COVID-19 tới 6h sáng 25/11: Ca mắc mới ở Đức cao nhất thế giới; Nga tiếp tục dẫn đầu về ca tử vong mới
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 577.000 ca mắc COVID-19 và trên 6.600 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 259,5 triệu ca, trong đó trên 5,18 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (73.966 ca), Mỹ (69.884 ca), và Anh (43.676 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.240 ca), Mỹ (855 ca) và Ukraine (595 ca).
Sau khi ghi nhận ca mắc mới cao nhất thế giới trong 24 giờ qua, tổng ca mắc ở Đức từ đầu dịch tới nay là trên 5,5 triệu ca, trong đó trên 100.000 ca tử vong.
Còn tại Nga, quốc gia này liên tục ghi nhận trên 1.000 ca tử vong hàng ngày trong thời gian qua, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 từ đầu dịch lên trên 267.000 ca.
Trong bối cảnh ca mắc ở châu Âu tăng nhanh, ngày 24/11, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Liên minh châu Âu (ECDC), bà Andrea Ammon cho rằng cần cân nhắc tiêm liều vaccine tăng cường ngừa COVID-19 cho tất cả người trưởng thành, trong đó ưu tiên những người trên 40 tuổi. Đây là một thay đổi quan trọng trong quan điểm của cơ quan này.
Các khuyến nghị do ECDC đưa ra không ràng buộc chính phủ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), nhưng thường được xem là chỉ dẫn để các nước đưa ra những quyết sách về y tế.
Theo bà Ammon, nên tiêm liều tăng cường ít nhất 6 tháng sau khi hoàn tất phác đồ tiêm phòng tiêu chuẩn đối với các loại vaccine ngừa COVID-19.
Trong khuyến nghị trước đó - được ban hành hồi tháng 9 vừa qua cùng Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), ECDC cho rằng việc tiêm vaccine mũi tăng cường cho tất cả những người đã hoàn thành phác đồ tiêm chủng không phải là điều cấp bách, tuy nhiên nên cân nhắc tiêm liều tăng cường cho những người có hệ miễn dịch yếu và người cao tuổi.
Báo cáo của ECDC ngày 24/11 nêu rõ: "Những bằng chứng thu thập được từ Israel và Vương quốc Anh cho thấy việc tiêm liều tăng cường có thể giúp gia tăng đáng kể khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm và giảm thiểu nguy cơ bệnh trở nặng khi nhiễm ở tất cả các nhóm tuổi trong thời gian ngắn". Theo đó, báo cáo khuyến nghị tiêm liều tăng cường "cho những người từ 40 tuổi trở lên”.
Hiện nhiều nước EU đã bắt đầu triển khai tiêm liều vaccine tăng cường ngừa COVID-19 cho người dân, nhưng đang áp dụng các tiêu chí khác nhau để lựa chọn nhóm đối tượng ưu tiên, cũng như chưa thống nhất về thời gian giãn cách giữa liều tiêm tiêu chuẩn và liều tiêm tăng cường. Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ cân nhắc vấn đề tiêm liều vaccine tăng cường ngừa COVID-19 trong cuộc họp vào cuối tuần này, khi xem xét điều chỉnh những quy định đối với thẻ xanh y tế.
Số ca mới nhập viện và số ca nguy kịch tại Pháp tiếp tục tăng nhanh
Cơ quan Y tế công cộng của Pháp (FPHA) ghi nhận 32.591 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 7.483.282 ca. Ngoài ra, với thêm 81 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này hiện lên đến 118.734ca.
Trong những ngày qua, số ca mới nhập viện và số ca nguy kịch cũng tiếp tục tăng. Theo FPHA, đã có tới 8.338 ca nhập viện tính tới nay, tăng 759 ca so với một ngày trước. Trong khi đó, 1.455 bệnh nhân đang được điều trị tích cực sau khi thêm 192 ca bệnh diễn biến nghiêm trong 24 giờ qua.
Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng sẽ được tổ chức trong ngày 24/11 nhằm thảo luận các biện pháp ngăn chặn đà lây lan dịch bệnh hiện nay tại Pháp. Dự kiến, trong số các nội dung thảo luận có việc khuyến nghị tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho người trên 40 tuổi và thời hạn hoàn tất việc tiêm phòng này.
Slovakia ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao kỷ lục
Ngày 24/11, Bộ Y tế Slovakia cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 10.315 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 631.738 ca. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày tại quốc gia Đông Âu này. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Slovakia là hơn 14.000 ca. Slovakia hiện là quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất thế giới.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng, Chính phủ Slovakia đã quyết định áp dụng lệnh bán phong tỏa toàn quốc trong 2 tuần kể từ ngày 25/11, trong đó yêu cầu các nhà hàng và các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà từ 1h00-5h00 trong trường hợp đặc biệt.
Phát biểu trước báo giới ngày 24/11, Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Richard Sulik cho biết Chính phủ nước này đã thông qua lệnh trên và sẽ đánh giá việc triển khai trong 10 ngày. Ông Sulik cho biết các trường học vẫn hoạt động, song việc tiến hành xét nghiệm là bắt buộc.
