Covid-19 'tăng tốc' trên toàn cầu

Số ca mắc Covid-19 toàn cầu tiếp tục tăng mạnh vào ngày 23-6 tại nhiều quốc gia vốn vẫn đang phong tỏa, bao gồm cả Mỹ, ngay cả khi các ca mắc mới đã ổn định hoặc giảm ở một số khu vực ở Tây Âu.

Số ca mắc Covid-19 toàn cầu tiếp tục tăng mạnh vào ngày 23-6 tại nhiều quốc gia vốn vẫn đang phong tỏa, bao gồm cả Mỹ, ngay cả khi các ca mắc mới đã ổn định hoặc giảm ở một số khu vực ở Tây Âu.

Thành phố New York bước vào giai đoạn mở cửa quan trọng khi các cửa hàng đón khách từ ngày 22-6 bất chấp dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát. Ảnh: AP

Thành phố New York bước vào giai đoạn mở cửa quan trọng khi các cửa hàng đón khách từ ngày 22-6 bất chấp dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát. Ảnh: AP

Thế giới ghi nhận gần 9,2 triệu ca mắc

Theo số liệu của trang Worldometers, tính đến sáng 23-6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận gần 9,2 triệu ca mắc, trong đó có 473.188 ca tử vong.

Các trường hợp nhiễm mới đang tăng mạnh ở Mỹ Latinh như Brazil, Mexico, Colombia và Indonesia. Brazil, với hơn 1,1 triệu ca nhiễm và 51.000 ca tử vong, đã bị ảnh hưởng nhiều hơn bất cứ nơi nào bên ngoài nước Mỹ, nơi đã báo cáo hơn 2,3 triệu ca nhiễm và 120.000 người tử vong. Tuy nhiên, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tiếp tục bác bỏ tính nghiêm trọng của đại dịch. Trong tuyên bố mới nhất, ông Bolsonaro khẳng định, phản ứng của thế giới đối với những hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra là quá “phóng đại”, đồng thời tiếp tục bảo vệ quan điểm thúc đẩy mở cửa trở lại các trung tâm thương mại và khôi phục những hoạt động bị đình chỉ bởi các biện pháp giãn cách xã hội.

“Tôi đề nghị các thống đốc bang và thị trưởng của Brazil bắt đầu mở cửa thương mại, bởi những thông tin mới từ thế giới, những thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cùng với những sai lầm của họ, đã cho thấy có một chút phóng đại trong việc xử lý vấn đề này”, nhà lãnh đạo theo đường lối cực hữu của Brazil nói khi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình BandNews. Tổng thống Bolsonaro khẳng định, nhiệm vụ cấp thiết là nối lại các hoạt động thương mại, và tiến trình này cần phải được tăng tốc. Theo ước tính của các nhà kinh tế học, những tác động kinh tế từ đại dịch có nguy cơ đẩy Brazil rơi vào thời kỳ suy thoái lớn nhất trong lịch sử, với việc GDP suy giảm 6,5% và hàng triệu người mất việc làm.

Trong khi đó, Guatemala phát hiện hơn 150 ca trong Phủ Tổng thống Alejandro Giammattei. Phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận gói viện trợ 72.000 bộ xét nghiệm Covid-19 do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ cho Guatemala, ông Giammattei cho biết, phần lớn trong số những ca bệnh trên là các nhân viên thuộc Bộ Hành chính và An ninh - đơn vị trực tiếp phụ trách nhiệm vụ chăm sóc Tổng thống và gia đình ông.

Ấn Độ đã ghi nhận khoảng 15.000 ca nhiễm mới mỗi ngày và một số bang ở nước này hôm 23-6 đang xem xét các biện pháp phong tỏa mới để cố gắng ngăn chặn làn sóng lây lan của virus tại quốc gia hơn 1,3 tỷ dân này. Chính phủ nước này trước đó đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa trên toàn quốc trong nỗ lực tái khởi động lại nền kinh tế ốm yếu khi hàng triệu người mất việc làm. Tại Israel, chính quyền đang đẩy mạnh công tác thực thi các hướng dẫn của Bộ Y tế nước này nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch.

“Con dao hai lưỡi”?

Ở Mỹ, số ca nhiễm tăng trên khắp miền Nam và miền Tây, làm dấy lên lo ngại cuộc chiến chống virus đang đi vào ngõ cụt, khi các tiểu bang mở cửa trở lại và nhiều người Mỹ phản đối việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với những người khác. Đúng vào một thời điểm khó khăn này, tiến sĩ Anthony Fauci - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của chính phủ ngày 23-6 đã trở lại Đồi Capitol để điều trần trước một ủy ban Hạ viện, nơi đang điều tra cách ứng phó dịch Covid-19 của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Phiên điều trần diễn ra sau khi Tổng thống Trump hồi cuối tuần đã yêu cầu các quan chức chính quyền hạn chế hoạt động xét nghiệm Covid-19 và gọi các xét nghiệm này là “con dao hai lưỡi” vì phát hiện ra nhiều ca bệnh hơn. Tổng thống Trump cho biết, nước Mỹ đến nay đã xét nghiệm Covid-19 cho 25 triệu người, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. “Khi xét nghiệm nhiều tới mức này, chúng ta sẽ phát hiện thêm nhiều ca bệnh. Vì thế nên tôi đã yêu cầu các cấp dưới của tôi rằng hãy xét nghiệm ít đi”, ông Trump tuyên bố tại sự kiện vận động tranh cử ở thành phố Tulsa bang Oklahoma, nơi nhiều người tham dự không đeo khẩu trang và không giữ khoảng cách an toàn. Các quan chức Nhà Trắng sau đó đã cố gắng trấn an dư luận, cho rằng, ông Trump chỉ nói đùa về việc yêu cầu giảm xét nghiệm. “Rõ ràng là Tổng thống Trump chỉ đang đùa thôi. Nước Mỹ đang dẫn đầu thế giới về xét nghiệm và đã thực hiện hơn 25 triệu xét nghiệm”, một quan chức Nhà Trắng nói.

Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc cấp cứu của WHO, cho biết, không thể “đổ lỗi” cho việc xét nghiệm kỷ lục vì nhiều quốc gia đã chứng kiến số ca mắc nhập viện và tử vong tăng. “Hiện nay, dịch bệnh đang bùng phát hoặc đang tiến tới đỉnh điểm ở một số nước lớn”, ông nhấn mạnh thêm. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, phải mất hơn ba tháng để thế giới chứng kiến 1 triệu ca mắc được xác nhận, nhưng chỉ 8 ngày để thêm 1 triệu ca nhiễm mới nhất.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_226913_covid-19-tang-toc-tren-toan-cau.aspx