Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 881.940 trường hợp mắc COVID-19 và 2.972 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 502 triệu ca, trong đó trên 6,2 triệu người không qua khỏi.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 881.940 trường hợp mắc COVID-19 và 2.972 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 502 triệu ca, trong đó trên 6,2 triệu người không qua khỏi.
Một điểm tiêm vaccne ngừa COVID-19 tại Putrajaya, Malaysia. Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 15/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 502.765.863 ca, trong đó có 2.972 người tử vong. Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và đang đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu. Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 452 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 43 triệu ca và trên 63.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 14/4, thế giới có 68 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới. Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn "nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Trong 24 giờ qua, Đức là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 160.000 ca), trong khi Anh là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 350 ca. Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, qua đó tiếp tục kiên trì với chiến lược "Không COVID”. Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận 82.192.880 ca mắc và 1.014.114 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca mắc (hơn 43 triệu ca) trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (661.710 ca). Tại Mỹ, quy định đeo khẩu trang bắt buộc đối với người đi máy bay, sử dụng phương tiện công cộng sẽ tiếp tục có hiệu lực đến ngày 3/5, thay vì ngày 18/4 trong bối cảnh nhiều bang đang chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 gia tăng do sự lây lan của "biến thể tàng hình" BA.2 của Omicron. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, tình hình dịch COVID-19 tại nước này vẫn diễn biến phức tạp khi BA.2 chiếm hơn 85% số ca nhiễm ghi nhận hằng ngày tại nước này và cần có thời gian đánh giá tình hình dịch bệnh trước khi điều chỉnh quy định đeo khẩu trang đã được áp dụng từ tháng 2/2021. Ngoài quyết định gia hạn quy định đeo khẩu trang bắt buộc nói trên, chính quyền Mỹ còn tái áp đặt tình trạng y tế khẩn cấp, cho phép hàng triệu người dân nước này tiếp tục được hưởng chế độ hỗ trợ trong dịch COVID-19 như được xét nghiệm, tiêm vaccine và điều trị miễn phí trong ít nhất 3 tháng tới. Ngày 14/4, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ giảm mạnh số lượng các điểm quốc tế đến được khuyến cáo "không nên đi du lịch" sau khi giới chức y tế nước này công bố thay đổi cách đánh giá về những lo ngại do COVID-19 gây ra. Bộ trên đã đưa gần 120 quốc gia và vùng lãnh thổ vào danh sách "Cấp độ 4: Không nên đi du lịch" trong số khoảng 215 nước và vùng lãnh thổ được đánh giá. Theo bộ này, danh sách cập nhật mới nhất sẽ giảm khoảng 10% số điểm đến quốc tế được khuyến cáo du lịch cấp độ 4, trong đó có tính tới các yếu tố rủi ro khác, chứ không chỉ dịch COVID-19. Với báo cáo cập nhật, các công dân Mỹ sẽ được tiếp nhận thông tin tốt hơn về các điểm đến an toàn trên thế giới. Tại châu Âu, Chính phủ Slovenia thông báo từ ngày 14/4, người dân nước này không còn phải đeo khẩu trang trong không gian kín. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang vẫn cần được thực hiện ở các cơ sở y tế và các trung tâm dưỡng lão. Chính phủ Slovenia nêu rõ nhóm chuyên gia cố vấn cho Bộ trưởng Bộ Y tế đã ủng hộ việc nới lỏng kiểm soát dịch bệnh này. Tuy nhiên, họ đề nghị người dân tiếp tục đeo khẩu trang trong không gian kín. Dịch bệnh COVID-19 đã tác động nặng nề tới Slovenia. Tuy nhiên, số ca mắc mới hằng ngày trong vài tuần qua ở nước này đã giảm từ mức cao kỷ lục 24.258 ca ghi nhận ngày 1/2 vừa qua. Ngày 13/4, Slovenia ghi nhận 1.532 ca mắc mới COVID-19. Gần 58% trong số 2,1 triệu dân của nước này đã tiêm chủng đầy đủ. Tại Trung Quốc, thành phố Thượng Hải ghi nhận hơn 27.000 ca mắc COVID-19, mức cao mới theo ngày kể từ đầu dịch. Cụ thể, ngày 14/4, Thượng Hải thông báo thêm 2.573 ca mắc có triệu chứng, tăng so với mức 1.189 ca trước đó một ngày. Trong khi đó, số ca mắc không triệu chứng là 25.146 ca. Giới chức thành phố cho biết số ca lây nhiễm mới tiếp tục tăng dù biện pháp phong tỏa một phần đã được áp đặt do lây nhiễm giữa các thành viên trong cùng gia đình vẫn diễn ra. Trong khi đó, chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) công bố chi tiết các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội. Theo đó, từ ngày 21/4, các nhà hàng sẽ được phục vụ khách ăn tại chỗ đến 22h hằng ngày, số khách mỗi bàn tăng lên 4 người, người dân được tổ chức tiệc tại nhà hàng không quá 20 người tham dự. Chính quyền Hong Kong cũng cho phép mở cửa trở lại các địa điểm thể thao trong nhà và ngoài trời, trung tâm thể dục, thẩm mỹ viện, các địa điểm giải trí công cộng, công viên giải trí, bảo tàng, triển lãm, rạp chiếu phim, các cơ sở tôn giáo..., nối lại các tour du lịch không quá 30 người. Lệnh cấm tụ tập trên 2 hộ gia đình được dỡ bỏ, số người tụ tập nơi công cộng được nâng từ 2 lên 4 người, người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi tập thể dục. Tuy nhiên, quán bar, quán rượu, các bể bơi và bãi tắm vẫn tiếp tục đóng cửa. Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh nước này (KDCA) công bố số liệu cho thấy có 318 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 14/4, nâng tổng số ca tử vong vì căn bệnh này trên cả nước lên 20.352 ca. Tính từ ngày 6-13/4, trung bình mỗi ngày có trên 300 người tử vong do COVID-19 và dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng. Tính đến cuối năm 2021, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 5.563 ca tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên, chỉ trong 3 tháng rưỡi đầu năm nay, con số này đã tăng gần 3 lần, với 14.789 ca không qua khỏi. Trong đó, 93,86% số ca tử vong là những người trên 60 tuổi, đa phần có bệnh lý nền như huyết áp cao, tai biến, suy tim... Chỉ tính riêng tuần trước, trong 2.163 ca không qua khỏi, tỷ lệ tử vong ở nhóm trên 60 tuổi chiếm 94,4%. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 13/4 khẳng định COVID-19 vẫn là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, đồng thời khuyến nghị các nước vẫn cần sẵn sàng phản ứng nhanh và trên quy mô lớn đối với đại dịch này, mặc dù số ca nhiễm mới và tử vong tiếp tục giảm. Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, số ca tử vong do COVID-19 trong tuần kết thúc ngày 10/4 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu dịch đến nay. Với hơn 7 triệu ca mắc và hơn 22.000 ca tử vong ghi nhận được, số ca mắc và ca tử vong lần lượt giảm 24% và 18% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, ông Tedros vẫn bày tỏ lo ngại khi một số nước vẫn ghi nhận số ca mắc mới gia tăng nghiêm trọng, gây áp lực lên hệ thống y tế, trong khi khả năng giám sát xu hướng dịch bệnh giảm đi do nhiều nước dừng chương trình xét nghiệm truy vết COVID-19.