Slovakia hiện có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 là 45%, thấp thứ ba trong Liên minh châu Âu (EU). Số ca nhiễm mới tăng cao đang gây áp lực cho các bệnh viện. Bộ Y tế Slovakia cho biết số người phải nhập viện tại nước này đã lên mức nghiêm trọng là 3.200 ca và tiến gần tới mức đỉnh là 3.800 ca trong làn sóng dịch bệnh lần trước. Phần lớn các bệnh nhân đều chưa tiêm vaccine phòng bệnh.
Số ca mắc mới tại Séc lần đầu vượt 25.000
Tại Séc, số ca nhiễm mới theo ngày tại nước này đã lần đầu tiên vượt 25.000 ca. Trong ngày 23/11, Séc đã ghi nhận thêm 25.864 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn 2 triệu ca, trong đó có hơn 32.000 ca tử vong do COVID-19.
Theo trang Our World in Data, Séc có là quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm trên đầu người cao thứ 4 trên thế giới. Số bệnh nhân phải nhập viện do COVID-19 đã tăng từ mức 1.000 ca cách đây một tháng lên khoảng 5.600 ca. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4 và thấp hơn so với mức đỉnh là 9.551 ca.
Để khống chế dịch, Chính phủ Séc đã áp đặt một số biện pháp hạn chế, bao gồm cấm những người chưa tiêm phòng đến nhà hàng, rạp chiếu hay sử dụng một số dịch vụ khác. Chính phủ hướng tới việc bắt buộc tiêm phòng cho những người trên 60 tuổi và các nhân viên y tế.
Hungary ghi nhận ca mắc mới cao kỷ lục
Tại Hungary, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 12.637 ca nhiễm mới, mức cao nhất theo ngày, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 1.045.000 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Hungary là 33.519 ca.
Tuần trước, Hungary đã áp đặt các biện pháp hạn chế mới trong bối cảnh số ca nhiễm tăng cao và tỷ lệ tiêm phòng của nước này khá thấp so với mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU). Để khuyến khích người dân tiêm phòng, Chính phủ của Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng, khi cho phép người dân đi tiêm mà không cần đăng ký.
Tính đến ngày 24/11, chỉ có 5,81 triệu người, chưa đến 60% dân số Hungary, được tiêm phòng đầy đủ. Số người đã tiêm mũi tăng cường là 2,04 triệu người. Kể từ cuối tuần qua, Hungary đã bắt buộc các nhân viên y tế phải tiêm mũi tăng cường và yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang tại phần lớn các khu vực có không gian kín. Chính phủ cũng cho phép các doanh nghiệp yêu cầu nhân viên phải tiêm phòng COVID-19.
Thụy Điển mở rộng đối tượng tiêm mũi tăng cường
Giới chức y tế và Chính phủ Thụy Điển ngày 24/11 thông báo nước này sẽ bắt đầu từng bước mở rộng chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 cho tất cả người trưởng thành trong bối cảnh số ca nhiễm đang gia tăng trên khắp châu Âu.
Hiện mũi tăng cường bằng vaccine công nghệ mRNA đã được áp dụng với người từ 65 tuổi trở lên tại Thụy Điển. Sắp tới, chương trình này sẽ được mở rộng ra các nhóm có nguy cơ, người từ 50 tuổi trở lên, trước khi áp dụng với tất cả công dân từ 18 tuổi trở lên.
Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Y tế Lena Hallengren cho biết: "Chúng ta đang đối mặt với một mùa Đông đầy bất trắc. Bạn có thể ở trong nhà nếu bị ốm hoặc hãy đi tiêm nếu bạn chưa tiêm phòng, và hãy tiêm mũi tăng cường nếu bạn đã tiêm đủ hai mũi".
Hiện chưa có lịch trình cụ thể cho chương trình tiêm mũi tăng cường. Cơ quan y tế Thụy Điển cho biết mũi tăng cường sẽ được tiêm sau 6 tháng kể từ khi tiêm mũi thứ hai. Theo Bộ trưởng Hallengren, cơ quan y tế cũng sẽ chuẩn bị các biện pháp bổ sung nhằm ngăn chặn đà lây lan của virus sau khi nước này áp dụng giấy thông hành vaccine từ tháng 12 cho các sự kiện diễn ra trong phòng kín với hơn 100 người tham gia.
Thụy Điển đã bỏ gần như mọi biện pháp hạn chế, khi vaccine đã được tiêm cho một phần lớn dân số đầu năm nay và tỷ lệ lây nhiễm được khống chế ở mức thấp. Khác với các nước láng giềng ở châu Âu, quốc gia Bắc Âu này chưa chứng kiến làn sóng lây nhiễm mới và số ca nhập viện vẫn tương đối thấp. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy dịch đang trở lại.
