Crystal Bay lo 'mất' dự án đã đầu tư trăm tỷ vì quy hoạch TP. Nha Trang
Với việc điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang (Khánh Hòa), doanh nghiệp thấp thỏm lo mất dự án đã đầu tư trăm tỷ vì không phù hợp với quy hoạch mới.
Gặp khó vì quy hoạch
Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tỉnh Khánh Hòa lần 2 năm 2023, ông Trần Việt Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Crystal Bay kiến nghị cơ quan chức năng tỉnh này giải quyết triệt để, đúng pháp luật vấn đề điều chỉnh quy hoạch chung Nha Trang tầm nhìn 2040.
Theo ông Dũng, quy hoạch mà tỉnh Khánh Hòa đang trình cơ quan Trung ương có nguy cơ loại bỏ 4 dự án mà doanh nghiệp đã đầu tư khoảng 600 tỷ đồng trong 10 năm qua.
"Chúng tôi kiến nghị tỉnh Khánh Hòa xem xét về tính liên tục, thống nhất và kế thừa của quy hoạch Nha Trang trong tổng thể quy hoạch quốc gia theo Điều 4 Luật Quy hoạch 2017 để không chỉ đảm bảo môi trường đầu tư lành mạnh của tỉnh mà còn đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp", ông Dũng mong muốn.
Còn ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Thủy sản 584 Nha Trang cho rằng, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa xem xét ý định quy hoạch làng nghề nước mắm, bởi làng nghề nước mắm ở địa phương đứng trước nguy cơ "bị xóa bỏ".
Hiện, các doanh nghiệp nước mắm lớn trên địa bàn đã di dời cơ sở khỏi Khánh Hòa, riêng Công ty CP Thủy sản 584 Nha Trang cũng đã có cơ sở sản xuất tại địa phương khác.
Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn được biết thêm về quy hoạch làng nghề nước mắm để xem xét phương án di dời cơ sở sản xuất quy mô sản xuất 15.000 tấn/nước mắm/năm...
Theo ông Châu Ngô Anh Nhân, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa, các dự án doanh nghiệp kiến nghị phải chờ quy hoạch chung TP.Nha Trang do chưa đủ điều kiện pháp lý để triển khai.
Hiện, quy hoạch đang được trình duyệt các bước cuối cùng mới có thể triển khai, đồng thời các dự án phải điều chỉnh để phù hợp quy hoạch mới để tiến hành đầu tư tiếp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các sở, ban, ngành tiếp nhận và xem xét giải quyết kịp thời những kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, phải đề xuất giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định như: hỗ trợ lãi suất, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, điều chỉnh giảm lãi suất...
Đặc biệt, sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoach quan trọng như: Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.Nha Trang đến năm 2040; Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045; Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, các quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng huyện...để làm cơ sở quản lý và thu hút đầu tư.
"Tuýt còi" loạt dự án
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã có kết quả xử lý đối với 14 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Theo đó, dự án Trung tâm Hội nghị - Tiệc cưới và Nhà khách cán bộ công nhân viên Sabeco do Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn làm chủ đầu tư đang chậm tiến độ. Nguyên nhân xuất phát từ vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp này.
Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa đã kiến nghị UBND tỉnh giao Sở TN&MT phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan kiểm tra, rà soát về phương án sắp xếp, xử lý nhà đất của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn theo quy định.
Đối với dự án Khu dân cư nhà vườn Phước Thượng do Công ty CP Đầu tư Phát triển Ngân Sơn làm chủ đầu tư, Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa đã ban hành thông báo về việc chấm dứt hoạt động dự án.
Tiếp đó là dự án Tổ hợp khách sạn du lịch, nghỉ dưỡng, nhà bán và cho thuê Trimet Nha Trang do Công ty CP Trimet Nha Trang làm chủ đầu tư cũng đang chậm tiến độ, nguyên nhân xuất phát từ lý do chủ quan của nhà đầu tư.
Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa đã có kiến nghị UBND tỉnh giao Sở TN&MT tham mưu thu hồi đất của dự án. Sau khi hoàn thành việc thu hồi đất, Sở KH&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định.
Tương tự, Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa đã có kiến nghị UBND tỉnh giao Sở TN&MT tham mưu thu hồi đất của dự án Khách sạn Nha Trang do Công ty CP Vật tư Khánh Hòa làm chủ đầu tư và tham mưu UBND tỉnh chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định.
Một góc trên cao TP.Nha Trang. Ảnh: T.X
Ngoài ra, còn có các dự án chậm tiến độ khác như: Dự án Quảng trường biển xanh của Công ty TNHH Bờ Biển Vàng; dự án Khu du lịch Manna của Công ty CP Xây dựng Công trình và Đầu tư địa ốc Hồng Quang và Golden Legend Limited; dự án Vogue Resort (tên trước đây là Tropicana resort) của Công ty TNHH Vogue Resort; dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Mỹ Mỹ Resort của Công ty TNHH Carava Resort; dự án Khu du lịch - dịch vụ tổng hợp bắc bán đảo Cam Ranh của Công ty TNHH Hoàn Cầu Cam Ranh…
Với dự án Khu thương mại và dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Oải Hương do Công ty CP du lịch Oải Hương làm chủ đầu tư, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho phép điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đến trước ngày 31/8/2024.
Còn dự án Khu du lịch cao cấp Phát Đạt, sau khi tổng hợp ý kiến của các sở, ngành, địa phương, Sở KH&ĐT đã có báo cáo trình UBND tỉnh về kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án do Công ty CP Đầu tư Phát Đạt Nha Trang làm chủ đầu tư.
Dự án Nâng cao năng lực sản xuất nhà máy đóng tàu Cam Ranh do Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh làm chủ đầu tư, Sở KH&ĐT đã có văn bản đề nghị nhà đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt một phần hoạt động của dự án (18 ha) theo quy định.