy Sĩ.
LaoSafe là bộ tiêu chuẩn cho các lĩnh vực dịch vụ du lịch và khách sạn, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ lưu trú, cửa hàng ăn uống (F & B), hãng hàng không, điểm du lịch, hướng dẫn viên du lịch và tài xế. Chương trình này hiện được mô tả cụ thể tại trang web chính thức của dự án ww.tourismlaos.org.
Ngay sau khi chương trình LaoSafe tiến hành tập huấn, hỗ trợ doanh nghiệp tại thủ đô Viêng Chăn đạt được tiêu chuẩn cho việc chuẩn bị mở cửa trở lại đất nước, tỉnh Luang Prabang là địa phương tiếp theo được triển khai dự án này. Dự kiến, đợt thẩm định và cấp chứng nhận LaoSafe đầu tiên cho các đơn vị dịch vụ sẽ được thực hiện từ tháng 1/2022, tập trung tại các vùng xanh du lịch gồm thủ đô Viêng Chăn, Luang Prabang và thị trấn Vangvieng.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh, ngày 25/12, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.007 ca mắc mới COVID-19 tại 18 tỉnh, thành phố và 12 ca tử vong do COVID-19, trong đó chỉ có 2 ca là người nhập cảnh. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước với 500 ca cộng đồng trong một ngày. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào hiện là 105.380 ca, trong đó có 317 người tử vong.