COVID-19 trên thế giới tuần qua: Pháp vượt Brazil tổng ca bệnh
Trong vòng một tuần qua, tính từ ngày 31/7 đến 6/8, thế giới ghi nhận 5,9 triệu ca mắc và 15.068 ca tử vong vì COVID-19.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 8 giờ sáng 7/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu từ đầu đại dịch là 588,7 triệu ca, trong đó có trên 6,43 triệu người tử vong.
Trong tuần qua, trên toàn thế giới, số ca mắc COVID-19 giảm 13%, số ca tử vong giảm 7% so với tuần trước đó.
Nhật Bản là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất trong tuần qua (1,48 triệu ca mắc). Tiếp đó là Mỹ với trên 744.000 ca mắc. Đứng thứ ba là Hàn Quốc với trên 652.000 ca mắc trong tuần qua.
Trong khi đó, Mỹ là nước có số ca tử vong nhiều nhất thế giới trong tuần qua (2.273 ca). Tiếp đó là Brazil với 1.549 ca; Italy với 1.200 ca.
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 93,8 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,08 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 44,1 triệu ca mắc và trên 526.600 ca tử vong. Đứng thứ ba là Pháp với trên 34 triệu ca mắc và trên 152.000 ca tử vong, như vậy Pháp đã vượt qua Brazil, quốc gia liên tục xếp thứ ba thế giới về số ca mắc trong năm qua.
Hong Kong tiêm phòng cho trẻ dưới 3 tuổi
Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược phẩm Sinovac cho trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi từ ngày 4/8.
Kể từ khi triển khai chương trình tiêm phòng trên diện rộng từ tháng 2/2021, hơn 6,77 triệu người (tương đương 93% số người đủ điều kiện tiêm phòng tại Hong Kong), đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng bệnh COVID-19. Trong khi đó, hơn 6,52 triệu người (khoảng 89,6%) đã được tiêm 2 mũi cơ bản. Tính đến ngày 4/8, 67,7% dân số đủ điều kiện tiêm phòng ở Hong Kong đã được tiêm mũi 3 và 215.523 người đã được tiêm mũi 4.
Hàn Quốc triển khai các biện pháp mới chống dịch COVID-19
Trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 gia tăng mạnh, chính phủ Hàn Quốc ngày 5/8 thông báo sẽ kích hoạt hệ thống dự phòng, cho phép đặt chỗ để thực hiện xét nghiệm PCR song song với các biện pháp y tế tăng cường khác.
Tại cuộc họp của chính phủ liên quan đến phòng chống COVID-19, cơ quan chức năng Hàn Quốc đã chỉ đạo kích hoạt hệ thống đặt chỗ xét nghiệm PCR tại 7 trung tâm y tế công và tiếp tục mở rộng đến toàn bộ hệ thống y tế công trên toàn quốc vào cuối tháng 8 nhằm tránh xảy ra ùn tắc do chờ xét nghiệm. Việc đặt chỗ xét nghiệm PCR được kích hoạt nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm tại các trung tâm y tế công do biến thể phụ mới của Omicron có đặc tính lây nhiễm cao.
Bộ Y tế Hàn Quốc cũng chỉ đạo hệ thống các bệnh viện khẩn trương bổ sung nhằm đảm bảo có thêm giường bệnh để phục vụ bệnh nhân. Hệ thống y tế của Hàn Quốc có thể đảm bảo xử lý số ca nhiễm COVID-19 hằng ngày lên tới khoảng 300.000 người. Hiện tại, có khoảng 6.800 giường bệnh tại 326 bệnh viện nơi bệnh nhân COVID-19 không nặng có thể nhập viện. Có 1.662 giường bệnh dành cho bệnh nhân nặng, tỷ lệ sử dụng hiện tại đang là 32,7%.
