Covid-19 tái bùng phát ở châu Á gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu
Tâm điểm của tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu đang chuyển từ kênh đào Suez (Ai Cập) sang Thâm Quyến (Trung Quốc), nơi một cảng container quốc tế đang tệ liệt vì xảy ra đợt bùng phát dịch Covid-19 mới. Trong khi đó, các cụm lây nhiễm khác ở những khu vực sản xuất bán dẫn quan trọng của Đài Loan và Malaysia đang làm trầm trọng thêm cơn khan hiếm chip trên toàn cầu, vốn đang kìm hãm công suất của ngành công nghiệp ô tô và các ngành công nghệ khác.
Khi các nền kinh tế phương Tây sôi động trở lại, làn sóng mới của các cụm dịch Covid-19 ở châu Á, nơi chiến dịch tiêm chủng vẫn còn trong giai đoạn đầu, đang tạo ra những nút thắt mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đe dọa đẩy tăng giá cả hàng hóa và và kìm hãm triển vọng phục hồi kinh tế ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19.
Phần lớn thời gian của năm 2020, Trung Quốc, Đài Loan và nhiều khu vực khác của châu Á đã kiểm soát dịch Covid-19 tốt hơn Mỹ và châu Âu, giúp hạn chế thiệt hại về kinh tế. Tuy nhiên khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 tăng, các chính phủ phương Tây bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại và kinh doanh, giúp nền kinh tế của họ tăng trưởng trở lại.
Trong khi đó, các nỗ lực tiêm chủng ở châu Á bị tụt lại phía sau, giới chức trách ở khu vực này đang áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn để ngăn chặn virus SARS-CoV-2, đặc biệt là các biến chủng có tốc độ lây lan nhanh hơn của virus này. Tỷ lệ tiêm chủng thấp ở toàn châu Á có thể buộc giới chức trách tiếp tục áp dụng các quy định giãn cách xã hội và hạn chế đi lại để kiểm soát làn sóng lây nhiễm mới. Điều này sẽ làm gián đoạn hoạt động sản xuất và kìm hãm chi tiêu của người tiêu dùng.
Cảng container quốc tế ở Trung Quốc tê liệt
Nick Marro, nhà phân tích thương mại toàn cầu của Economist Intelligence Unit, cho biết cơn tái bùng phát Covid-19 ở châu Á diễn ra vào thời điểm thực sự mong manh khi thương mại toàn cầu chỉ mới bắt đầu phục hồi.
Tại cảng container quốc tế Diêm Điền ở TP Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc, ổ lây nhiễm Covid-19 giữa những công nhân đã khiến các hoạt động ở đây bị tê liệt hoàn toàn, gây thêm căng thẳng cho ngành vận tải biển quốc tế, vốn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu container rỗng dai dẳng và các hậu quả của sự cố tắc nghẽn kéo dài một tuần ở kênh đào Suez vào đầu năm nay.
Một số tàu đã phải chờ đến 2 tuần để nhận hàng tại Diêm Điền, cùng với khoảng 160.000 container đang chờ tiếp nhận hàng, theo các nhà môi giới. Cước phí vận chuyển một container 40 foot từ Trung Quốc đến Bờ Tây của nước Mỹ đã tăng vọt lên mức 6.341 đô la Mỹ, theo Chỉ số Baltic Freightos (FBX), tăng 63% kể từ đầu năm và tăng hơn 3 lần so với một năm trước đó.
Năm ngoái, cảng Diêm Điền xử lý lượng hàng hóa nhiều hơn gần 50% so với cảng Los Angeles , cảng container nhộn nhịp nhất của Mỹ. Và trong quí đầu tiên của năm nay, khối lượng container xử lý ở cảng này tăng 45% so với một năm trước đó.
Công suất hoạt động của Diêm Điền, nơi xử lý hơn 13 triệu container mỗi năm, hiện chỉ ở mức 30% so với mức bình thường và tình trạng xử lý container chậm trễ này có thể kéo dài trong vài tuần, theo nhà phân tích Hua Joo Tan của Công ty Liner Research Services.
Lars Mikael Jensen, Giám đốc Mạng lưới đại dương toàn cầu của hãng vận tải biển lớn nhất thế giới, Maersk (Đan Mạch), cho biết tình trạng tắc nghẽn hàng hóa ở Thâm Quyến sẽ dẫn đến các tác động lan tỏa trên toàn cầu, ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa bán tại các siêu thị của Walmart và Home Depot ở Mỹ, vì hai công ty này đã thiết lập các chuỗi cung ứng và logistics xung quanh quanh cảng Diêm Điền.
Maersk đang chuyển hướng 40 tàu container từ Diêm Điền đến các cảng khác, bao gồm cả Hồng Kông.
