COVID-19 'tấn công' trường học, Trung Quốc căng mình chống đợt dịch mới
Trung Quốc đang trải qua đợt dịch lan rộng nhất sau Vũ Hán, người dân càng lo lắng hơn khi virus tấn công vào các trường học.
COVID-19 tấn công trường học
Tối 1/11, hàng chục học sinh tại một trường tiểu học ở Triều Dương, Bắc Kinh bị giữ lại trường sau khi một giáo viên nhiễm SARS-CoV-2.
Phụ huynh tập trung bên ngoài trường, chờ đợi trong lo lắng về tình hình của con. Tới 23h, hiệu trưởng xuất hiện và nói rằng một số học sinh phải đi cách ly.
Với các học sinh chưa có kết quả xét nghiệm, phụ huynh được yêu cầu giúp con mình chuẩn bị đồ đạc để các em nghỉ đêm tại trường.
Truyền thông địa phương cho biết, khoảng 35 học sinh phải tới khu cách ly. Tất cả giáo viên, học sinh và nhân viên nhà trường phải xét nghiệm COVID-19.
Ngoài ra, học sinh một trường cấp 2 gần trường tiểu học trên cũng phải cách ly vì con của giáo viên trên học tại trường này và cũng mắc COVID-19.
16 trường học khác trong quận cũng phải đóng cửa vì nhân viên trường này tiếp xúc với nữ giáo viên mắc COVID-19 do tới cùng một điểm tiêm chủng. Tổng cộng có hơn 400 trường hợp phải cách ly liên quan tới ca bệnh trên.
Một ca COVID-19 có thể là điều không quá đáng ngại với các nước như Mỹ, Anh, Singapore. Nhưng với Trung Quốc, một trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 có thể kích hoạt hệ thống kiểm dịch và truy vết trên diện rộng.
Tối 31/10, hàng chục nghìn người bị giữ lại khu giải trí Disneyland ở Thượng Hải sau khi giới chức địa phương xác nhận một ca COVID-19 ở Hàng Châu từng ghé qua nơi này một ngày trước đó.
Huyện Duyên Sơn, tỉnh Giang Tây thậm chí còn chuyển tất cả đèn giao thông sang màu đỏ để hạn chế đi lại sau khi 2 nhân viên làm việc tại một khu nghỉ dưỡng được xác định mắc COVID-19. Lệnh này sau đó bị rút lại sau làn sóng phản đối dữ dội của dư luận.
Đợt dịch lây lan rộng nhất sau Vũ Hán
Tình hình dịch bệnh của Trung Quốc vẫn đang diễn biến phức tạp. Đợt dịch này bắt đầu từ 17/10, lây lan tới 19/31 tỉnh, thành với hơn 700 ca bệnh và là đợt bùng phát lan rộng nhất ở Trung Quốc sau Vũ Hán đầu năm 2020.
Riêng trong ngày 3/11, Trung Quốc thông báo ghi nhận thêm 87 ca nhiễm mới.
Các chuyên gia Trung Quốc lạc quan rằng nước này có thể khống chế đợt dịch này trong vòng 1 tháng như cách họ dập đợt dịch xuất phát từ Nam Kinh hồi cuối tháng 7 trong 35 ngày.
Trong đợt dịch đó, quốc gia tỷ dân ghi nhận hơn 1.300 ca nhiễm ở 18 tỉnh thành.
Trong bối cảnh Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 đang tới gần, các tỉnh, thành, đặc biệt là thủ đô của Trung Quốc đang siết chặt các biện pháp phòng dịch để sớm cắt đà lây nhiễm của virus.
Tại Bắc Kinh, giới chức địa phương thiết lập các điểm kiểm tra nhiệt độ tại lối vào của các trung tâm mua sắm, siêu thị, khách sạn, rạp chiếu phim và ga tàu điện ngầm. Người dân được khuyến cáo hạn chế ra khỏi thành phố, hoãn đám cưới, đơn giản hóa việc tổ chức tang lễ và cắt giảm tất cả các cuộc tụ tập không cần thiết.
Trung Quốc là quốc gia hiếm hoi trên thế giới còn áp dụng chiến lược "Không COVID-19".
Giới quan sát nhận định Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không thay đổi chiến lược đối phó với dịch trong thời gian ngắn khi Thế vận hội mùa đông chỉ còn cách chưa đầy 100 ngày.
Lãnh đạo Trung Quốc hy vọng sẽ tổ chức thành công sự kiện này mà không kèm theo các đợt bùng phát dịch nhằm chứng tỏ đà hồi phục sau đại dịch cũng như gia tăng vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.
"Nhiều quốc gia quyết định mở cửa hoàn toàn bất chấp việc ghi nhận một số ca nhiễm. Điều này dẫn tới một lượng lớn số ca nhiễm trong vòng 2 tháng qua và họ quyết định tái áp đặt các hạn chế phòng dịch. Cách tiếp cận này thậm chí còn tốn kém hơn, gây tác động tâm lý tới người dân và xã hội", nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn nói.
Ông Chung cho biết việc Trung Quốc duy trì chiến lược "Không COVID-19" tới khi nào sẽ phụ thuộc vào tình hình khống chế dịch của các nước.