Các biện pháp chống dịch mới của Hàn Quốc được triển khai trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 đã vượt quá 100.000 người/ngày trong 4 ngày liên tiếp. Với việc số bệnh nhân nặng gia tăng trong những ngày qua, các cơ quan chức năng đang kêu gọi người dân cẩn trọng, đề phòng với những diễn biến xấu hơn của dịch bệnh. Các chuyên gia y tế dự phòng cảnh báo với đà lây nhiễm hiện nay, Hàn Quốc có thể đạt đỉnh dịch mới vào cuối tháng 8 với số ca nhiễm khoảng 150.000 ca/ngày.
Đức sẽ siết lại quy định phòng chống COVID-19
Bộ Tư pháp và Bộ Y tế liên bang Đức ngày 4/8 đã nhất trí về một loạt biện pháp phòng chống COVID-19 trong mùa Thu và mùa Đông tới, theo đó sẽ yêu cầu xét nghiệm nhiều hơn cũng như quy định chặt chẽ hơn về việc đeo khẩu trang.
Do tình hình đại dịch COVID-19 có thể nghiêm trọng hơn vào mùa Thu, Chính phủ liên bang sẽ phải siết chặt trở lại các biện pháp phòng ngừa. Quy định đeo khẩu trang sẽ được mở rộng, kể cả ở các trường học, đồng thời sẽ yêu cầu xét nghiệm nhiều hơn. Trong trường hợp hệ thống y tế hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng khác bị đe dọa, các bang có thể ban hành các quy định chặt chẽ hơn nữa, như hạn chế số người tối đa tham dự các sự kiện. Những quy định này cần phải được sự phê chuẩn của cả Quốc hội và Hội đồng liên bang để có thể áp dụng từ ngày 1/10 tới.
Theo kế hoạch trên, trong thời gian từ ngày 1/10/2022 đến 7/4/2023, trên cả nước Đức sẽ áp dụng quy định người dân đeo khẩu trang khi đi máy bay, tàu đường dài cũng như tại các cơ sở y tế và viện dưỡng lão. Người tới các cơ sở này cũng cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19, trừ những người mới tiêm chủng và mới khỏi bệnh (không quá 3 tháng). Các nhà máy và công ty xem xét áp dụng quy định phòng chống dịch bệnh theo luật lao động, chẳng hạn quy định về xét nghiệm, đeo khẩu trang hay làm việc tại nhà. Các địa phương có thể ra quy định riêng về việc phải đeo khẩu trang khi đi xe buýt hoặc tàu điện, cũng như trong không gian kín.
Mỹ: Làn sóng nhiễm các biến chủng COVID-19 mới bắt đầu suy giảm
Theo số liệu công bố ở nước này cho thấy làn sóng nhiễm các biến chủng COVID-19 mới tại Mỹ đã bắt đầu thuyên giảm sau nhiều tháng tăng cao trước đó.
Cụ thể, số ca mắc mới trung bình theo tuần hiện nay ở Mỹ thấp hơn hẳn so với thời điểm cuối tháng 7. Số bệnh nhân nhập viện trung bình của một tuần hiện là 6.344 ca, giảm so với 6.600 ca hồi cuối tháng 7. Giới chuyên gia cho rằng tình hình tại Mỹ đã bắt đầu quay trở lại bình thường và đây là tin tốt trong bối cảnh học sinh sẽ tới trường đón năm học mới trong vài tuần tới. Hiện nhiều trường đại học ở Mỹ cũng bắt đầu giảm bớt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh các tín hiệu tích cực thì cũng vẫn còn một số dấu hiệu cần theo dõi thêm. Cụ thể là mức nhiễm virus trong nước thải không còn giữ xu hướng giảm dần như trong các tuần trước, hay có sự xuất hiện của một số tiểu chủng, trong đó có chủng mới BA2.75.
Ấn Độ cảnh giác trước nguy cơ dịch bùng phát nhanh trở lại
Bộ Y tế Ấn Độ ngày 5/8 công bố báo cáo về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại nước này, cho biết số ca mắc mới tại nước này trong 24 giờ qua đã vượt 20.000 ca sau 5 ngày duy trì dưới con số này.
Các chuyên gia y tế cho rằng dịch bệnh COVID-19 có thể bùng phát theo mùa. Hiện cơ quan chức năng Ấn Độ đang theo dõi sát sao diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước do sự xuất hiện của các biến thể có khả năng lây nhiễm nhanh và có tác động đến sức khỏe cộng đồng.