New Zealand công bố kế hoạch mở cửa biên giới quốc gia
Ngày 24/11, New Zealand thông báo nước này sẽ chưa mở cửa đón du khách nước ngoài thêm ít nhất trong 5 tháng nữa trong bối cảnh đang từng bước nới lỏng một vài trong số các biện pháp phòng dịch tại biên giới nghiêm ngặt nhất thế giới.
Bộ trưởng phụ trách ứng phó dịch COVID-19 của New Zealand, ông Chris Hipkins, nêu rõ người từ Australia và có thẻ cư trú tại New Zealand có thể nhập cảnh từ giữa tháng 1/2022, trong khi những người từ những quốc gia khác thuộc nhóm đối tượng này sẽ được cấp phép kể từ ngày 13/2/2022. Người dân New Zealand tại các nước trên đã tiêm đủ hai mũi vaccine khi trở về nước cũng không phải cách ly bắt buộc. Tuy nhiên, du khách nước ngoài nói chung phải chờ tới ngày 30/4/2022 mới có thể nhập cảnh vào quốc gia châu Đại Dương này, với điều kiện đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Đáng chú ý, việc mở cửa cho du khách nước ngoài được thực hiện tuần tự theo ba giai đoạn và bao gồm một số yêu cầu cụ thể sau: du khách đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19, xét nghiệm sàng lọc cho kết quả âm tính trước khi tới New Zealand, có giấy xác nhận tiêm chủng quốc tế, đồng ý làm xét nghiệm COVID-19 sau khi nhập cảnh New Zealand, đảm bảo yêu cầu cách ly 7 ngày tại nhà và có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 khi kết thúc thời gian tự cách ly.
Bộ trưởng Hipkins nhấn mạnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn với số ca bệnh liên tục tăng ở châu Âu và một số khu vực khác trên thế giới, vì vậy New Zealand vẫn cần phải hết sức thận trọng khi đưa ra quyết định mở cửa trở lại biên giới quốc gia.
New Zealand ghi nhận 216 ca mới được phát hiện 24 giờ qua. Hầu hết các ca mắc mới được ghi nhận ở Auckland, thành phố lớn nhất của nước này.
Hàn Quốc ghi nhận ca mắc mới cao kỷ lục
Ngày 24/11, Hàn Quốc thông báo ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng có kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này với 4.116 ca trong 24 giờ qua. Số ca nguy kịch và tử vong cũng ở mức cao nhất trong một ngày, lần lượt là 586 ca và 35 ca.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) của Hàn Quốc, có tới 4.088 ca lây nhiễm cộng đồng trong 4.116 ca mắc mới. Hiện tổng số ca mắc trên cả nước tăng lên tới 425.065 ca, trong đó có 3.363 ca tử vong. Tính trung bình, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19 tại Hàn Quốc là 0,79%.
Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum nhận định tình hình dịch bệnh tại nước này dường như diễn biến nghiêm trọng hơn so với dự báo, đặc biệt khu vực thủ đô Seoul đang ở trong "tình trạng khẩn cấp". Khu vực này là nơi tập trung khoảng 50% trong tổng số dân 52 triệu người ở Hàn Quốc. Do vậy, Thủ tướng Boo-kyum kêu gọi cơ quan chức năng cân nhắc triển khai kế hoạch ứng phó khẩn cấp dựa trên đánh giá nguy cơ dịch bệnh của giới chức y tế.
Thủ tướng Hàn Quốc cho biết thêm chính phủ nước này đang nỗ lực nhằm đảm bảo đáp ứng đủ số giường bệnh tại các bệnh viện, đặt biệt ở khu vực thủ đô Seoul khi số ca mắc mới vẫn ở mức cao, số ca bệnh nguy kịch cũng đang tăng. Ông kêu gọi chính phủ tăng cường biện pháp hỗ trợ để các bệnh nhân không có triệu chứng và những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ có thể điều trị tại nhà một cách an toàn.
Giới chức y tế cho biết có tới 83,3% giường bệnh dành cho các bệnh nhân nghiêm trọng tại Seoul và khu vực lân cận đã không còn chỗ trống.
Mexico cân nhắc tiêm mũi thứ ba cho một số đối tượng
Tại Mexico, ngày 23/11, Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador thông báo quốc gia này sẽ xem xét khả năng tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho đội ngũ nhân viên y tế cùng các đối tượng ưu tiên như người cao tuổi.
Tình hình dịch COVID-19 tại Mexico đang dần được kiểm soát khi số ca nhiễm mới và tử vong tiếp tục xu hướng giảm trong 2 tháng gần đây. Tuy nhiên, Bộ Y tế Mexico đã cảnh báo về khả năng quốc gia này sẽ phải đối mặt với làn sóng dịch thứ 4 khi bắt đầu mùa cúm trong 2 tháng cuối năm nay.
Tính tới thời điểm hiện tại, gần 76 triệu người trong tổng số 126 triệu dân Mexico đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó trên 64,3 triệu người đã tiêm phòng đầy đủ. Mexico đã ghi nhận hơn 3,8 triệu ca mắc, trong đó gần 293.000 ca tử vong vì COVID-19.