COVID-19 tại ASEAN hết 31/7: Cả khối thêm 2.341 ca tử vong; Thái Lan lập kỷ lục về ca mắc

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 31/7, 10 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 92.066 ca mắc COVID-19 và 2.341 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 7.309.086 ca, trong đó 147.607 người tử vong.

Trong ngày 31/7, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất tiếp tục là Indonesia với 37.284 ca.

Đứng số 2 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Thái Lan với 18.912 ca. Tiếp đó là Malaysia với 17.786 ca, Việt Nam với 8.624 ca, Philippines với 8.147 ca, Campuchia với 658 ca, Lào với 380 ca, Timor-Leste với 154 ca, Singapore với 120 ca và Brunei với 1 ca.

Về số ca tử vong, có 6 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (1.808 ca), Thái Lan (178 ca), Philippines (167 ca), Malaysia (165 ca), Campuchia (22 ca) và Lào (1 ca).

Số ca nhiễm và tử vong tại Thái Lan lập các mốc mới

Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Pattani, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Pattani, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong theo ngày cao ở các mốc mới khi có thêm 18.912 ca nhiễm cùng 178 trường hợp không qua khỏi vì dịch bệnh này trong 24 giờ qua.

Số liệu do Bộ Y tế Thái Lan công bố cho thấy trong số 18.912 ca mới được ghi nhận có 810 ca là các tù nhân. Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Thái Lan đã có tổng cộng 597.287 ca mắc COVID-19, với 4.857 ca tử vong. Bộ Y tế Thái Lan ngày 30/7 cho rằng nước này có thể giữ cho số ca tử vong không vượt quá 200 ca/ngày bằng cách đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và thực hiện 2 tháng phong tỏa.

Campuchia đang ở thời điểm then chốt để ngăn chặn dịch

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 20/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 20/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 31/7, báo Khmer Times dẫn báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về diễn biến dịch COVID-19 tại Campuchia cho rằng quốc gia Đông Nam Á này đang ở thời điểm then chốt để chống dịch bệnh.

Trong báo cáo có tựa đề "Chúng ta đang chống lại các biến thể mới: Hành động ngay bây giờ để ngày mai không phải hối tiếc", đại diện của WHO tại Campuchia, bà Lý Ái Lan, đánh giá cáo quyết định của Chính phủ Campuchia về phong tỏa 8 tỉnh giáp biên giới Thái Lan và áp lệnh giới nghiêm tại các địa phương trên cả nước, coi đây là bước đi quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19, đặc biệt là biến thể Delta. Với số ca mắc mới và tử vong mỗi ngày tiếp tục ở mức cao, Campuchia hiện ở giai đoạn hai lây nhiễm cộng đồng và biến thể Delta đang lây lan với tốc độ nhanh chóng. Bà Lý Ái Lan cho rằng không một biện pháp đơn lẻ nào có thể kiềm chế dịch bệnh lây lan, mà cần áp dụng kết hợp các biện pháp về y tế công và xã hội.

Trong khi đó, cho dù đã phong tỏa các tỉnh giáp biên và đóng cửa biên giới không cho phép người dân qua lại, số ca nhập cảnh mắc COVID-19 tại Campuchia vẫn ở mức cao.

Theo thông cáo ngày 31/7 của Bộ Y tế Campuchia, nước này có thêm 22 người tử vong và 658 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 248 ca nhập cảnh và 410 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính đến hôm nay, Campuchia xác nhận tổng cộng 77.243 ca mắc COVID-19, trong đó 69.996 người đã khỏi bệnh và 1.397 người tử vong.

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 8/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia ngày 8/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, một triệu liều vaccine phòng COVID-19 của hãng Sinovac mà Campuchia đặt mua của Trung Quốc và 300.000 bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 do Trung Quốc viện trợ đã về tới Sân bay quốc tế Phnom Penh.

Trong một phát biểu cùng ngày, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Yuok Sambath nói rằng Campuchia dự kiến tiếp nhận tổng cộng khoảng 26 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tính đến giữa tháng 8/2021 (cả mua và được viện trợ). Với số vaccine nhận được, Campuchia có thể hoàn thành mục tiêu tiêm phòng COVID-19 cho 13 triệu người, tương đương trên 80% dân số.

Tính đến ngày 31/7, Campuchia đã tiêm phòng cho hơn 7,2 triệu người, trong đó 4.729.605 người đã hoàn thành hai mũi tiêm.

Lào siết chặt quản lý trong khu cách ly

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Lào cùng ngày thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 380 ca mắc mới COVID-19, trong đó đa phần là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đây là số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước tới nay trong một ngày được ghi nhận tại Lào.

Trước tình hình người nhập cảnh ngày càng gia tăng, Chính phủ Lào yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác phòng chống dịch như: mở rộng trung tâm cách ly, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất y tế, nâng cấp và cải tạo cơ sở y tế; đồng thời, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch của người dân và siết chặt quản lý các trung tâm cách ly…

Bên cạnh đó, Lào đang tích cực hỗ trợ việc làm cho người lao động bị thất nghiệp do đại dịch COVID-19. Theo đó, người lao động đăng ký tìm việc làm với chính quyền địa phương có thể được bố trí việc trong các nhà máy hoặc công ty có nhu cầu tuyển dụng. Đây là một phần trong các chính sách hỗ trợ của Bộ Lao động và phúc lợi xã hội Lào trước tình trạng thất nghiệp gia tăng do đại dịch COVID-19.

Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 6.299 ca mắc COVID-19 và 7 người tử vong.

Malaysia kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia tại bang Sarawak

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 29/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 29/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Hãng thông tấn Bernama ngày 31/7 đưa tin Malaysia đã kéo dài tình trạng khẩn cấp tại bang miền Đông Sarawak cho đến tháng 2/2022, theo đó sẽ hoãn các cuộc bầu cử địa phương trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Như vậy bang Sarawak là địa phương duy nhất tại Malaysia gia hạn tình trạng khẩn cấp, trong khi các địa phương khác sẽ kết thúc tình trạng khẩn cấp quốc gia từ ngày 1/8.

Theo sắc lệnh của Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah, tình trạng khẩn cấp được kéo dài tại bang Sarawak là để hoãn cuộc bầu cử ở bang này nhằm ngăn chặn số ca mắc COVID-19 gia tăng. Nhiệm kỳ của hội đồng luật pháp bang Sarawak đã hết hạn vào ngày 6/6, song được kéo dài theo quy định của tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Trong những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 tại Malaysia tăng mạnh. Số ca mắc mới theo ngày cao nhất tại Malaysia được ghi nhận ngày 25/7 vừa qua với 17.045 ca. Tính đến hết ngày 30/7, Malaysia ghi nhận tổng cộng 1.095.486 ca mắc COVID-19, trong đó có 8.859 ca tử vong.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-317-ca-khoi-them-2341-ca-tu-vong-thai-lan-lap-ky-luc-ve-ca-mac-20210731210953089.htm