Chính phủ Ấn Độ đang tập trung tăng tỷ lệ bao phủ mũi vaccine tăng cường như biện pháp phòng ngừa dịch hữu hiệu nhất. Các quan chức y tế Ấn Độ cho rằng số ca nhiễm mới gia tăng gần đây do người dân mất cảnh giác và không tuân theo các quy định về giãn cách xã hội.
Nhật Bản: Giới chuyên gia đề nghị coi dịch COVID-19 như cúm mùa
Các chuyên gia y tế và kinh tế Nhật Bản vừa kêu gọi Chính phủ nước này đưa dịch COVID-19 vào nhóm 5 trong danh sách các bệnh truyền nhiễm, tức là ngang với cúm mùa, nhằm giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện và trung tâm y tế công cộng.
Trong bản đề xuất dài 19 trang, nhóm chuyên gia, trong đó có ông Shigeru Omi - Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ Nhật Bản về ứng phó với dịch COVID-19, cũng thúc giục chính phủ áp dụng cách tiếp cận linh hoạt với dịch COVID-19 như dừng truy vết các trường hợp tiếp xúc gần và cho phép các phòng khám chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19.
Tại Nhật Bản, các bệnh truyền nhiễm được phân thành 5 nhóm, trong đó các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất như dịch hạch và Ebola được xếp vào nhóm 1. Các nhóm sau đó có mức độ nguy hiểm giảm dần, chẳng hạn nhóm 2 có bệnh lao, nhóm 3 có dịch tả, nhóm 4 có sốt vàng da và nhóm 5 có bệnh cúm mùa. Nếu dịch COVID-19 được đưa vào nhóm 5, tương đương với cúm mùa, điều đó đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ không phải chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho các bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, theo bản đề xuất trên, nhà nước sẽ vẫn chi trả các chi phí y tế cho các bệnh nhân COVID-19 nặng và các chi phí chữa trị đắt đỏ (nếu có) cho các bệnh nhân COVID-19.
Ngay sau khi Chính phủ Nhật Bản đưa ra quyết định trên, chính quyền các tỉnh Kanagawa và Kumamoto đã công bố các biện pháp phòng dịch tăng cường trên địa bàn tỉnh. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực cho tới cuối tháng 8/2022.
Kể từ cuối tháng 6 tới nay, dịch COVID-19 đã bùng phát mạnh trở lại ở Nhật Bản, chủ yếu do sự xuất hiện của BA.5 – biến thể phụ của Omicron.
New Zealand mở cửa hoàn toàn biên giới sau dịch COVID-19
Ngày 1/8, New Zealand đã mở cửa trở lại hoàn toàn biên giới, vốn bị đóng kể từ tháng 3/2020 nhằm kiềm chế dịch bệnh COVID-19 lây lan.
Từ tháng 2 năm nay, New Zealand đã mở cửa trở lại biên giới cho công dân nước này và dần dỡ bỏ những biện pháp hạn chế vì dịch bệnh. Giờ đây, với quyết định mở cửa trở lại hoàn toàn biên giới trên, những người muốn đến New Zealand từ những quốc gia không thuộc diện được miễn thị thực hay sinh viên quốc tế đều đã có thể xin thị thực nhập cảnh nước này. New Zealand hiện cũng cho phép các tàu du lịch và du thuyền nước ngoài cập bến các cảng.
Hầu hết hành khách đến New Zealand vẫn cần phải xuất trình giấy chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 và xét nghiệm 2 lần sau khi đến. Tuy nhiên, nước này không yêu cầu hành khách phải thực hiện cách ly.
Sinh viên quốc tế là một nguồn đóng góp đáng kể cho kinh tế của New Zealand và ngành giáo dục nước này hy vọng việc mở cửa trở lại sẽ tạo động lực mới. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Du lịch Stuart Nash cho rằng việc cho phép các tàu du lịch được cập cảng cũng thúc đẩy ngành du lịch của New Zealand./.