CSE: Cơ quan đặc biệt của Canada
Cơ quan an ninh truyền thông (CSE), một trong những cơ quan ở Canada phù hợp với các thông số và định nghĩa về một tổ chức chịu trách nhiệm cho các hoạt động tình báo hải ngoại. CSE cũng là tổ chức siêu bí mật ở Canada. Hầu như rất hiếm người trên thế giới biết về nó, và những gì xuất hiện trong bài báo này là sự xâu chuỗi từ các nguồn tách biệt.
Khác với cơ quan tình báo an ninh Canada (CSIS) và Cảnh sát hoàng gia Canada (RCMP), CSE không có quy chế quản lý quy định nhiệm vụ, quyền hạn cùng cơ chế kiểm soát, trách nhiệm giải trình.
Nhìn chung CSE thực hiện đồng thời nhiệm vụ kép: Tình báo tín hiệu (SIGINT); An ninh truyền thông hoặc thông tin (INFOSEC hoặc COMSEC). Điều nên biết rằng Canada không phải là quốc gia duy nhất có cơ quan tình báo hải ngoại như CSE.
Tại Mỹ, một dạng cơ quan đó được biết đến dưới cái tên Cơ quan an ninh quốc gia (NSA); ở Anh có Trụ sở truyền thông chính phủ (GCHQ); ở Australia đó là Cục giám đốc tín hiệu quốc phòng (DSD); và ở New Zealand đó là Nha an ninh truyền thông chính phủ (GCSB).
Lịch sử hình thành của CSE
CSE có nguồn gốc từ những phát triển và phân tích mật mã trong suốt thời kỳ Thế chiến 2. Cơ quan này được thiết lập vào tháng 6 năm 1941 dưới tư cách là Đơn vị khảo thí của Hội đồng nghiên cứu quốc gia, nó nằm trong một ngôi nhà gần tư dinh của Thủ tướng Canada khi đó trên đại lộ Laurier ở Ottawa.
Thời gian đầu tồn tại, Đơn vị khảo thí được giao trách nhiệm cụ thể trong việc đánh chặn và phân tích các liên lạc của chính quyền Vichy (chính phủ Pháp thân với phe Trục phát xít) và Đức. Với việc Nhật Bản tham chiến, Đơn vị khảo thí cũng được giao trọng trách giải mã các liên lạc từ nước này.
Ước tính khoảng năm 1944, Đơn vị khảo thí có 45 nhân viên, trong số đó có những người theo chủ nghĩa cổ điển và các kỳ thủ, những người này có tư duy tốt về mã. Tháng 9 năm 1945, Tổng thống Truman kết luận rằng các hoạt động Sigint thời bình là hết sức cần thiết, và phải có sự hợp tác trong lĩnh vực này với các nước khác.
Tới tháng 12 năm 1945, giới chức Canada cũng đưa ra kết luận tương tự. Sau đó, Đơn vị khảo thí được đổi tên thành Nhánh truyền thông của Hội đồng nghiên cứu quốc gia (CBNRC). Năm 1947, Thỏa thuận an ninh Anh/Mỹ có hiệu lực, các bên tham gia thỏa thuận đó vẫn là nhóm 5 nước gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand. Thỏa thuận này vẫn được phân loại là “Tối mật” và được chia phạm vi ảnh hưởng và trách nhiệm giải mật mã với Mỹ và Anh, họ được thiết kế là “các bên đầu tiên” và những bên ký kết còn lại được gọi là “bên thứ hai”.
Canada được giao trách nhiệm đối với phần phía Bắc của Liên Xô cũ và một số phần của Châu Âu. Nội dung của Thỏa thuận Anh/Mỹ đã được cập nhật trong một cuốn sổ tay tuyệt mật có tựa là Các quy định quốc tế về Sigint. Năm 1948, Canada đã ký kết một thỏa thuận song phương tương tự với Mỹ có tên gọi là Thỏa thuận CANUSA.
Mãi tới tận năm 1974, dư luận mới nghe về CBNRC, họ biết tới nó thông qua một chương trình truyền hình CBC. Một phần của Thỏa thuận Anh/Mỹ của Canada mới được hé lộ vào ngày 24 tháng 3 năm 1975, trong các câu trả lời của ông Charles Mills Drury khi đó là Bộ trưởng Khoa học công nghệ nhà nước trước loạt câu hỏi chất vấn trước Ủy ban thường vụ hạ viện về những ước tính hỗn hợp.