Jensen nói: “Đó là một cảng lớn và rất năng động nên khi hàng hóa bị kẹt ở đó, điều này sẽ ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng trên toàn thế giới”. Ông cho hay sự cố tắc nghẽn của kênh đào Suez kéo dài một tuần và phải mất 10 ngày để giải phóng tất cả các tàu bị mắc kẹt.
"Nhưng tình trạng tắc nghẽn ở đây (cảng Diêm Điền) chưa biết bao giờ mới kết thúc. Người Trung Quốc sẽ đóng cửa mọi thứ cho đến khi họ chắc chắn rằng Covid-19 sẽ không lan rộng", Jensen nói.
Hoạt động sản xuất chip ở Đài Loan, Malaysia bị ảnh hưởng
Trong khi đó, Đài Loan, nơi chiếm 1/5 công suất sản xuất chip của thế giới, bao gồm một tỷ lệ đáng kể chip ô tô, đang trải qua đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Tại King Yuan Electronics, một trong những công ty đóng gói và kiểm tra chip lớn nhất trên đảo Đài Loan, hơn 200 công nhân đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong tháng này, khiến 2.000 công nhân khác bị cách ly, dẫn đến doanh thu bị suy giảm khoảng 1/3 trong tháng này. Các công ty bán dẫn khác gần đó cũng đang phải chật vật ứng phó các ổ lây nhiễm bùng phát tại các nhà máy của họ.
Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) cung cấp khoảng 92% sản lượng chip cao cấp nhất cho thế giới, cho biết vẫn chưa bị ảnh hưởng, nhưng đợt bùng phát dịch đang xảy ra ở khu vực gần trụ sở chính của họ ở Tân Trúc, Đài Loan.
Brady Wang, một nhà phân tích bán dẫn tại hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, cho biết giữa lúc sự thiếu hụt chip đang diễn ra trên toàn cầu thì cơn bùng phát dịch bệnh ở các khu công nghiệp công nghệ của Đài Loan “tất nhiên sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt này”.
Malaysia, nơi có một số nhà máy thuộc sở hữu nước ngoài liên quan đến sản xuất chip và tụ điện, điện trở và các mô-đun quan trọng khác được sử dụng trong thiết bị điện tử tiêu dùng và ô tô, cũng chứng kiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 mới.
Infineon Technologies, nhà sản xuất bán dẫn của Đức, có hai nhà máy ở Malaysia, bị giới chức y tế Malaysia buộc đóng cửa một nhà máy vào đầu tháng này, khiến một số đơn hàng giao hàng chip bị trì hoãn.
Sau khi một số nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, một nhà máy ở Malaysia thuộc sở hữu của Công ty Taiyo Yude, nhà sản xuất thiết bị điện tử và linh kiện bán dẫn của Nhật Bản, đã tạm dừng hoạt động.
Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Malaysia (MSIA) cho biết các biện pháp phong tỏa kiểm soát dịch bệnh sẽ khiến sản lượng bán dẫn của Malaysia giảm từ 15% đến 40%.
Wong Siew Hai, Chủ tịch MSIA: “Điều này sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng ở nơi nào đó trên thế giới”.
Sự thiếu hụt bán dẫn đang ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ khi họ phải đối mặt với kế hoạch giao hàng chậm hơn, song giá cả lại cao cao hơn.
Sự gián đoạn hoạt động ở cảng Diêm Điền có thể gây cản trở hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc và làm gia tăng áp lực lạm phát toàn cầu.
Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng ở Công ty JD Digit, đơn vị công nghệ tài chính của Công ty thương mại điện tử JD.com cho biết, Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn áp lực lạm phát toàn cầu khi phần lớn nhà sản xuất ở nước này chấp nhận gánh chi phí đầu vào tăng thêm cho đến nay, nhưng tình trạng gián đoạn hoạt động ở cảng Diêm Điền đang có nguy cơ đẩy tăng giá cả tiêu dùng trên khắp thế giới.
Zhu Guojin, nhà tư vấn tại Công ty Jizhi Supply Chain Service Yiwu, nói: “Thật đáng lo ngại. Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy công suất cảng ở Trung Quốc bị sụt giảm ở quy mô lớn như vậy”.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 mới đây ở Quảng Đông, tỉnh có đông dân nhất ở Trung Quốc, nơi đóng góp khoảng 1/10 sản lượng kinh tế của đất nước, đã buộc một số nhà sản xuất ở đó tăng giá bán sản phẩm, thậm chí tạm ngừng sản xuất do biên lợi nhuận bị xói mòi.
Hôm 10-6, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, Cao Phong, cho biết cơn tái bùng phát Covid-19 ở tỉnh Quảng Đông vẫn chưa dẫn đến tác động rõ rệt lên hoạt động ngoại thương. Hơn một nửa trong số khoảng 2.000 nhà xuất khẩu của tỉnh này cho hay lượng đơn hàng mới vẫn đang cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Theo Wall Street Journal
Khánh Lan