COVID-19 tới 6 giờ sáng 10/10: Thế giới trên 37 triệu ca bệnh; Tâm dịch nguy cơ quay lại châu Âu

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 325.022 trường hợp mắc COVID-19 và 5.050 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 37 triệu người.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở bang Florida, Mỹ ngày 30/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở bang Florida, Mỹ ngày 30/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 10/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 37.064.839 ca, trong đó có 1.071.460 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 27.859.978 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 68.464 ca và 8.133.401 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 9/10, thế giới có tới 144 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 96 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ. Dịch đang chuyển tâm từ Mỹ, Ấn Độ và Brazil sang diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước.

Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (73.196 ca), Mỹ (55.582 ca) và Brazil (26.349 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 929 ca), Mỹ (836 ca), Brazil (605 ca) và Mexico (với 370 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đối mặt với đợt bùng phát dịch mới khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên. Với số ca mắc mới tăng vọt mấy ngày gần đây, nguy cơ tâm dịch COVID-19 quay lại châu Âu đang ngày càng rõ.

Ngày 8/10/2020, bác sĩ Nhà Trắng, ông Sean Conley (ảnh, giữa), thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoàn thành liệu trình điều trị COVID-19 với sức khỏe ổn định kể từ khi quay lại Nhà Trắng và có thể nối lại "các cuộc giao thiệp công khai" từ ngày 10/10. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 8/10/2020, bác sĩ Nhà Trắng, ông Sean Conley (ảnh, giữa), thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoàn thành liệu trình điều trị COVID-19 với sức khỏe ổn định kể từ khi quay lại Nhà Trắng và có thể nối lại "các cuộc giao thiệp công khai" từ ngày 10/10. Ảnh: AFP/ TTXVN

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 7.889.502 ca mắc và 218.574 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 6.977.008 ca mắc và 107.450 ca tử vong, Brazil với 5.055.888 ca mắc và 149.637 ca tử vong, Nga với 1.272.238 ca mắc và 22.257 ca tử vong.

Tại Mỹ, chính phủ nước này dự kiến cung cấp miễn phí khoảng hơn 1 triệu liều điều trị kháng thể đối với bệnh COVID-19 cho người dân giống như loại Tổng thống Donald Trump đã dùng để điều trị những ngày vừa qua.

Ngày 9/10, Tổng thống Trump cho biết ông đang đàm phán để thuốc điều trị kháng thể COVID-19 do 2 hãng dược Regeneron Pharmaceuticals và Eli Lilly & Co có thể được cấp phép nhanh chóng và sớm được phân phối tới các bệnh viện sau khi chính ông đã được điều trị hiệu quả bằng thuốc này.

Cùng ngày, ông Paul Mango thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ cho báo giới biết Chương trình Operation Warp Speed của Chính phủ Mỹ hiện có "vài trăm nghìn liều" theo phương pháp điều trị kháng thể đơn dòng đang được phát triển bởi 2 hãng dược nói trên và dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu liều như vậy từ nay tới cuối năm. Chương trình Operation Warp Speed là chương trình do chính quyền Tổng thống Trump khởi xướng nhằm thúc đẩy tiến trình đưa vaccine vào sử dụng càng sớm càng tốt.

Cả hai hãng dược nói trên cũng tuyên bố thuốc điều trị kháng thể của họ cho thấy có tác dụng trong các thử nghiệm lâm sàng và họ đã nộp đơn xin được cấp phép khẩn cấp lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA).

Nhân viên y tế lẫy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế lẫy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Đặc biệt, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở châu Âu khi lần đầu tiên, "Lục địa Già" ghi nhận 100.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ. Ngày càng nhiều nước tái áp đặt các biện pháp chống dịch hoặc đóng cửa biên giới. Chính quyền các cấp ở LB Nga đã đề nghị người dân ở nhà trong tuần này.

Trong khi đó, Tây Ban Nha - quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai ở châu Âu (sau Nga), ngày 9/10 đã ban bố lệnh tình trạng khẩn tại vùng thủ đô Madrid trong 15 ngày tới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 7/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 7/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Pháp, thêm 4 thành phố gồm Lille, Lyon, Grenoble và Saint-Etienne bị đặt trong tình trạng khẩn cấp sau khi số ca mắc COVID-19 mỗi ngày tăng kỷ lục. Theo đó, toàn bộ các quán bar sẽ buộc phải đóng cửa, nhà hàng phải thực hiện nghiêm quy định giãn cách tối thiểu giữa các bàn ăn và số lượng khách phục vụ trong cùng một thời điểm. Quy định hạn chế số lượng người tụ tập nơi công cộng cũng được ban hành.

Cùng ngày, giới chức y tế Thụy Sĩ đã bổ sung một số tỉnh và thành phố của Đức, Áo và Italy vào danh sách các địa phương có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19. Cụ thể, danh sách của Thụy Sĩ được nối dài với các thành phố Berlin và Hamburg của Đức, các tỉnh Burgenland và Salzburg của Áo và các vùng Campania, Sardinia và Veneto của Italy. Những người đến từ các khu vực này khi nhập cảnh Thụy Sĩ phải cách ly bắt buộc trong 10 ngày. Trước đó, danh sách này có Canada, Gruzia, Iran, Jordan, Nga, Slovakia và Tunisia.

