COVID-19 tới 6h sáng 2/9: Thế giới gần 860.000 người chết, Mỹ dẫn đầu ca tử vong mới

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 241.051 ca mắc COVID-19 và 5.496 ca tử vong, với tổng số người chết đã lên tới gần 860.000 ca. Nước Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới, trong khi Ấn Độ tiếp tục chuỗi ngày có số ca nhiễm mới cao nhất thế giới.

Cô dâu chú rể đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trong đám cưới tại Khan Younis, Dải Gaza, ngày 31/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cô dâu chú rể đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 trong đám cưới tại Khan Younis, Dải Gaza, ngày 31/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 2/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 25.883.939 ca, trong đó có 859.927 người thiệt mạng.

Các nước cũng ghi nhận 18.168.230 bệnh nhân đã bình phục, số ca nguy kịch hiện là 61.075 và 6.844.988 ca đang điều trị tích cực.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (78.169 ca), Brazil (40.030 ca) và Mỹ (39.484 ca); Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.101 ca), tiếp theo là Brazil (1.081 ca) và Ấn Độ (1.025 ca).

Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Moskva, Nga ngày 3/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Moskva, Nga ngày 3/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ: Tổng thống Trump bác tin đồn về sức khỏe

Tổng thống Mỹ Donad Trump ngày 1/9 đã bác bỏ những tin đồn vô căn cứ rằng ông bị hàng loạt cơn đột quỵ nhẹ trong một chuyến khám bệnh đột xuất của ông hồi năm 2019, và gọi những tin đồn này là “tin giả”. Tháng 11/2019, Tổng thống Trump đã tới khám bệnh đột xuất tại Trung tâm Y tế Walter Reed, làm dấy lên những suy đoán về tình trạng sức khỏe nghiêm trọng của ông. Kênh CNN ngày 1/9 đưa tin một cuốn sách mới của ông Michael Schmidt - nhà báo của tờ New York Times, cho rằng Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã “chuẩn bị sẵn sàng để tạm thời thay thế vị trí Tổng thống” nếu ông Trump phải sử dụng thuốc mê trong quá trình điều trị tại trung tâm y tế này.

Tin đồn nói trên đã dẫn đến một phản ứng của Tổng thống Trump trên trạng mạng Twitter sau đó cùng ngày. Theo đó, Tổng thống Trump nêu rõ: “Không có điều gì xảy ra đối với ứng cử viên Tổng thống Donald Trump. Đó là tin giả. Có lẽ họ đang đề cập đến một ứng cử viên từ một đảng khác”.

Những thông tin nói trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh với 6.253.252 ca nhiễm và 188.724 ca tử vong. Một tình trạng đáng lo ngại là số lượng sinh viên mắc bệnh tăng cao khi các em trở lại trường đại học. Trên 600 sinh viên và nhân viên trường trường học tại hai hạt thuộc bang Florida đã phải cách ly vì COVID-19. Ngày 1/9, trường Đại học Missouri thông báo trên 400 trường hợp mắc COVID-19 trong sinh viên; trường Đại học Nam Carolina cũng thông báo trên 1.000 sinh viên đã có xét nghiệm dương tính.

Brazil: Kinh tế suy thoái kỷ lục do đại dịch

Bác sĩ theo dõi bệnh nhân tại một bệnh viện dã chiến ở Rio de Janeiro, Brazil ngày 27/8/2020. Ảnh: Getty Images

Bác sĩ theo dõi bệnh nhân tại một bệnh viện dã chiến ở Rio de Janeiro, Brazil ngày 27/8/2020. Ảnh: Getty Images

Ngày 1/9, Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE) cho biết tăng trưởng kinh tế nước này trong quý II đã giảm ở mức kỷ lục là 9,7%. Do tăng trưởng hai quý liên tiếp bị giảm, nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh này đã chính thức rơi vào suy thoái. Trước đó, tăng trưởng kinh tế Brazil trong quý I đã giảm 2,5% khi dịch COVID-19 mới bùng phát.

