Covid-19 và khó khăn lớn nhất của Tổng thống Nga Putin
Nga và đặc biệt là Tổng thống Vladimir Putin sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, trong thời gian dài sau đại dịch Covid-19.
Sau đại dịch Covid-19, gần như quốc gia nào trên thế giới cũng đối mặt với khó khăn nhưng theo một số chuyên gia, Nga và đặc biệt là Tổng thống Vladimir Putin sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, trong thời gian dài.
Kinh tế suy yếu ngang thời điểm khủng hoảng tài chính 2008
Trong hơn 20 năm qua, thử thách lớn nhất ảnh hưởng tới sự ủng hộ của người dân với chính quyền Nga là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Thực tế, nước Nga đã chứng kiến rất nhiều cuộc biểu tình từ năm 2011 và đảng nước Nga Thống nhất, ủng hộ Tổng thống Putin đã thua trong cuộc bầu cử Quốc hội năm ngoái.
Tuy tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Putin tiếp tục giảm đến năm 2013 nhưng năm 2014, điện Kremlin tạm thời đảo ngược tình hình sau khi hành động và sáp nhập Crimea từ Ukraine về Nga. Ảnh hưởng tích cực của sự kiện này đã kéo dài tiếp trong 2,5 năm sau.
Ba chuyên gia là bà Maria Snegovaya (nghiên cứu sinh tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu), ông Denis Volkov (Phó giám đốc Trung tâm Levada ở Moscow) và nghiên cứu sinh cấp cao ở Trung tâm Levada Stepan Gonchanrov, trong 1 bài viết trên tờ Foreign Policy đã nhận định, đại dịch Covid-19 có thể sẽ ảnh hưởng tới Nga mạnh hơn khủng hoảng tài chính năm 2008.
Lý do đầu tiên là giá dầu giảm mạnh cùng với việc hoạt động kinh tế phải tạm ngừng đã phá hủy cấu trúc kinh tế Nga trong dài hạn. Số người Nga bị cắt giảm lương hoặc nghỉ việc trong tháng 5/2020 đã cao gấp đôi so với tháng 10/2019.
Tính đến tháng 3 vừa rồi, trước khi hầu hết các khu vực của Nga áp dụng chính sách giãn cách xã hội, Trung tâm Levada ghi nhận chỉ số tiêu dùng nước này giảm 20 điểm. Dự đoán, tình hình kinh tế Nga năm nay còn tồi tệ hơn so với khủng hoảng năm 2008.
Yếu tố thứ 2 khiến cho khủng hoảng do Covid-19 tác động sâu rộng đối với nền kinh tế Nga chính vì nó diễn ra đúng thời điểm tỉ lệ ủng hộ Tổng thống và Chính phủ Nga ở mức thấp kỷ lục.
Ở khủng hoảng tài chính năm 2008, tỉ lệ ủng hộ với Tổng thống Putin trước đó ở mức cao nhờ chỉ số tăng trưởng kinh tế liên tục trong nhiều năm. Hay cuộc khủng hoảng kinh tế vào cuối năm 2014 cũng được cân bằng nhờ sự kiện sự sáp nhập Crimea về Nga. Nhưng lần này, ngay từ đầu khi đại dịch bùng nổ, tỉ lệ ủng hộ ông Putin luôn ở mức thấp và được liên hệ với những tác động từ chính sách tăng tuổi về hưu, thu nhập của người lao động giảm liên tục.
Cụ thể, tỉ lệ tin tưởng Tổng thống Putin đã giảm từ 35% trong tháng 1 xuống còn 25% trong tháng 5/2020 (mức thấp nhất trong 20 năm qua).
Một chỉ số khác là tỉ lệ ủng hộ chính sách của Tổng thống Putin cũng rơi xuống mức kém nhất trong lịch sử - 59%.
Covid-19 bộc lộ điểm yếu của hệ thống y tế Nga
Đại dịch cũng làm suy yếu khả năng cung cấp các dịch vụ cộng đồng của điện Kremlin và cũng gần như bộc lộ tất cả những khó khăn trong hệ thống chăm sóc y tế của Nga.
Truyền thông xã hội địa phương tràn ngập những video cho thấy, chất lượng tồi tàn tại các bệnh viện Nga cũng như những vụ tai nạn, chết người do hệ thống y tế thiếu an toàn của nước này.
Khi virus lan ra khắp nước Nga, sẽ có thêm nhiều người lần đầu phải nếm trải những khó khăn trong hệ thống y tế của nước họ. Việc tiếp cận với chăm sóc y tế là chủ đề khá nhạy cảm với nhóm người lớn tuổi, có xu hướng dựa vào dịch vụ y tế hơn.
Ở nghiên cứu do Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu và Trung tâm Levada tiến hành, những người được hỏi về nỗi lo thiếu chăm sóc y tế, quyền được bảo vệ trong xã hội, tiêu chuẩn sống… thường có xu hướng nhìn nhận lại quan điểm của họ về hệ thống chính trị ở Nga cũng như hạ thấp đáng kể niềm tin của họ với định hướng cũng như sự ủng hộ Tổng thống Putin.
Tác nhân từ xu hướng hiện đại hóa
Một điểm khác biệt khiến khủng hoảng lần này được nhận định sẽ có tác động lớn với Chính phủ của Tổng thống Putin đó là xã hội Nga đang không ngừng hiện đại hóa. Nhờ đô thị hóa, ¼ dân số Nga đang sống ở các thành phố lớn; hơn 40% người Nga dựa vào các mạng xã hội và internet để lấy thông tin, bỏ qua những phương thức truyền thông truyền thống như truyền hình.
Do đó, quyền dân sự đang ngày càng được nâng cao trong xã hội Nga. Chẳng hạn, khi được hỏi: “Theo bạn, quyền và tự do nào là quan trọng nhất” thì số người chọn “tự do ngôn luận” tăng từ 34% lên 58% trong giai đoạn từ năm 2017 và 2019.
Ba quyền quan trọng nhất theo suy nghĩ của những người được hỏi là “quyền được sống, tự do và quyền cá nhân” (tăng từ 72% lên 78% kể từ tháng 12/2017)… Qua cuộc khảo sát này, có thể thấy, nếu kinh tế và xã hội Nga không thể phát triển, đến năm 2024 khi Nga tổ chức tổng tuyển cử, những thay đổi từ nội tại cộng với chất xúc tác từ dịch bệnh sẽ tạo ra thách thức với khả năng tái nhiệm của ông Putin.
Suy yếu niềm tin ở nhóm ủng hộ chính
Theo Foreign Policy, từ năm 2000 đến nay, ông Putin luôn có được niềm tin ở 2 nguồn: Thứ nhất là các giáo sư trong tầng lớp tầm trung với lời hứa hẹn sẽ thúc đẩy bùng nổ kinh tế; thứ 2 là một số nhóm xã hội thu nhập thấp, bao gồm người về hưu.
Nói cách khác, khủng hoảng bởi dịch Covid-19 sẽ làm suy yếu sự ủng hộ của những cử tri cốt lõi với ông Putin trong thời gian tới.