Trong khi đó, tại Phần Lan, chính phủ nước này đã quyết định tái áp đặt quy định hạn chế nhập cảnh đối với công dân đến từ tất cả các nước châu Âu (trừ Vatican) kể từ ngày 12/10. Trước tình hình dịch leo thang, Chính phủ Đức cũng quyết định sẽ triển khai các chuyên gia quân đội hỗ trợ chống dịch tại các thành phố lớn.

Ở khu vực Đông Âu, CH Séc yêu cầu đóng cửa các phòng tập thể thao và tạm ngừng các sự kiện văn hóa trong hai tuần (kể từ ngày 12/10), trong khi Ba Lan quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên toàn quốc kể từ ngày 10/10. Đáng chú ý, Chính phủ Slovakia đã phải triển khai quân đội hỗ trợ các quan chức y tế cộng đồng trong công tác chống dịch.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á, tình hình dịch COVID-19 cũng đang nóng lên tại nhiều nước Đông Nam Á với hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày, trong khi Nepal đã trở thành nước có số ca bệnh mỗi ngày cao thứ hai tại Nam Á.

Cùng ngày, Bộ Y tế Nepal cho biết tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Á này đã vượt 100.000 ca và số ca nhiễm mới đang tăng với tỷ lệ nhanh hơn cả Pakistan và Bangladesh, là hai nước có số dân đông hơn.

Thông báo của bộ trên nêu rõ, sau khi tiến hành 13.279 xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và ghi nhận 2.059 ca nhiễm mới cùng 10 ca tử vong, đất nước 30 triệu dân hiện có tổng cộng 100.676 ca mắc COVID-19, trong đó có 600 ca tử vong. Theo hãng tin Reuters (Anh), số ca nhiễm mới theo ngày tại Nepal đang gia tăng và chỉ đứng thứ hai (sau Ấn Độ) tại khu vực Nam Á.

Khách du lịch đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Rio de Janeiro, Brazil ngày 15/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Khách du lịch đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Rio de Janeiro, Brazil ngày 15/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, trái ngược với làn sóng dịch bệnh gia tăng tại Mỹ, châu Âu và châu Á, Chính phủ Cuba đã thông báo mở cửa du lịch trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn "bình thường mới". Thủ tướng Cuba Manuel Marrero cho biết phần lớn khu vực trong cả nước sẽ mở cửa đón du khách quốc tế bắt đầu từ tuần sau.

Tại Cuba, du lịch quốc tế là một trong những nguồn thu ngoại tệ hàng đầu, vì vậy việc ngừng hoạt động của "ngành công nghiệp không khói" này trong năm nay là một tổn thất lớn đối với nền kinh tế của Cuba.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 9/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 8.927 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 18.670 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Philippines vẫn dẫn đầu các nước thành viên hiệp hội về tổng số ca mắc bệnh.

Indonesia là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực. Indonesia cũng dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và bỏ xa các quốc gia khác.

Malaysia tình hình đáng quan ngại hơn, nguy cơ làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi ghi nhận trên 350 ca bệnh phát sinh và 6 ca tử vong sau nhiều ngày bình yên.

Myanmar tình hình đang xấu đi nhanh chóng do nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên này hiện rất đáng quan ngại với 1.460 ca bệnh mới và 31 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 18.671 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 217 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 761.127 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 603.029 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Cùng ngày, Brunei, Timor-Leste và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 7/10.

Nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 tại Belo Horizonte, bang Minas Gerais, Brazil, ngày 26/3/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 tại Belo Horizonte, bang Minas Gerais, Brazil, ngày 26/3/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 9/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết có 171 quốc gia và nền kinh tế tham gia sáng kiến Thuận lợi tiếp cận vaccine phòng dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX), sau khi Trung Quốc cùng với Hàn Quốc và quốc đảo Nauru ở Thái Bình Dương tham gia trong tuần này.

Sáng kiến COVAX nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccnie COVID-19 khi nó được phát triển. Hiện Mỹ và Nga chưa tham gia sáng kiến.

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết “thế giới đang mong đợi kết quả của các thử nghiệm vaccine chống lại COVID-19 và loại vaccinen này cần được WHO cấp phép”. Ông Ghebreyesus nhấn mạnh “một khi chúng ta có vaccine hiệu quả, chúng ta cũng phải sử dụng nó một cách hiệu quả, cách tốt nhất để làm điều đó là đảm bảo vaccine được cung cấp công bằng cho tất cả các quốc gia thông qua sáng kiến COVAX”.

Cố vấn cấp cao của WHO, ông Bruce Aylward cho biết “càng nhiều quốc gia tham gia vào sáng kiến COVAX, càng có nhiều cơ hội để triển khai vaccine càng nhanh càng tốt, càng công bằng càng tốt, để giảm nguy cơ các bệnh nhân COVID nặng trên toàn cầu”.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-toi-6-gio-sang-1010-the-gioi-tren-37-trieu-ca-benh-tam-dich-nguy-co-quay-lai-chau-au-20201010062123739.htm