Covid-19 và cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử
Chưa rõ đến bao giờ nền kinh tế mới có thể hồi phục hoàn toàn như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, khi những vết thương khó lành sẽ còn đeo bám dai dẳng.
Hoạt động kinh tế giảm mạnh, khả năng tự do đi lại toàn cầu tê liệt, tình trạng mất việc làm gia tăng, nợ chính phủ tăng vọt, sự can thiệp quyết liệt của các ngân hàng Trung ương trở thành những đặc điểm chính của nền kinh tế bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm 2020.
Nền kinh tế Covid-19: Dài, không đều và bấp bênh
Tốc độ lây lan chóng mặt của virus SARS-CoV-2 đã buộc nhiều quốc gia phải phong tỏa ngay trong những tháng đầu tiên của năm 2020 và tình trạng hạn chế đi lại vẫn còn kéo dài đến tận bây giờ, dẫn tới các hoạt động kinh tế giảm mạnh. Thước đo hoạt động kinh tế là tăng trưởng GDP vì vậy đã giảm xuống mức thấp kỷ lục ở nhiều nền kinh tế.
Một trong những đặc điểm chính của các biện pháp chống Covid-19 trên toàn cầu là đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần biên giới, khiến phần lớn hoạt động đi lại trên toàn cầu tê liệt.
Đến nay, dù phần lớn các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại, nhưng nhiều hạn chế di chuyển qua biên giới tiếp tục được áp dụng, với các điều kiện như: Chỉ mở cửa biên giới cho những du khách thuộc một số quốc tịch hoặc từ một số điểm xuất phát cụ thể; yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi nhập cảnh; yêu cầu phải cách ly sau khi nhập cảnh.
Một hậu quả lớn từ sự sụt giảm kinh tế do dịch bệnh Covid-19 là tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định, tại một số quốc gia, ảnh hưởng ban đầu của Covid-19 lên thị trường việc làm lớn gấp 10 lần so với những gì quan sát được trong những tháng đầu tiên của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. “Những người lao động dễ tổn thương phải hứng chịu tác động nặng nề nhất.
Nhóm lao động thu nhập thấp vốn là lực lượng chính đảm bảo duy trì những dịch vụ thiết yếu trong thời gian phong tỏa phải đối mặt rủi ro lớn bị nhiễm virus trong quá trình làm việc. Họ cũng là đối tượng đối mặt khả năng mất việc làm cao hơn và giảm thu nhập nhiều hơn”, OECD viết trong báo cáo.
Tình thế buộc các chính phủ phải tăng chi tiêu để bảo vệ việc làm và hỗ trợ người lao động. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 10, các biện pháp tài khóa để chống lại cú sốc kinh tế mà Covid-19 gây ra đã tiêu tốn 12 nghìn tỷ USD. Mức chi tiêu khổng lồ này đã đẩy nợ công toàn cầu lên mức cao chưa từng thấy, nhưng IMF vẫn khuyến cáo các chính phủ không vội rút các biện pháp kích cầu bằng tài khóa. “Trong lúc còn nhiều lao động thất nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chật vật và khoảng 80-90 triệu người có thể rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch ngay cả sau khi được hỗ trợ, còn quá sớm để các chính phủ dừng các biện pháp kích cầu”, báo cáo của IMF viết.
Không chỉ các chính phủ nới lỏng tài khóa, các ngân hàng trung ương cũng phải vào cuộc, mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ để cứu tăng trưởng kinh tế, thông qua bơm tiền và hạ lãi suất về mức siêu thấp. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - Ngân hàng trung ương có ảnh hưởng toàn cầu này đã hạ lãi suất về gần 0 và cam kết sẽ chưa nâng lãi suất trở lại chừng nào lạm phát chưa vượt ngưỡng mục tiêu 2%. Lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang ở ngưỡng âm 0,25% và lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hiện là âm 0,1%.
