CPTPP - nhiều hơn một hiệp định
Vậy là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết hôm 8-3, theo giờ Santiago, ở Chile, bên kia Thái Bình Dương. Hơn hai năm sau khi TPP được ký kết, hơn một năm sau khi TPP bị đình đốn vì sự rút lui của Mỹ, hiệp định này đã trở lại, đầy vất vả mà cũng đầy hy vọng.
CPTPP là lời hồi đáp trực tiếp của thế giới về xu hướng tự do hóa thương mại. Ảnh: HUỲNH CÔNG BÁ
Thương mại hai bờ Thái Bình Dương đánh dấu thêm một bước chân tới tự do bền vững và bao trùm. Với Việt Nam, CPTPP cũng đánh dấu thêm một bước tiến trong quyết tâm hội nhập để phát triển và thịnh vượng.
CPTPP là một biểu tượng
Thẳng thắn mà nói, với việc ký kết CPTPP, thương mại thế giới hay khu vực không tự do hơn bao nhiêu so với khi TPP được ký kết cách đây hai năm. Thậm chí, với TPP, một khu vực chiếm 40% GDP toàn cầu được cam kết tự do hóa, còn với CPTPP, con số này chỉ còn có hơn 13%. CPTPP giữ nguyên phần lớn các cam kết của TPP, dù vậy vẫn thấp hơn TPP một chút, khi mà không còn những cam kết của Mỹ, và một số nhỏ các điều khoản khác được hoãn lại.
Mặc dù vậy, những ai biết quãng thời gian giữa hai mốc đó thương mại thế giới đã phải trả qua những gì có lẽ đều thấm thía ý nghĩa biểu tượng mà CPTPP mang đến cho tự do hóa thương mại đầu tư toàn cầu những ngày này.
Chỉ nhìn bề ngoài, trong suốt hơn ba thập niên này, tạm tính từ mốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được thành lập năm 1995, dù có lúc nhanh lúc chậm, thương mại thế giới vẫn tịnh tiến theo một hướng chung: tự do hóa và tự do hóa hơn nữa. Bằng cách dỡ dần những rào cản từ thuế quan tới đầu tư, từ các vấn đề ở biên giới tới chính sách sau đường biên giới. Bằng cách thiết lập nền tảng thống nhất và công bằng chung cho thương mại toàn cầu, theo cả chiều rộng (gia tăng số lượng thành viên WTO) và chiều sâu (ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực, từ truyền thống tới thế hệ mới).
Tất nhiên, dưới bề mặt tự do của thế giới thương mại đại đồng vẫn luôn ngầm chảy vô vàn những lợi ích dân tộc đan xen và mạnh mẽ. Điều này chẳng có gì ngạc nhiên: tự do chung toàn cầu là điều kiện để nuôi dưỡng lợi ích riêng của mỗi quốc gia, trong một thế giới mà để tồn tại người ta nhất định phải sống dựa vào nhau. Trong một chừng mực nhất định, tự do hóa thương mại không phải là đích đến, nó là con đường để lợi ích dân tộc được hiện thực hóa.
CPTPP không Mỹ, Việt Nam rõ ràng mất đi một phần kỳ vọng, một phần phải nói là đáng kể, trong cơ hội xuất khẩu từ hiệp định này. Nhưng Mỹ chẳng phải là toàn bộ chiếc bánh. Canada, Mexico, Peru là những phần khác, nhỏ hơn nhiều, nhưng cũng không thể bỏ qua, của chiếc bánh xuất khẩu của Việt Nam. Một CPTPP bằng ba FTA riêng rẽ với các nền kinh tế đầy tiềm năng ở châu Mỹ.
Chỉ có điều trong suốt hơn ba chục năm qua, với tự do hóa thương mại là nền tảng, chủ nghĩa bảo hộ không thể lên tiếng, càng không thể nhân danh mình phát tiết. Những biểu hiện ra ngoài sáng của bảo hộ, nếu có, nhất định đều phải được khoác lên những chiếc áo đẹp đẽ của lợi ích công cộng, nguồn sống nhóm yếu thế, an ninh quốc gia, tính mạng sức khỏe, bền vững môi trường...
