COVID-19 tại ASEAN hết 4/10: Ca mắc mới và tử vong giảm mạnh; Học sinh tại Malaysia trở lại trường

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 4/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 27.697 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước; Trong khi tổng số ca tử vong tới nay tăng lên trên 265.200 người.

Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca mắc mới của toàn khối ở tiếp tục xu thế giảm của mấy ngày gần đây. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Brunei và Việt Nam.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm mạnh. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” ghi nhận chưa tới 1.000 ca bệnh mới và chỉ có 88 ca tử vong.

Diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Ngày 4/10, Philippines chứng kiến số ca mắc mới và tử vong cao nhất Đông Nam Á. Malaysia tình hình dịch bệnh cũng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Song trong ngày 4/10, Malaysia không công bố số liệu dịch bệnh.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tạ trường học ở Bangkok, Thái Lan, ngày 4/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tạ trường học ở Bangkok, Thái Lan, ngày 4/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu về dịch. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Thái Lan là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 4/10 ghi nhận thêm trên 9.900 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 97 người, đứng thứ hai toàn khối.

Campuchia có xu thể dịch đi ngang mấy ngày trước đây, với 219 bệnh nhân mới và 23 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 265.212 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 403 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên trên 12,2 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 11,4 triệu trường hợp.

Nhìn chung, toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 7/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới, trong khi 3 nước không công khai số liệu.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Học sinh Malaysia trở lại trường sau 6 tháng học trực tuyến

Tại Malaysia, ngày 4/10, khoảng 143.000 học sinh trên toàn quốc, ngoại trừ 2 bang là Kedah và Johor, đã quay trở lại trường học sau khoảng 6 tháng gián đoạn học tập hoặc học trực tuyến do tác động của đại dịch COVID-19.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Giáo dục Malaysia, Tiến sĩ Radzi Jidin, cho biết việc đưa học sinh trở lại trường cũng là để hệ thống giáo dục hoạt động trở lại. Về phía phụ huynh, bên cạnh những phản ứng tích cực cũng có một số ý kiến cho rằng đây chưa phải là thời điểm thích hợp để cho các em học sinh trở lại trường học do còn lo ngại tình hình COVID-19. Tuy nhiên, theo ông Radzi phụ huynh có quyền lựa chọn cho con đi học trực tiếp hoặc để các em ở nhà học trực tuyến nhưng cần thông báo trước cho nhà trường.

Chương trình Tiêm chủng Quốc gia ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên, với mục tiêu đến tháng 11 tới sẽ tiêm ít nhất một mũi cho 60% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12- 17 và tiêm đầy đủ cho 80% số này trước khi đến mùa tựu trường năm học mới 2022-2023.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 29/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 29/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Thái Lan bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 12 tuổi

Thái Lan ngày 4/10 bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em với mục tiêu bao phủ hơn 5,04 triệu học sinh trên toàn quốc để chuẩn bị cho học kỳ mới bắt đầu từ tháng 11.

Bộ Giáo dục đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho học sinh từ 12 -18 tuổi bằng vaccine Pfizer. Đây là loại vaccine đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt để sử dụng cho trẻ em từ 12 tuổi, trong bố cảnh nhiều trường học trên cả nước đang hy vọng có thể mở cửa trở lại. Học sinh tại 29 tỉnh trong vùng “đỏ sẫm” thuộc diện kiểm soát nghiêm ngặt và tối đa sẽ được tiêm chủng trước và sau đó sẽ mở rộng ra các vùng khác trên cả nước.

Bộ trên cũng đang xem xét tiêm một mũi duy nhất trong bối cảnh lo ngại về một dạng viêm cơ tim hiếm gặp sau khi có tin về một trường hợp như vậy ở Mỹ. Cho đến nay, chỉ có một ca duy nhất như vậy được ghi nhận ở Thái Lan, đó là một cậu bé 13 tuổi, hiện đang hồi phục trong bệnh viện.

