CPI năm 2020 nhiều áp lực cho mục tiêu dưới 4%?

Tại Hội thảo khoa học với chủ đề 'Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2019 và dự báo năm 2020' do Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính tổ chức, phần đông các chuyên gia kinh tế nhận định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020 sẽ có mức tăng dưới 4%.

Hội thảo khoa học "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2019 và dự báo năm 2020”

Hội thảo khoa học "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2019 và dự báo năm 2020”

Lạm phát năm 2019 đạt chỉ tiêu đề ra, ghi dấu công tác điều hành, quản lý giá

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, năm 2019, CPI bình quân chỉ tăng 2,79% so với bình quân năm 2018 (thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là khoảng 4%). Đây cũng là mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua (2017-2019).

Điểm lại các nguyên nhân khiến CPI bình quân năm 2019 tăng, PGS., TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, đầu tiên cần kể đến giá nhóm hàng thực phẩm đã tăng khá mạnh, đạt mức 5,08% trong năm vừa qua (trong đó giá thịt lợn bình quân năm 2019 tăng 11,79%). Yếu tố tiếp theo là việc các địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT và Thông tư số 14/2019/TT-BYT của Bộ Y tế làm giá dịch vụ y tế tăng 4,65% (tác động làm CPI chung tăng 0,18%).

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác khiến CPI tăng gồm: Giá điện sinh hoạt cũng điều chỉnh tăng, cùng với nhu cầu tiêu dùng điện tăng làm cho giá điện sinh hoạt tăng 8,38%; Việc tăng lương tối thiểu vùng áp dụng cho doanh nghiệp từ 1/1/2019 và mức lương cơ sở áp dụng cho cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ 1/7/2019 làm giá bình quân các loại hàng hóa và dịch vụ có xu hướng tăng…

Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố khiến CPI tăng giá nêu trên, có nhiều nguyên nhân góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI. Trong đó, bên cạnh yếu tố thuận lợi là giá hàng hóa thế giới trong năm qua có xu hướng giảm, không thể không kể đến những yếu tố tích cực từ công tác điều hành giá cả thị trường năm 2019.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Bá Minh, các cấp, các ngành đã rất tích cực triển khai các biện pháp đảm bảo cân đối cung cầu, chuẩn bị tốt nguồn hàng, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, thực hiện công tác quản lý bình ổn giá tại một số địa phương, điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt…

Làm rõ hơn về công tác điều hành giá cả thị trường năm 2019, tại Hội thảo, Đại diện Cục quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2019, trong vai trò thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi, nắm bắt, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, trình Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá các kịch bản điều hành giá ngay từ đầu năm. Qua đó, công tác quản lý, điều hành giá năm 2019 đã góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Chủ động điều hành giá quý I/2020

Nhận định về xu hướng CPI năm 2020, ông Nguyễn Bá Minh cho rằng, khi các yếu tố bên ngoài như kinh tế thế giới không mấy khả quan, giá dầu thô thế giới dự báo ổn định, giá thực phẩm trong nước (trong đó có giá thịt lợn) đã tăng khá cao trong năm 2019 sẽ không có khả năng tăng nhiều trong năm 2020 thì CPI trong năm 2020 nhiều khả năng ở mức 3,5%.

Cũng với nhận định CPI năm 2020 ở mức dưới 4% nhưng chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương cho rằng, các cơ quan quản lý cần cảnh giá khi CPI lũy kế năm 2019 so với tháng 12/2018 đã ở mức cao nhất từ năm 2014 đến nay (tăng 5,23%); Lạm phát cơ bản bình quân năm 2019 tăng 2,01 so với bình quân năm 2018.

Bên cạnh đó, cần tính đến các yếu tố bất lợi như giá hàng hóa thế giới năm 2020 có thể tăng trở lại; Mục tiêu tăng trưởng GDP 2020 tương đối cao (6,8%) trong khi mô hình tăng trưởng chưa thay đổi căn bản sẽ tạo sức ép lên lạm phát; đồng thời, giá dịch vụ y tế và giáo dục tiếp tục tăng…

Xung quanh những dự báo về chỉ số CPI năm 2020, Đại diện Cục Quản lý giá cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về điều hành giá, để kiểm soát lạm phát mục tiêu cả năm 2020 bình quân dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra. Trong đó, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát tiếp tục được thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt, chủ động, nhất là kịch bản điều hành giá quý I/2020.

Với các yếu tố dự báo tác động đến CPI ngay từ đầu năm 2020 (giá nhiên liệu thế giới có thể tăng nhẹ do bất ổn kinh tế chính trị; giá thịt lợn dự kiến tiếp tục tăng do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp, công tác tái đàn chưa hiệu quả…), Đại diện Cục Quản lý giá cho biết, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị không thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước định giá vào quý I/2020 và thực hiện kiểm soát chặt chẽ, bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Anh Thư

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/cpi-nam-2020-nhieu-ap-luc-cho-muc-tieu-duoi-4-317461.html