COVID-19 tại ASEAN hết 29/5: Malaysia kỷ lục trên 9.000 ca mắc/ngày; Thái Lan: 2.700 ca nhiễm mới trong tù

Trong ngày 29/5, toàn khối có trên 28.700 ca nhiễm và 458 ca tử vong mới. Malaysia lại ghi nhận ngày kỷ lục lây nhiễm vượt 9.000 ca, trong khi Thái Lan có trên 4.700 ca nhiễm mới, bao gồm trên 2.700 ca ở trong các nhà tù.

Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 ra nghĩa địa để chôn cất tại Selangor, Malaysia ngày 26/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 ra nghĩa địa để chôn cất tại Selangor, Malaysia ngày 26/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 29/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 28.728 ca mắc COVID-19 và 458 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 3.984.749 trường hợp và 78.142 ca tử vong. Toàn khối có 3.607.639 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 6 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 162 ca. Philippines ghi nhận 156 ca tử vong, Malaysia ghi nhận số ca tử vong lên tới 98, trong khi Thái Lan thêm 34 ca, Campuchia ghi nhận 7 ca tử vong mới và Timor Leste thêm 1 ca.

Với 6.565 ca nhiễm mới, Indonesia tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực. Đến nay nước này ghi nhận tổng cộng 1.809.926 ca bệnh và 50.262 ca tử vong.

Trong khi đó, Philippines ghi nhận ca nhiễm mới tăng trở lại với 7.443 ca nhiễm trong ngày 29/5. Nước này đã ghi nhận tổng cộng 1.216.582 ca bệnh, trong đó có 20.019 ca tử vong và 1.120.452 ca bình phục.

Cùng ngày Thái Lan chứng kiến 4.803 ca nhiễm mới. Campuchia cũng ghi nhận 588 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh đã lên tới 28.824 người. Lào chỉ ghi nhận 3 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 1.908 trường hợp.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 22/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 22/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia tiếp tục lập kỷ lục trên 9.000 ca mắc mới

Bộ Y tế Malaysia ngày 29/5 xác nhận có thêm 9.020 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này.

Selangogr vẫn là địa phương có số ca mắc COVID-19 mới nhiều nhất trong cả nước với 2.836 ca, tiếp đó là bang Kelantan với 907 ca và Nigeri Sembilan với 898 ca. Tính tới nay, Malaysia ghi nhận 558.534 ca mắc COVID-19.

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Malaysia quyết định thực thi lệnh phong tỏa toàn diện giai đoạn 1 từ ngày 1-14/6. Trong khoảng thời gian này, chỉ các lĩnh vực kinh tế và dịch vụ then chốt được phép hoạt động. Nếu giai đoạn 1 thành công trong việc giảm số ca mắc COVID-19, nước này sẽ chuyển sang thực hiện phong tỏa giai đoạn 2 với thời gian 4 tuần. Trong giai đoạn này, chính phủ sẽ mở cửa trở lại đối với một số lĩnh vực kinh tế không liên quan tới việc tụ tập đông người, có thể duy trì giãn cách xã hội.

Nhân viên tiến hành khử khuẩn nghĩa trang sau khi các bệnh nhân COVID-19 qua đời được chôn cất tại ở Semenyih, Selangor, Malaysia, ngày 26/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên tiến hành khử khuẩn nghĩa trang sau khi các bệnh nhân COVID-19 qua đời được chôn cất tại ở Semenyih, Selangor, Malaysia, ngày 26/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan: Một nửa ca nhiễm mới là ở trong nhà tù

Theo tờ Bangkok Post, giới chức Thái Lan cho biết nước này ghi nhận 4.803 ca nhiễm mới trong ngày 29/5, trong đó có 2.702 trường hợp mắc trong các nhà tù. Số ca tử vong mới là 34, nâng tổng ca tử vong lên 988, và tổng ca bệnh là 149.779 người. Trong số này, 22.398 ca được ghi nhận trong các nhà tù.

Làn sóng COVID-19 thứ ba, bắt đầu từ ngày 1/4 đã khiến 120.916 người mắc bệnh tại Thái Lan. Cho tới nay, trong tổng số 149.779 ca nhiễm, 46.480 bệnh nhân vẫn đang được điều trị.