Theo IBGE, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Brazil hiện đang ở cùng mức với giai đoạn cuối năm 2009, đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Con số trên nghiêm trọng hơn cả mức dự báo giảm 9,2% trong cuộc khảo sát do báo Valor thực hiện, nhưng lại thấp hơn mức dự báo giảm 11,1 % của các nhà kinh tế vào tháng 5 vừa qua. Các nhà phân tích cho rằng sự cải thiện này chủ yếu là do chính quyền Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã triển khai chương trình kích thích quy mô lớn. Theo đó, mỗi người dân chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi các biện pháp phong tỏa do dịch bệnh sẽ được nhận 600 real/tháng (tương đương 110 USD/tháng).

Brazil hiện đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cao thứ hai thế giới với 3.950.931 triệu ca nhiễm và 122.596 ca tử vong.

Hàn Quốc: Hàng trăm ca nhiễm cộng đồng/ngày

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 25/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 25/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á, Hàn Quốc ngày 1/9 ghi nhận thêm 235 ca mắc mới, trong đó có 222 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-18 ở nước này lên 20.182 ca. Trong khi đó, số bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch đã lên tới 104 người, tăng hơn 11 lần so với 2 tuần trước đây. Mặc dù số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc duy trì ở mức dưới 300 ca/ngày trong ngày thứ 3 liên tiếp, song cơ quan y tế vẫn cảnh giác trước sự gia tăng các ca không rõ đường lây nhiễm và ngày càng có nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Trước đó, trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc duy trì mức ba con số nhiều ngày liên tiếp vừa qua, chính quyền thành phố đã tuyên bố thực hiện "Tuần lễ 10 triệu dân tạm dừng hoạt động" bắt đầu từ 30/8 đến hết ngày 6/9.

Học sinh tới trường học tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 1/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Học sinh tới trường học tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 1/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 10 ca nhiễm nhập cảnh và không có ca lây nhiễm trong cộng đồng cũng như ca tử vong trong ngày 31/8. Như vậy, tính đến hết ngày 31/8, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 85.058 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.634 ca tử vong và 80.208 bệnh nhân đã khỏi bệnh.

Ấn Độ: Trên 78.000 ca nhiễm mới trong ngày

Tại Ấn Độ, hơn 2 triệu sinh viên đeo khẩu trang đã bắt đầu kỳ thi nhập học vào các trường đại học y và kỹ thuật trên cả nước trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã lên tới gần 3,7 triệu. Các quy định về giãn cách xã hội, sát khuẩn tay và đo thân nhiệt đã được tuân thủ. Kỳ thi này đã được hoãn 2 lần trong năm nay do dịch diễn biến phức tạp.

Ấn Độ - nước bị ảnh hưởng nặng nề thứ 3 thế giới do dịch bệnh COVID-19, sau Mỹ và Brazil - đã ghi nhận 78.169 ca nhiễm mới trong ngày 1/9, tuy nhiên đây là mức thấp nhất trong 6 ngày qua. Đến nay, tổng số ca nhiễm tại nước này là 3.766.108, bao gồm 66.460 ca tử vong.

Học sinh tham gia một lớp học trực tuyến tại làng Nagireddypally, huyện Siddipet, Ấn Độ ngày 1/9/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Học sinh tham gia một lớp học trực tuyến tại làng Nagireddypally, huyện Siddipet, Ấn Độ ngày 1/9/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Indonesia công bố thời điểm tiêm vaccine COVID đại trà

Tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo cho biết hàng triệu người dân nước này có thể được tiêm vaccine vào tháng 1/2021. Ông cũng tuyên bố sẽ cần một năm để hoàn tất chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 đại trà hoàn toàn do chính phủ tài trợ. Chương trình này sẽ được triển khai tại các trung tâm y tế và bệnh viện công lập trên cả nước.

Theo tờ Straits Times, Tổng thống Joko Widodo ngày 1/9 cho biết nhiều khả năng dịch COVID-19 sẽ lên tới đỉnh điểm tại nước này vào giữa tháng 9. Ông cũng "rất tự tin" về việc được tiếp cận một loại vaccine an toàn và hiệu quả vào cuối năm 2020 này.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Surakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Surakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan sẵn sàng cho tình huống làn sóng lây nhiễm thứ 2

Cùng ngày 1/9, Bộ Y tế Thái Lan đã đảm bảo với người dân rằng cơ quan này hoàn toàn sẵn sàng cho tình huống nếu Thái Lan phải đối mặt với đợt bùng phát dịch lần thứ hai trong bối cảnh các ca bệnh xuất hiện trở lại ở một số quốc gia.