Hơn hết thảy, bảo hộ dù có thế nào vẫn bị kiềm chế bởi các nguyên tắc chung về tự do thương mại được thiết lập trong WTO và trong các FTA. Hơn 450 vụ kiện trong khuôn khổ WTO từ đó tới nay cho thấy khi những lợi ích dân tộc riêng va đập đến đỉnh điểm, quy tắc chung của thương mại tự do và công bằng rốt cuộc vẫn thắng thế.
Hiện trạng này đã thay đổi, hoặc chí ít là có các biểu hiện hoàn toàn khác từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng triết lý “nước Mỹ trên hết” lên nắm quyền điều hành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Lợi ích Mỹ trở thành khẩu hiệu không cần giấu diếm, trực tiếp thách thức và đụng độ với thương mại tự do toàn cầu.
Lời định hứa trong đàm phán thương mại Âu - Mỹ nhanh chóng được nuốt xuống, Hiệp định Thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa EU và Mỹ tan tành. Lời đã hứa trong đàm phán xuyên Thái Bình Dương lập tức được rút lại, Hiệp định TPP ngừng vô thời hạn. Thậm chí lời đã hứa, việc đã làm cũng lần lượt bị đem ra mổ xẻ. Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với hai mấy năm tồn tại phải đàm phán lại. Hiệp định Thương mại tự do Mỹ-Hàn (KORUS) đợi năm năm mới được thực thi, mới thực thi chưa đầy năm năm, giờ cũng theo gót NAFTA mà xem xét lại.
Ở nơi chung, WTO bị công khai chỉ trích là bất lực trước cái gọi là “bất công thương mại”. Ở từng hướng riêng, lần lượt Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Mexico... bị cáo buộc, thậm chí bị trả đũa, chỉ vì “tội” có thặng dư thương mại hàng hóa cao với Mỹ. Đó là chưa kể đến những động thái đơn phương khác, như thay đổi sắc thuế biên giới, giảm sâu thuế đánh vào thu nhập doanh nghiệp... Tất nhiên đây đều là chuyện riêng của Mỹ, chẳng ai có thể can thiệp. Nhưng chúng được thực hiện với tuyên bố khó nghe, rằng nước Mỹ cần làm vậy để mang vốn về cố hương, để đòi lại những lợi ích hải ngoại được cho đang bị các nền kinh tế khác xà xẻo.
Trong bối cảnh ấy, sự thành hình của CPTPP không chỉ đơn thuần là sự hồi sinh của một hiệp định “nạn nhân”. Nhiều hơn thế, CPTPP là lời hồi đáp trực tiếp của thế giới về xu hướng tự do hóa thương mại, bất luận người ngăn cản là ai. CPTPP cũng là sự khẳng định chắc chắn về những lợi ích mà thương mại tự do có thể mang lại cho các nền kinh tế, dù ít vẫn hơn không có gì.
Vì thế, chẳng phải ngẫu nhiên mà dù TPP không Mỹ chỉ chiếm một khoảnh nhỏ của thương mại toàn cầu, cả thế giới vẫn dõi theo từng động thái. Mỗi cuộc gặp, dù chỉ là để xác định nên đi tiếp hướng nào, mỗi đợt họp, dù chỉ để tính toán việc nào làm tiếp, việc nào tạm hoãn... cũng được báo chí săm soi lùng sục. Ngay như trong APEC 2017 tại Đà Nẵng, CPTPP dù không phải sự kiện trong lịch trình, nhưng lại là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất được quan tâm. Ai cũng muốn biết, thế giới đáp trả triết lý “nước Mỹ trên hết” như thế nào.
CPTPP là một nguồn lợi
Dù có ngưỡng mộ biểu tượng bao nhiêu đi nữa, chắc chắn Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines... không vì thế mà sốt sắng bày tỏ mong muốn tham gia CPTPP. Cũng như vậy, dù có muốn thể hiện thế nào, nước Anh xa xôi, chẳng có tí quan hệ nào về địa lý, lại đang đau khổ đầy vơi trong cuộc chia ly với EU, cũng không thể vì thế mà phải lập tức bày tỏ ý định gia nhập hiệp định này. Lời giải thích khả dĩ nhất, đó là các nước này nhìn thấy ở CPTPP những cơ hội cụ thể, những lợi ích có thể đo đếm được cho chính mình.
