COVID-19 tại ASEAN hết 28/11: Gần 10.000 ca mắc/ngày; Philippines lại tăng mạnh ca nhiễm

Trong ngày 28/11, các nước ASEAN ghi nhận thêm 9.984 ca mắc COVID-19 so với ngày trước đó, trong khi số ca tử vong tăng thêm 230 và hiện đã có trên 27.300 bệnh nhân không qua khỏi.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Banten, Indonesia ngày 11/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Banten, Indonesia ngày 11/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 28/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng cộng 1.179.988 ca mắc COVID-19 trong đó có 27.346 ca tử vong và 1.012.533 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN, với số ca bệnh và tử vong mới luôn dẫn đầu khối. Trong ngày 28/11, nước này ghi nhận gần trên 5.400 ca bệnh mới và 125 ca tử vong.

Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có chỉ có Timor Leste, Lào và Brunei là những nước không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 28/11.

Ba quốc gia có số ca nhiễm mới ở mức 4 con số còn lại là Philippines, Malaysia và Myanmar. Philippines dịch vẫn diễn biến phức tạp, khi số ca nhiễm mới sau khi giảm xuống mức trên 1.000 ca/ngày, đã tăng lên gần 1.900 ca trong ngày 28/11. Trong khi đó, dịch tại Malaysia chưa có dấu hiệu giảm nhiệt với trên 1.300 ca nhiễm mới.

 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 28/11/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).

Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 28/11/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).

Thái Lan dự báo kinh tế tăng trưởng 4% trong năm 2021

Bộ Tài chính Thái Lan vừa dự báo tăng trưởng kinh tế nước này có thể đạt 4% vào năm 2021.

Bộ trưởng Tài chính Arkhom Termpittayapaisith cho biết quỹ đạo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan là rõ ràng, trong bối cảnh Bộ này đang mở rộng kế hoạch kích thích kinh tế đồng chi trả của chính phủ. Ông Arkhom cho biết nền kinh tế Thái Lan đã chạm đáy sau khi giảm mạnh 12% trong quý II/2020.

Bộ trưởng Arkhom cho hay sự sụt giảm kinh tế trong quý III/2020 đã chậm lại xuống khoảng 6% trong khi dự trữ ngoại tệ đứng ở mức 241 tỷ USD. Ngoài ra, nợ công của Thái Lan đang ở mức tương đương 49,4% GDP. Vì vậy, Chính phủ Thái Lan dự đoán GDP sẽ tăng khoảng 4% vào năm 2021 và 3-5% trong 5 năm tới.

Chính phủ Thái Lan cũng đã đưa ra nhiều biện pháp để kích thích sức mua trong nước và sẽ bao gồm kế hoạch đồng chi trả giai đoạn hai vào năm tới.

Ngoài ra, Thái Lan vừa vay một khoản tiền trị giá 1,5 tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á trong năm nay. Ông Arkhom cho hay Thái Lan không có kế hoạch vay thêm trong năm 2021.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Banten, Indonesia ngày 11/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Banten, Indonesia ngày 11/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia đàm phán với Pfizer về vaccine COVID-19

Chính phủ Indonesia đã bắt đầu đàm phán với giới chức tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer để đảm bảo nguồn cung cấp vaccine do công ty này sản xuất. Các cuộc đàm phán sẽ còn tiếp tục kéo dài sang tuần tới, liên quan đến việc Pfizer sẽ cung cấp phương tiện cơ sở chuỗi lạnh để đảm bảo việc bảo quân, phân phối vaccine.

Không giống như đa số các loại vaccine khác (thường được bảo quản ở nhiệt độ 2-7 độ C, vaccine do Pfizer và đối tác BioNTech phát triển - sản xuất cần được bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh, -70 độ C. Vì thế để bảo quản, phân phối vaccine này cần các thiết bị chuyên dụng đặc biệt. Được biết Pfizer đang tìm cách tạo ra phiên bản thế hệ hai của vaccine COVID-19 này, cũng với 2 liều tiêm nhưng chịu được nhiệt độ ấm hơn.

Indonesia hiện ghi nhận 527.999 ca COVID-19 trong đó có 16.646 ca tử vong và 441.983 bệnh nhân đã khỏi.

Indonesia có 270 triệu dân, và đã lên kế hoạch tiêm chủng cho 107,2 triệu người trong độ tuổi 18-59. Nước này cũng cần 15% số vaccine trong kho dự trữ, như vậy, với 2 liều tiêm mỗi người, Indonesia cần mua 247 triệu liều vaccine trong năm 2021.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sumatra, Indonesia ngày 25/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sumatra, Indonesia ngày 25/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Philippines mua 2 triệu liều vaccine của AstraZeneca

Chính phủ Philippines đã ký thỏa thuận mua 2 triệu liều vaccine của AstraZeneca (Anh) vào ngày 27/11. Chính phủ lên kế hoạch tiêm chủng cho 30 triệu người/năm nhằm đạt được mục tiêu chủng ngừa cho 75% dân số.

Theo ông Carlito Galvez, người được giao đứng đầu chương trình phòng chống đại dịch tại Philippines, nước này cũng đã có kế hoạch mua 50 triệu liều vaccine COVID của công ty Sinovac, Trung Quốc sản xuất.

AstraZeneca và đối tác, Đại học Oxford, trước đây thông báo họ đang xin phép phê duyệt cho ứng cử viên vaccine giá phải chăng của mình sau khi thử nghiệm cho hiệu quả phòng bệnh trung bình là 70%.

Người dân đeo khẩu trang chờ xe buýt ở Philippines ngày 1/10/2020. Ảnh: The Star

Người dân đeo khẩu trang chờ xe buýt ở Philippines ngày 1/10/2020. Ảnh: The Star

Ngày 25/11, Philippines ghi nhận thêm 1893 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 427.797. Tỉ lệ xét nghiệm dương tính ở Philippines hiện nay là 5,6%.

Malaysia: Dự kiến chủng ngừa cho 30% dân số trong năm tới

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết, tổng cộng 9,6 triệu người, tương đương 30% dân số nước này sẽ được tiêm phòng COVID-19 trong năm 2021. Ông Yassin lưu ý chính phủ đã ký hai hợp đồng đảm bảo cung cấp vaccine.

Ngoài hợp đồng ký với Pfizer được công bố ngày 27/11, Thủ tướng Yassin cho biết Malaysia đã ký hợp đồng với cơ sở COVAX (của Liên hợp quốc) để nhận đủ vaccine cho 10% dân số.

Cũng theo ông Yassin, Malaysia sẽ nhận nguồn vaccine trong quý 1/2021. Ông bày tỏ hy vọng ngân sách năm 2021 sẽ được Hạ viện thôgn qua nhằm đảm bảo mục tiêu nới rộng trợ giúp đến các nhóm bị ảnh hưởng.

Thủ tướng Yassin cũng thông báo Malaysia sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc.

Trước đó, ngày 27/11, Malaysia thông báo đã đồng ý mua 12,8 triệu liều vaccine COVID do Pfizer sản xuất, trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á công bố hợp đồng như vậy với công ty Mỹ sau khi nhiều nước bày tỏ lo ngại về nhu cầu thiết bị bảo quản siêu lạnh với loại vaccine này.

Ngày 28/11, Malaysia ghi nhận thêm 1.344 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 63.176, trong đó có 51.314 ca đã bình phục. Nước này tới nay cũng có tổng cộng 354 ca tử vong vì đại dịch COVID-19.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-2811-gan-10000-ca-macngay-philippines-lai-tang-manh-ca-nhiem-20201128211547410.htm