Phó Tổng thư ký Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm, Tiến sĩ Surachoke Tangwiwat xác nhận Thái Lan có đầy đủ thuốc, dược phẩm, đồ bảo hộ cá nhân (PPE) và khẩu trang N95 cho tất cả các bệnh viện trên toàn quốc.

Tại Malaysia, nhà chức trách cho biết những người có giấy phép cư trú dài hạn đến từ Ấn Độ, Indonesia và Philippines sẽ không được phép nhập cảnh Malaysia kể từ ngày 7/9. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh tại 3 nước trên diễn biến rất phức tạp trong thời gian gần đây.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại trung tâm thương mại ở Depok, Tây Java, Indonesia, ngày 22/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại trung tâm thương mại ở Depok, Tây Java, Indonesia, ngày 22/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Châu Âu: Hàng chục triệu học sinh tựu trường

Tại châu Âu, theo báo cáo công bố ngày 1/9, trong 24 giờ qua, Nga đã ghi nhận thêm 4.729 ca nhiễm mới, theo đó tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới 1.000.048 ca. Hiện Nga là nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất châu Âu và đứng thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ.

Tại Pháp, giới chức y tế ngày 1/9 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 3.082 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, giảm mạnh so với mức hơn 5.000 ca/ngày trong hai ngày trước đó. Hiện Pháp đã ghi nhận tổng cộng 286.007 ca mắc COVID-19 và 30.661 ca tử vong do COVID-19.

Cũng trong ngày 1/9, hàng chục triệu học sinh châu Âu đã tựu trường sau kỳ nghỉ Hè bất chấp số ca COVID-19 tại lục địa này đang tăng trở lại trong vài tuần qua sau một thời gian dịch tạm thời được khống chế. Tại Nga, Ukraine, Bỉ, Pháp, Anh..., giáo viên và học sinh trên 11 tuổi tựu trường phải đeo khẩu trang bắt buộc.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 28/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 28/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy vậy, cùng ngày, Bộ trưởng Giáo dục Hy Lạp Niki Kerameus thông báo các trường học nước này sẽ mở lại vào ngày 14/9 tới, lùi một tuần so với kế hoạch ban đầu. Để phòng tránh lây nhiễm, việc đeo khẩu trang trong lớp, trên xe buýt trường, các khu vực đông đúc ngoài trời là bắt buộc. Ước tính gần 5 triệu khẩu trang sẽ được cấp miễn phí cho học sinh và các nhân viên trong trường. Các lớp học và thiết bị sẽ thường xuyên được khử trùng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định châu Âu có thể sống chung với dịch COVID-19 mà không cần có vaccine, thông qua việc kiểm soát dịch bệnh bằng các biện pháp phong tỏa cục bộ. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang lây lan nhanh trở lại tại châu lục này, WHO bày tỏ hy vọng châu Âu sẽ không ban bố lệnh phong tỏa hoàn toàn, mà thay vào đó là các biện pháp phong tỏa cục bộ.

Tại Australia, giới chức y tế bang Victoria cho biết số ca nhiễm mới tính theo ngày tại bang này đã ở mức thấp nhất trong hai tuần qua. Cụ thể, trong 24 giờ qua, bang này ghi nhận thêm 5 ca tử vong - mức thấp nhất tính theo ngày kể từ ngày 15/8 vừa qua. Số bệnh nhân đã thăng thêm 70 ca - mức thấp nhất trong suốt 7 tuần qua. Tính ngày 1/9, Australia đã ghi nhận gần 25.819 ca mắc COVID-19 và 657 ca tử vong, ít hơn nhiều so với các nước phát triển khác.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Melbourne, Victoria, Australia, ngày 31/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Melbourne, Victoria, Australia, ngày 31/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại châu Phi, Chính phủ Algeria ngày 31/8 đã quyết định nới lỏng lệnh giới nghiêm được áp đặt trước đó để ngăn chặn dịch COVID-19, đồng thời thông báo 7 biện pháp mới, trong đó có giảm số tỉnh, thành phố phải thực thi lệnh phong tỏa một phần (từ 28 xuống còn 18 tỉnh/thành), mở cửa trở lại các nhà trẻ, thư viện và bảo tàng.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-toi-6h-sang-29-the-gioi-gan-860000-nguoi-chet-my-dan-dau-ca-tu-vong-moi-20200901235028699.htm