Thậm chí, điều này có lẽ cũng là lý do hợp lý nhất, để giải thích tại sao ở Diễn đàn Kinh tế Davos, sự kiện quốc tế lớn đầu tiên sau khi CPTPP thành hình, Tổng thống D. Trump, người tự mình xuống tay với tương lai TPP một năm trước, rất kiên quyết tìm kiếm con đường song phương với các đối tác TPP suốt một năm qua, lại đích thân đề cập tới chuyện nước Mỹ có thể đàm phán để tái gia nhập TPP. Và sau đó các cố vấn, nhân vật quan trọng đầu não trong chính sách thương mại Mỹ, liên tiếp gợi ý về việc đàm phán này.
Quay trở lại câu chuyện của Việt Nam. Có lẽ cũng chẳng mấy ai tin rằng Việt Nam quyết tâm cùng các nước CPTPP khác thúc đẩy sự hồi sinh TPP chỉ vì là lý tưởng tự do hóa thương mại. CPTPP không Mỹ, Việt Nam rõ ràng mất đi một phần kỳ vọng, một phần phải nói là đáng kể, trong cơ hội xuất khẩu từ hiệp định này. Nhưng Mỹ chẳng phải là toàn bộ chiếc bánh. Canada, Mexico, Peru là những phần khác, nhỏ hơn nhiều, nhưng cũng không thể bỏ qua, của chiếc bánh xuất khẩu của Việt Nam. Một CPTPP bằng ba FTA riêng rẽ với các nền kinh tế đầy tiềm năng ở châu Mỹ, Việt Nam chẳng có lý do gì để không chớp cơ hội tiết kiệm bao nhiêu nguồn lực và thời gian này.
Ngay cả với Nhật, Úc, New Zealand... nơi Việt Nam đã có FTA, CPTPP cũng là cơ hội để nâng cấp bốn năm FTA đã có, với mức mở cửa thị trường mà các nước này hứa hẹn trong CPTPP cao hơn nhiều so với các FTA trước đây. Đó là chưa kể cơ hội hài hòa các quy tắc xuất xứ, mở rộng phạm vi “nội khối” để dễ dàng tận dụng các ưu đãi thuế quan trong CPTPP, điều mà từng FTA riêng rẽ không thể làm được.
Quan trọng hơn, CPTPP không chỉ là cơ hội gia tăng miếng bánh xuất khẩu. CPTPP là cơ hội để nhập khẩu nguồn nguyên liệu, máy móc thiết bị giá hợp lý, để nâng cao cạnh tranh trên thị trường dịch vụ qua đó tăng chất lượng và giảm giá thành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ phục vụ sản xuất. CPTPP cũng là cơ hội để ít nhất là hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường mua sắm công của 10 nước CPTPP, cung cấp sản phẩm cho khu vực “khách hàng” lớn nhất ở nhiều nền kinh tế.
Đặc biệt, với các cam kết về quy tắc sau đường biên giới, CPTPP là cơ hội có một không hai để thúc đẩy, tăng tốc cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh theo những tiêu chuẩn mới của thế giới. Cơ hội thu hút đầu tư, tăng việc làm, thu nhập cho người lao động, khuyến khích thúc đẩy sáng tạo, phát triển bền vững... cũng đến từ đó.
Việc ký CPTPP được mong chờ là vậy. Nhưng mong chờ hơn nữa là hiệp định này chính thức có hiệu lực. Tất nhiên các điều kiện để CPTPP có hiệu lực đã dễ dàng hơn TPP trước đây bởi chỉ cần sáu nước phê chuẩn là đủ. Tất nhiên việc phê chuẩn CPTPP trong nội bộ các nước cũng thuận lợi hơn, bởi đã có tới hơn hai năm vừa rồi để cân nhắc và chuẩn bị. Mặc dù vậy, vẫn là đêm dài lắm mộng, thời gian tới vẫn thời gian lửa thử vàng.
Nguyễn Thị Thu Trang (*)
Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/td/270061/cptpp---nhieu-hon-mot-hiep-dinh.html