Covid-19 tái bùng phát ở châu Á: Nạn nhân bởi chính thành công của mình?

Khó khăn trong việc tiêm chủng toàn xã hội và sự chủ quan của người dân đang khiến đại dịch trở lại hoành hành ở châu Á.

Sau hơn 250 ngày không có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng nào, hàng nghìn ca nhiễm Covid-19 mới đã được ghi nhận ở Đài Loan, Trung Quốc kể từ khi làn sóng dịch mới bắt đầu. (Nguồn: Getty)

Sau hơn 250 ngày không có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng nào, hàng nghìn ca nhiễm Covid-19 mới đã được ghi nhận ở Đài Loan, Trung Quốc kể từ khi làn sóng dịch mới bắt đầu. (Nguồn: Getty)

Trong những ngày này, Đài Loan (Trung Quốc) vốn sôi động, nhộn nhịp lại tĩnh lặng đến lạ. Bước vào đợt áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người gần như giãn cách xã hội, những con đường trung tâm ở đây trở nên vắng vẻ, các ga tàu điện ngầm hiu quạnh còn hàng quán thì đóng cửa im lìm.

Câu chuyện chung của châu Á

Từng được cộng đồng quốc tế ca ngợi về khả năng đối phó đại dịch với số ca mắc ở mức thấp và không có đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nào, Đài Loan hiện đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 với các ca nhiễm bệnh lây lan với tốc độ nhanh.

Sau hơn 250 ngày không có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, hàng nghìn ca nhiễm mới đã được ghi nhận ở đây kể từ khi làn sóng dịch mới bắt đầu. Theo trang thống kê Worldometers, tính đến ngày 1/6, Đài Loan ghi nhận gần 9.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 137 ca tử vong và 1.133 bệnh nhân phục hồi.

Câu chuyện tái bùng dịch không chỉ diễn ra với Đài Loan. Nhiều nơi khác ở châu Á khác từng thành công trong việc ngăn chặn đại dịch, hiện cũng đang chứng kiến sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19 và đối mặt với những làn sóng dịch mới.

Tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), tháng 5 là một tháng đáng buồn khi những ngày đầu tháng số ca nhiễm mới gần chạm mốc 1.000 ca/ngày. Ngày 28/5, mặc dù tình hình dịch có thuyên giảm, chính phủ Nhật Bản vẫn quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp ở 9 tỉnh, thành, trong đó có thủ đô Tokyo, tới ngày 20/6.

Tại Hàn Quốc, làn sóng dịch thứ tư kéo dài khiến số ca nhiễm mới mỗi ngày duy trì ở mức hàng trăm ca. Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan hay Singapore,… cũng có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 gia tăng sau giai đoạn khống chế dịch hiệu quả.

Các chuyên gia trong khu vực đặt ra câu hỏi rằng liệu những thành công ban đầu trong công tác phòng chống dịch Covid-19 có khiến người dân tại các quốc gia này chủ quan, “lạnh nhạt” với vaccine cũng như các biện pháp phòng dịch cơ bản hay không?

Thành công trở thành bất lợi

Làn sóng dịch ở Đài Loan bắt nguồn từ sự vi phạm kiểm dịch đối với người nhập cảnh, mà cụ thể là các phi công của hãng China Airlines. Sau đó, số ca nhiễm bắt đầu tăng mạnh từ giữa tháng 5.

Các nhà chức trách đã phản ứng bằng cách nâng cấp độ phòng dịch lên mức 3 trong tổng số 4 cấp độ và được gia hạn đến giữa tháng 6 này.

Giải thích về sự bùng phát Covid-19 tại đây, ông Chunhuei Chi, Giáo sư sức khỏe toàn cầu tại Đại học bang Oregon (Mỹ), cho rằng, chính quãng thời gian dài không có ca nhiễm mới lại là điểm yếu, gây bất lợi cho Đài Loan.

Theo vị Giáo sư này, dường như sự ổn định, an toàn khiến cho chương trình tiêm chủng vaccine bớt cấp bách, việc cập nhật kiến thức về tình hình dịch bệnh và các biến thể virus mới trở nên chậm trễ, người dân dần chủ quan, lơ là phòng dịch.

“Kết quả là, Đài Loan đã trở thành nạn nhân bởi chính thành công của mình”, Giáo sư Chunhuei Chi kết luận.

Tương tự, Seoul (Hàn Quốc) và Tokyo (Nhật Bản), đều là những thành phố kiểm soát thành công đại dịch vào năm ngoái nhưng đến nay thì tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 còn chậm và tương đối thấp.

GS Michael Toole, nhà dịch tễ học và là thành viên nghiên cứu chính tại Viện Burnet ở Melbourne (Australia), chỉ ra lý do dẫn đến việc triển khai tiêm chủng chậm như vậy là bởi các quốc gia châu Á phần lớn đã thoát khỏi giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch.