Thái Lan mới tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 1,64% dân số, với trên 2,4 triệu người được tiêm mũi đầu tiên và trên 1 triệu người nhận được mũi thứ hai.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 12/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 12/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia thực hiện tiêm chủng theo "Chiến lược nở hoa"

Trong khi đó, tại Campuchia, tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đang được đẩy mạnh với ít nhất 2,4 triệu người đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Tuy nhiên, theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Chính phủ Campuchia khẳng định sẽ chưa thể phân phối vaccine về những tỉnh chưa thuộc diện ưu tiên hiện nay, dù nước này sắp nhận được khoảng 4,5 triệu liều vaccine trong tháng 6 tới.

Trong một phát biểu đăng trên trang Facebook cá nhân ngày 29/5, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen nêu rõ đang có quá nhiều đề nghị được ưu tiên tiêm chủng cho nhân viên và công chức từ các doanh nghiệp, nhà máy, địa phương cấp tỉnh và cơ quan bộ ngành, nhưng chiến dịch tiêm chủng sẽ được tiến hành đúng theo “Chiến lược nở hoa” của chính phủ. Theo đó, việc tiêm chủng được bắt đầu từ thủ đô và tỉnh Kandal lân cận, trước khi mở rộng ra những khu vực khác của đất nước theo thứ tự ưu tiên. Đầu tiên, vaccine phải được chuyển tới những khu vực đông dân cư nhất trong các tỉnh.

Thủ tướng Hun Sen nêu rõ hiện ở Phnom Penh đã có hơn 1 triệu người được tiêm chủng, tương đương 60% dân số thủ đô. Ông khẳng định sẽ không ai bị bỏ lại phía sau trong chiến dịch tiêm chủng tại Campuchia.

Binh sĩ quân đội Campuchia hướng dẫn người dân giữ khoảng cách phòng lây nhiễm COVID-19 tại một điểm tiêm chủng ở Phnom Penh. Ảnh: AFP/TTXVN

Binh sĩ quân đội Campuchia hướng dẫn người dân giữ khoảng cách phòng lây nhiễm COVID-19 tại một điểm tiêm chủng ở Phnom Penh. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia ngày 29/5, các cơ quan chức năng đã ghi nhận 588 ca mắc COVID-19 mới và thêm 7 trường hợp tử vong. Tính đến nay, Campuchia có tổng cộng 28.825 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 7.300 người đã bình phục. Tổng số ca tử vong là 203 người.

Lào cho phép người dân tập thể dục ngoài trời trở lại

Trưa 29/5, Bộ Y tế Lào thông báo nước này chỉ ghi nhận 3 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24h qua, bao gồm 1 ca cộng đồng ở thủ đô Viêng Chăn và 2 ca nhập cảnh được cách ly ngay ở các tỉnh khác. Đây là con số mắc mới thấp nhất kể từ khi làn sóng dịch thứ 2 xuất hiện tại Lào vào cuối tháng 4 vừa qua.

Việc Lào chỉ phát hiện duy nhất 1 ca lây nhiễm cộng đồng sau gần 40 ngày thực hiện lệnh phong tỏa cho thấy tình hình dịch bệnh tại nước này đã phần nào được kiểm soát nhờ các biện pháp quyết liệt của chính phủ và sự tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch của người dân.

Phát biểu tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Y tế Lào cho biết mặc dù số ca mắc mới thấp, nhưng người dân không được lơ là cảnh giác mà phải tiếp tục tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch trong bối cảnh có nhiều ca không triệu chứng đã tiếp xúc và lây nhiễm cho nhiều người tại các gia đình, công ty, công sở…

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 13/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 13/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trước sự hạ nhiệt của tình hình dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào cũng vừa ra thông báo cho phép người dân được phép tập thể dục ngoài trời trở lại. Chính phủ cũng cho phép các sân golf, câu lạc bộ quần vợt, cầu lông, trung tâm thể thao, ở những địa phương chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 trong 14 ngày gần nhất, có thể đón khách trở lại với điều kiện chủ cơ sở phải có kế hoạch phòng chống dịch cụ thể và được nhà chức trách cấp phép. Các trường học và cơ sở giáo dục ở những nơi không có dịch COVID-19 cũng có thể cho học sinh trở lại lớp nhưng phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch.

Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.908 trường hợp mắc COVID-19, trong đó đã điều trị khỏi cho 1.402 người, và 3 ca đã tử vong.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-295-malaysia-ky-luc-tren-9000-ca-macngay-thai-lan-2700-ca-nhiem-moi-trong-tu-20210529222233703.htm