COVID-19 và lũ lụt kìm hãm kinh tế Trung Quốc phục hồi
Những ổ dịch COVID-19 mới cùng tình trạng ngập lụt đáng lo ngại có thể kìm hãm đã hồi phục kinh tế của Trung Quốc do tác động đối với tiêu dùng và xây dựng.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Trung Quốc đã thoát khỏi suy thoái sau khi nền kinh tế nước này tăng trưởng 3,2% trong quý hai năm 2020. Trước đó, Trung Quốc ghi nhận tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 6,8% trong 3 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, tình hình tiêu dùng tại Trung Quốc lại chịu tác động nặng nề của COVID-19 với doanh số bản lẻ giảm 2,8% trong tháng 5 và 1,8% trong tháng 6.
Nhà kinh tế học Shaun Roache tại công ty S&P Global Ratings (Mỹ) nhận định: “Tiêu dùng vẫn yếu trong khi doanh số bán lẻ đang ổn định nhưng thấp so với cùng kỳ 2019. Xuất khẩu của Trung Quốc rời rạc cho thấy kinh tế thế giới đang hồi phục không đều”.
Con đường hồi phục kinh tế của Trung Quốc còn gặp khó khăn trước mắt khi tình trạng mưa lớn kỷ lục diễn ra, gây ngập lụt, sạt lở đất, gián đoạn sản xuất và xây dựng vốn là yếu tố then chốt cho tăng trưởng của Trung Quốc trong quý cuối năm.
Ông Zhao Qinghe tại Cục Thống kê Quốc gia (NBS) ngày 31/7 khi công bố về Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) của Trung Quốc đã nói: “Các công ty nhỏ tiếp tục phải đối mặt với áp lực từ cung và cầu. Một số công ty còn báo cáo rằng thảm họa liên quan đến ngập lụt đã gây gián đoạn vận chuyển và dịch vụ hậu cần, kéo theo các vấn đề như ngập nhà máy, thiết bị”.
PMI của Trung Quốc trong tháng 7 là 51,1 đối với ngành sản xuất chính thức, trong khi PMI của ngành sản xuất không chính thức là 54,2. Các nhà phân tích nhấn mạnh nhu cầu giảm và biện pháp phong tỏa tránh lây lan dịch COVID-19 được tái áp đặt tại một số khu vực đã tăng thêm áp lực đối với tiêu dùng.
Ông Louis Kuijs tại công ty Oxford Economics phân tích: “Ngập lụt tàn phá nhiều nơi nhưng tôi cho rằng về góc độ kinh tế vĩ mô, tổn thất chưa đủ lớn để thực sự tác động đến tăng trưởng kinh tế quốc gia. Bên cạnh đó, còn có ảnh hưởng đối với giá thực phẩm, nhưng sẽ chỉ mang tính tạm thời và vừa phải. Tôi cho rằng những ca mắc COVID-19 mới có thể tạo tác động lớn hơn về mặt kinh tế vĩ mô bởi dịch bệnh có thể ảnh hưởng tới hành vi của người dân trên toàn quốc, khiến họ chần chừ khi ra ngoài”.
Chính phủ Trung Quốc ước tính rằng thiệt hại về kinh tế mà ngập lụt gây ra có thể lên tới 144,43 tỷ nhân dân tệ. Người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc – bà Liu Aihua - nói: “Thảm họa ngập lụt trong năm nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng sản xuất và sinh sống tại một số khu vực”. Giá cả cũng đã leo thang do ngập lụt.
Công ty Huatai Securities trong tháng 7 đưa ra bản đánh giá cho biết đầu tư vào tài sản cố định tại Trung Quốc trong tháng này giảm bởi đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bất động sản đi xuống do tác động của mưa lớn.
Trong tuần cuối tháng 7, Trung Quốc cũng ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao nhất trong hơn 3 tháng gần đây với đa số trường hợp ở vùng Tân Cương. Có tới 9 thành phố Trung Quốc thông báo về số ca mắc COVID-19 mới liên quan đến thành phố cảng Đại Liên tại tỉnh Liêu Ninh, nơi xuất hiện ổ dịch mới.
Các nhà phân tích tại Tập đoàn Vốn Quốc tế Trung Quốc (CICC) ngày 29/7 đưa ra báo cáo rằng làn sóng dịch COVID-19 mới tại Trung Quốc và một số quốc gia khác sẽ tác động đến tiêu dùng.
Khi Bắc Kinh xuất hiện ổ dịch mới trong tháng 6, doanh số bán lẻ tại thủ đô Trung Quốc đã giảm 26,8% so với cùng kỳ năm trước. CICC nhấn mạnh: “Nếu có thêm các tỉnh khác của Trung Quốc trải qua làn sóng COVID-19 thứ hai, quá trình hồi phục tiêu dùng nội địa sẽ bị trì hoãn”.
Ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura ngày 28/7 đánh giá việc tái áp dụng biện pháp phong tỏa tại một số nơi ở Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng tới ngành sản xuất của nước này.