Lãi suất thấp giúp các chính phủ kiểm soát tốt hơn khối nợ công tăng mạnh, trong khi lượng tiền mà các ngân hàng trung ương bơm vào nền kinh tế thông qua việc mua tài sản giúp cung cấp thanh khoản dồi dào. Chiến lược kết hợp lãi suất thấp với bơm tiền cũng được ngân hàng trung ương nhiều nền kinh tế mới nổi học theo để vực dậy tăng trưởng.
IMF dự báo kinh tế toàn cầu suy giảm 4,4% trong năm nay và có thể tăng trưởng 5,2% trong năm 2021. Từ tháng 10, IMF cũng nhận định, kinh tế thế giới đã bắt đầu hồi phục, nhưng cảnh báo hành trình trở lại ngưỡng sản lượng của trước đại dịch sẽ là một quá trình dài, không đều và bấp bênh.
Vết thương khó lành và liều vaccine
Mức độ can thiệp kỷ lục của các ngân hàng trung ương và chính phủ các nước trên toàn thế giới đã giúp thúc đẩy các nền kinh tế vốn đang rơi vào suy thoái sâu phục hồi. Tuy nhiên, sự can thiệp này cũng đi kèm với hậu quả. Các điều kiện tín dụng lỏng lẻo, vốn có ý nghĩa thiết yếu trong việc duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp, đã dẫn đến thanh khoản tăng mạnh, vô tình khiến cổ phiếu toàn cầu tăng lên các mức cao kỷ lục – tất cả đều diễn ra trong một năm suy thoái.
Sự khác biệt rõ rệt giữa bối cảnh kinh tế vĩ mô và thị trường đã làm dấy lên lo ngại giữa các nhà đầu tư. Định giá trên thị trường vốn chủ sở hữu và thu nhập cố định đang ở mức cao, nhờ có sự kết hợp giữa giá cả tăng và thu nhập giảm trong năm nay.
Với hầu hết các danh mục tài sản hiện đang giao dịch ở mức cao nhất trong 10 năm qua, quả thực các nhà đầu tư đã trở nên dễ bị tổn thương hơn, trước những khả năng điều chỉnh sắp tới.
Những bước tiến gần đây về vaccine đã làm sáng hơn triển vọng kinh tế toàn cầu, nhưng một số chuyên gia cho rằng, việc vaccine được triển khai chậm ở các nước đang phát triển có thể cản trở việc các hoạt động kinh tế quay trở lại mức trước đại dịch. Ngay cả ở những nền kinh tế phát triển như châu Âu, việc tái áp các biện pháp phong tỏa để ứng phó với làn sóng virus mới cũng có thể đẩy lùi sự hồi phục kinh tế.
Có thể nói, lối thoát khỏi đại dịch cuối cùng đã được tìm thấy. Vaccine sẽ giải cứu thế giới khỏi thảm họa kinh tế đau thương nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Tuy nhiên, lợi ích sẽ khó mà được phân bổ đồng đều. Các quốc gia giàu có ở châu Âu và Bắc Mỹ đã có phần lớn lượng vaccine còn hạn chế, nắm lợi thế cải thiện đáng kể về vận mệnh kinh tế. Các nước đang phát triển - nơi sinh sống của hầu hết nhân loại - phải tự đảm bảo liều lượng vaccine cho mình.
Việc phân phối vaccine như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến thực tế - kinh tế toàn cầu sẽ nối tiếp sự bất bình đẳng. Nền kinh tế toàn cầu từ lâu đã bị phân hóa bởi chênh lệch sâu sắc về giàu nghèo, giáo dục và khả năng tiếp cận các yếu tố quan trọng như nước sạch, điện và Internet.
Đại dịch gieo rắc chết chóc và tàn phá sinh kế của những người yếu thế, phụ nữ và các hộ gia đình có thu nhập thấp. Và các nước nghèo sẽ tiếp tục bị tàn phá bởi đại dịch, buộc họ phải tận dụng hết số vốn ít ỏi, vốn vẫn đang căng thẳng bởi nợ nần vay từ các nước giàu có.