Thư ký thường trực Bộ Giáo dục, ông Supat Jampathong cho biết một cuộc khảo sát của cơ quan này cho thấy hơn 90% phụ huynh trên toàn quốc sẵn sàng cho con em mình đi tiêm chủng. Đến nay, 33.047 học sinh, tương đương 88,2% học sinh tại các trường thuộc quyền quản lý của Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA), đã đăng ký tiêm vaccine.

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 30/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 30/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Lào xem xét cho người bệnh hoặc người có tiếp xúc gần tự cách ly tại nhà

Bộ Y tế Lào ngày 4/10 cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 307 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 301 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Bộ Y tế Lào đánh giá số ca lây nhiễm trong cộng đồng chiếm phần lớn các ca nhiễm mới được ghi nhận tại 10 tỉnh thành của nước này trong 24 giờ qua cho thấy dịch bệnh đang có nguy cơ lây lan rộng. Đáng chú ý, số ca cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn vẫn ở mức cao, với 164 ca mắc mới. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 25.524 ca, trong đó có 22 ca tử vong.

Bộ Y tế Lào cho biết số ca lây nhiễm tăng mạnh trong những ngày qua đã khiến hệ thống y tế nước này đứng trước nguy cơ quá tải dù nhiều tỉnh đã mở thêm các bệnh viện dã chiến. Trước tình hình trên, Lào đang xem xét cho người mắc COVID-19 hoặc người có tiếp xúc gần tự cách ly và chăm sóc tại nhà. Biện pháp này sẽ giúp các bệnh viện tập trung hơn cho việc cứu chữa các ca bệnh nặng cũng như để dành giường bệnh cho những bệnh nhân có bệnh nền. Chính sách này chỉ được thực hiện khi các bệnh viện quá tải và những người có tiếp xúc gần với các F0 cũng có thể tự cách ly tại nhà nếu có đủ điều kiện.

Theo chính sách mới, người tự cách ly ở nhà sẽ phải có phòng ngủ, nhà vệ sinh riêng và tự cách ly 14 ngày kể từ khi có tiếp xúc gần với người mắc COVID-19. Người tự cách ly phải tự theo dõi thân nhiệt thường xuyên cũng như các triệu chứng của bệnh như khó thở, mất khứu giác hay vị giác; đồng thời không được tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình.

Bên cạnh đó, Chính phủ Lào yêu cầu Ủy ban chuyên trách các cấp chỉ đạo thành phần có liên quan tiếp tục chuẩn bị trung tâm cách ly và cơ sở điều trị đầy đủ; chuẩn bị ngân sách dự phòng để mua vật tư y tế, vaccine, thuốc điều trị, dung dịch xét nghiệm và các thiết bị cần thiết; đồng thời thực hiện chính sách và động viên tinh thần đối với cán bộ y tế và cán bộ chức năng liên quan tham gia công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Nhân viên y tế tiên vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiên vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia điều chỉnh một số quy định giám sát an toàn y tế

Tại Indonesia, đối với hoạt động hàng không, Bộ Nội vụ Indonesia cho phép mỗi chuyến bay chỉ chở tối đa 90 hành khách và đảm bảo mọi quy định về an toàn y tế. Hành khách đi máy bay phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính tối đa 48 giờ trước khi khởi hành.

Tại đảo Java-Bali, khách du lịch nội địa bằng phương tiện công cộng như máy bay phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm phòng (ít nhất 1 mũi vaccine). Người đến và đi từ Java-Bali và các khu vực PPKM cấp độ 4 phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm vaccine và xét nghiệm PCR âm tính.

Bộ Nội vụ nước này cũng yêu cầu các tổ chức kinh doanh vận tải hàng không quốc gia, các công ty vận tải hàng không nước ngoài tại Indonesia sắp xếp lượt bay đến, báo cáo dữ liệu về các chuyến bay quốc tế tại sân bay quốc tế Soekarno-Hatta cho chính phủ. Đây là một phần nỗ lực nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự xâm nhập của biến thể mới vào Indonesia qua đường hàng không.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-410-ca-mac-moi-va-tu-vong-giam-manh-hoc-sinh-tai-malaysia-tro-lai-truong-20211005051916115.htm