CPI tháng Tám tăng 0,88%: Do xăng, dầu và lương thực lên giá
Giá xăng, dầu và gạo 'leo thang' theo xu hướng thế giới cộng thêm giá nhà ở thuê tăng do nhu cầu sinh hoạt của người dân là những nguyên nhân chính tác động đến CPI trong tháng Tám.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố ngày 19/8 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tám tăng 0,88% so với tháng Bảy; tăng 2,02% so với tháng 12/2022 đồng thời tăng 2,96% so với cùng kỳ năm 2022.
Bình quân 8 tháng, CPI đã tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái và lạm phát cơ bản tăng 4,57%.
Nguyên nhân được chỉ ra là bởi giá xăng dầu, giá gạo trong nước “leo thang” theo xu hướng thế giới; giá nhà ở thuê tăng do nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Về khu vực, CPI tạithành thị tăng 0,87% và nông thôn lên 0,89%. Trên thị trường, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá. Riêng nhóm bưu chính-viễn thông giá giảm 0,17% so với tháng trước.
Trong đó,chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,78% so với tháng Bảy, tác động làm CPI chung tăng 0,26 điểm phần trăm. Cụ thể, nhóm lương thực tăng 3,28%, thực phẩm tăng 0,48% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,47%.
Tại nhóm lương thực, chỉ số giá nhóm gạo tăng 4,41%. Báo cáo chỉ ra giá gạo trong nước cùng tăng theo giá gạo xuất khẩu do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga, các Tiểu vương quốc Ả Rập cộng thêm xung đột chính trị và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino… đã khiến thị trường gạo toàn cầu diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, các đợt điều chỉnh giá xăng dầu (ngày 1/8, 11/8 và 21/8) đã làm cho giá xăng tăng 9,85% và giá dầu diezen tăng 15,9% so với tháng Bảy. Bên cạnh đó, giá nhà ở thuê cũng tăng 0,8% do chuẩn bị vào năm học mới.
Theo đánh giá từ Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm. Cụ thể, CPI tháng Một tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng Sáu mức tăng chỉ còn 2%, tháng Bảy tăng ở mức 2,06% và sang tháng 8 mức tăng bật lên 2,96% (nhưng vẫn thấp hơn các tháng đầu năm nay)./.