Crimea bị tấn công bằng tên lửa Mỹ, Nga tuyên bố cứng rắn

Ukraine đã sử dụng Tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) được trang bị đầu đạn chùm do Mỹ cung cấp tấn công gây nhiều thương vong nhằm vào thành phố Sevastopol thuộc bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga năm 2014.

Ukraine đã sử dụng Tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) được trang bị đầu đạn chùm do Mỹ cung cấp tấn công gây nhiều thương vong nhằm vào thành phố Sevastopol thuộc bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga năm 2014.

Tên lửa được phóng từ Hệ thống Tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa của Mỹ. Ảnh: AFP

Tên lửa được phóng từ Hệ thống Tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa của Mỹ. Ảnh: AFP

Bộ Quốc phòng Liên bang Nga cho biết lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ 4 tên lửa ATACMS "được trang bị đầu đạn chùm" trong khi một tên lửa khác đã đi chệch khỏi đường bay và phát nổ trên bầu trời Sevastopol.

Chính quyền Crimea do Nga bổ nhiệm cho biết các mảnh tên lửa đã rơi xuống gần một bãi biển ở phía bắc thành phố Sevastopol, nơi người dân địa phương đang đi nghỉ. Đài Truyền hình Nga đăng tải video cho thấy người dân hốt hoảng chạy khỏi bãi biển khi vụ tấn công xảy ra. Các tên lửa được cho là có gắn đầu đạn chùm. Đạn chùm có khả năng phát tán hàng chục quả bom nhỏ hơn khi được kích nổ. Loại vũ khí này đã bị cấm ở hơn 100 quốc gia, trong đó có Anh, Pháp và Đức. Đạn chùm được cho là cực kỳ nguy hiểm đối với dân thường vì đạn thường trải rộng trên các khu vực rộng lớn và có thể tồn tại dưới lòng đất trong nhiều năm.

Hãng Anadolu dẫn phát biểu của Thứ trưởng Y tế Liên bang Nga Alexey Kuznetsov cho biết, vụ tấn công khiến 124 người, trong đó có 27 trẻ em, bị thương ở nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau". Trong khi đó, ông Mikhail Razvozhayev, Thống đốc Sevastopol do Nga bổ nhiệm nói rằng đã có 3 người thiệt mạng do vụ tấn công.

Hãng thông tấn Nga RIA Novosti cho biết Lầu Năm Góc đã từ chối bình luận về vụ tấn công bằng bom chùm chết người của Ukraine nhằm vào Sevastopol. Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc Kiev đã cố tình chọn nơi tụ tập đông người làm mục tiêu để gieo rắc nỗi hoảng loạn. Bà tuyên bố rằng vụ tấn công xảy ra đúng lễ Chúa Ba Ngôi cũng là lựa chọn có chủ đích. Bộ Ngoại giao Liên bang Nga tuyên bố sẽ tìm kiếm phản ứng quốc tế còn Bộ Quốc phòng nước này yêu cầu Mỹ phải chịu trách nhiệm chính về vụ tấn công.

Hàng tin TASS dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết: "Chính quyền Mỹ rõ ràng ủng hộ những tội ác của chính quyền Kiev. Họ đứng về phía chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Không có lời biện minh nào cho hành động của lực lượng vũ trang Ukraine. Tội ác được thực hiện có chủ đích trong thời điểm tập trung số lượng tối đa người Nga bên bờ biển", Đại sứ Nga nhấn mạnh. Đại sứ Nga tại Mỹ nhận định, việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine và trao cho họ quyền tấn công dân thường chỉ chứng tỏ mong muốn của chính quyền Kiev tiếp tục xung đột bất chấp thương vong. Các nhà hoạch định chính sách ở Washington hiểu rõ, bom chùm được trang bị cho tên lửa ATACMS không thể phóng nếu không có sự tham gia của các chuyên gia và sự hỗ trợ từ tình báo Mỹ.

Moscow cáo buộc Mỹ đã tạo điều kiện cho "cuộc tấn công tên lửa khủng bố có chủ đích". Theo dữ liệu tình báo riêng, Bộ Quốc phòng Nga cho hay các mục tiêu của ATACMS được chính các chuyên gia Mỹ chỉ định cho quân đội Ukraine. Theo Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, "tất cả các nhiệm vụ bay của tên lửa ATACMS của Mỹ đều do các chuyên gia Mỹ thực hiện dựa trên dữ liệu trinh sát vệ tinh của Mỹ". Do đó, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga nhấn mạnh "trách nhiệm về vụ tấn công tên lửa có chủ ý nhằm vào dân thường ở Sevastopol chủ yếu thuộc về Washington, nước cung cấp vũ khí này cho Ukraine, cũng như chế độ Kiev, nơi mà cuộc tấn công này được phát động".

Dữ liệu từ công cụ theo dõi chuyến bay Flightradar cũng tiết lộ thiết bị không người lái trinh sát RQ-4B Global Hawk của Mỹ đã tuần tra ở Biển Đen, phía nam Crimea trong cuộc tấn công trên. Ủy ban Điều tra Liên bang Nga tuyên bố đã mở một vụ án hình sự để xác định "tình tiết vụ việc và những người liên quan đến vụ tấn công khủng bố, đồng thời đánh giá hành động của họ về mặt pháp lý".

Tháng 7 năm ngoái, Mỹ thông báo sẽ cung cấp bom chùm cho Ukraine. Vào thời điểm đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi quyết định này là "rất khó khăn" nhưng có lý, cho rằng việc viện trợ cho Ukraine là cần thiết để thúc đẩy một cuộc phản công của Kiev. Mỹ bắt đầu cung cấp tên lửa ATACMS có tầm bắn lên tới 300km cho Ukraine từ đầu năm nay. Ukraine đã cố gắng nhắm mục tiêu vào bán đảo Crimea bằng tên lửa ATACMS, đáng chú ý nhất là vụ tấn công hồi cuối tháng 5 khi 10 tên lửa ATACMS đã bị bắn hạ trên quỹ đạo nhắm vào cầu Crimea chiến lược.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/crimea-bi-tan-cong-bang-ten-lua-my-nga-tuyen-bo-cung-ran-post297096.html