Thay vì triển khai tiêm vaccine nhanh chóng, Giáo sư Toole giải thích rằng Hàn Quốc và Nhật Bản đã dựa vào phương pháp truy vết và xử lý nguồn lây bệnh. Phương pháp này có hiệu quả trong giai đoạn đầu nhưng khi dịch lây lan rộng sẽ dẫn đến quá tải trong việc truy tìm.

Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, việc quản lý và khuyến khích người dân đi tiêm vaccine dường như mới là trở ngại chính, chứ không phải tìm nguồn cung vaccine.

Hồi cuối tháng 4, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo đã đạt được thỏa thuận với Pfizer để mua 40 triệu liều vaccine. Thỏa thuận này nâng tổng số liều vaccine ngừa Covid-19 mà Hàn Quốc mua được lên 192 triệu liều, gấp đôi lượng vaccine đủ để tiêm chủng toàn quốc (dân số Hàn Quốc năm 2020 là 51,8 triệu người).

Tuy nhiên, trái ngược với nguồn cung vaccine dồi dào, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại xứ sở kim chi vẫn ở mức thấp. Trong khi đó, các báo cáo thống kê của Nhật Bản hồi đầu tháng 5 cũng cho thấy nước này có hàng chục triệu liều vaccine Covid-19 chưa được sử dụng.

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca tại một trung tâm y tế ở Seoul, Hàn Quốc. (Nguồn: AFP)

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca tại một trung tâm y tế ở Seoul, Hàn Quốc. (Nguồn: AFP)

Tiêm chủng là chìa khóa

Đánh giá được tầm quan trọng của tiêm chủng vaccine, Trung Quốc, mặc dù có khởi đầu chậm chạp tương tự, đã đẩy mạnh tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong những tuần gần đây. Hôm 24/5, Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc cho biết, tính đến ngày 23/5, nước này đã hoàn thành tiêm chủng 510,8 triệu liều vaccine Covid-19.

Kể từ ngày 24/5, Nhật Bản chính thức triển khai hai trung tâm tiêm phòng vaccine Covid-19 quy mô lớn tại thủ đô Tokyo và thành phố Osaka. Chính phủ hy vọng các trung tâm tiêm chủng mới thành lập có thể tiêm cho 10.000 người/ngày ở Tokyo và 5.000 người/ngày ở Osaka, qua đó giúp đáp ứng mục tiêu đến cuối tháng 7 hoàn tất tiêm phòng cho những người trên 65 tuổi.

Trong khi đó, tại Đài Loan (Trung Quốc), khi làn sóng Covid-19 ập tới, chỉ khoảng 180.000 người dân (chưa đến 1% dân số) đã tiêm phòng. Sau khi 400.000 liều vaccine AstraZeneca cập bến thông qua chương trình COVAX, nơi đây cũng bắt đầu tăng tốc trong cuộc đua tiêm chủng.

Theo các chuyên gia, do cần một khoảng thời gian nhất định để vaccine có hiệu lực tạo ra miễn dịch cộng đồng, dù đã triển khai tiêm chủng nhưng người dân ở các thành phố châu Á này trước mắt vẫn phải dựa vào các biện pháp truyền thống, bao gồm đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, để ngăn chặn sự lây lan của làn sóng dịch bệnh theo chiều hướng xoắn ốc.

Bà Alexandra Martiniuk, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Sydney (Australia), cảnh báo về mối nguy hiểm của việc chủ quan, thờ ơ với vaccine, kể cả những quốc gia có tỷ lệ lây lan trong cộng đồng thấp.

Theo vị chuyên gia này, một khi virus đã tồn tại trong cộng đồng thì rất khó để tiêu diệt nó hoàn toàn và tỷ lệ tiêm vaccine cao trong dân số là cách tốt nhất để ngăn chặn virus hoành hành.

Tình hình tái bùng dịch ở châu Á cũng khiến các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 thấp hơn như Australia "thấp thỏm" theo dõi sát sao để rút kinh nghiệm.

Cũng cần phải nói lại rằng những thông tin về “sự sụp đổ hoàn toàn của các chiến lược chống đại dịch tại khu vực châu Á” đang bị phóng đại, thổi phồng quá mức.

Tại một cuộc họp báo, người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan Chen Shih-chung đã đính chính rằng, các biện pháp đang áp dụng tại Đài Loan “hoàn toàn chưa phải là mức 4” trước thông tin sai sự thật rằng nơi đây đang phải áp dụng các biện pháp hạn chế mức cao nhất để đối phó dịch bệnh.

Trong khi đó, Giáo sư Chunhuei Chi tin rằng làn sóng bùng phát dịch lần này đã để lại một bài học quan trọng: “Bất kể quốc gia nào dù có bảo vệ xã hội của mình trước đại dịch tốt đến mấy vẫn phải nhớ một điều: Một khi thế giới vẫn chưa được an toàn, thì không có quốc gia nào an toàn”.

(theo New Statesman, tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-tai-bung-phat-o-chau-a-nan-nhan-boi-chinh-thanh-cong-cua-minh-147016.html