Đến ngày 1 tháng 4 năm 1975, trước áp lực giám sát của dư luận, CBNRC lại được đổi tên thành Cơ quan an ninh truyền thông (CSE) chiếu theo luật tái sắp xếp và chuyển giao dịch vụ công từ Hội đồng nghiên cứu quốc gia đến Bộ Quốc phòng. Thời điểm đó, CSE được tin là có từ 250 đến 300 nhân viên dân sự, và khoản ngân sách xấp xỉ 5 triệu USD/ năm. Đến năm 1983, CSE có 580 nhân viên dân sự. Ngày 22 tháng 9 năm 1983, lần đầu tiên chính phủ Canada lên tiếng thừa nhận về sự tồn tại của CSE.
CSE ngày nay
Phân bổ ngân sách của CSE không được công khai. Ngày 10 tháng 10 năm 1991, một đại diện của CSE tuyên bố rằng các hoạt động INFOSEC/COMSEC thường sử dụng từ 20% hoặc 22% ngân sách (tương đương từ 20 đến 25 triệu USD/ năm).
Dựa trên cơ sở này có thể kết luận rằng ngân sách của CSE từ năm 1991 dao động từ 100 đến 125 triệu USD / năm. Đó là còn chưa nói đến Bộ Quốc phòng, các lực lượng Canada trong năm 1991 đã bổ sung thêm 150 triệu USD nhằm hỗ trợ cho các hoạt động Sigint của CSE. Theo một ước tính thì vào năm 1991, chỉ riêng CSE có khoảng 850 nhân viên và các lực lượng Canada đã luân chuyển 1.100 nhân viên nhằm vận hành các trạm giám sát ở Canada, Bermuda và Đức.
Tháng 6 năm 1993, quân số của CSE tăng thành 875 người. Các trạm giám sát của CSE được đặt ở Argentia và Gander (ở Newfoundland), Trạm lực lượng Canada Leitrim (CFS Leitrim ở Ottawa), Trạm lực lượng Canada Massett (CFS Massett ở British Columbia), và Trạm lực lượng Canada Alert (CFS Alert ở rìa đảo Ellesmere, căn cứ quân sự thường trực ở cực Bắc của thế giới) cũng như ở Bermuda.
Các nhiệm vụ chính của CSE
Ward Elcock, phó thư ký an ninh, tình báo, cố vấn thuộc Văn phòng hội đồng cơ mật đã mô tả 2 nhiệm vụ chính của CSE trong lời khai trước Ủy ban đánh giá CSIS đặc biệt của Hạ viện Canada như sau: “1) Vai trò của COMSEC là đảm bảo an ninh cho các liên lạc của chính phủ Canada; 2) Thu thập tình báo tín hiệu nhằm cung cấp cho chính phủ các thông tin tình báo liên quan đến những hoạt động ngoại giao, quân sự, kinh tế, an ninh và thương mại; ý định và khả năng của các chính phủ, các cá nhân và tập đoàn nước ngoài”.
Nhìn chung CSE được giao các trọng trách cụ thể như: 1) Phát triển các tiêu chuẩn về bảo mật thông tin – điện tử (COMSEC) do Ban ngân khố phê chuẩn, và tư vấn về các ứng dụng; 2) Phát triển, phê chuẩn, ban hành và tư vấn ứng dụng tiêu chuẩn kỹ thuật cho COMSEC, bảo vệ tình báo tín hiệu, thông tin mã. 3) Cung cấp tài liệu và tài liệu mật mã cho những cơ quan chính phủ phù hợp; 4) Cung cấp lời khuyên và hướng dẫn về việc lập kế hoạch, mua, thiết lập và các thủ tục dùng những hệ thống COMSEC; 5) Cung cấp lời khuyên và đánh giá rủi ro khi được yêu cầu; 6) Khi được yêu cầu phải báo cáo cho Ban ngân khố về tình trạng của COMSEC trong chính phủ; 7) Rà soát hệ thống viễn thông của chính phủ nhằm đánh giá việc tuân thủ các thông lệ COMSEC được quy định; 8) Phân loại tình báo tín hiệu và thông tin mật mã, thiết lập thủ tục cho việc đánh giá một cách có hệ thống thông tin phân loại nhằm giải mật hoặc hạ cấp; 9) Đánh giá các khía cạnh của phần cứng máy tính, phần mềm và những hệ thống liên lạc nhằm đảm bảo thông tin luôn đến tay chính phủ về bảo mật các hệ thống máy tính và dùng chúng trong chính phủ. Được biết 80% ngân sách còn lại của CSE dùng cho các hoạt động Sigint đến từ Bộ Quốc phòng và các lực lượng Canada.
Trách nhiệm giải trình của CSE
Trong báo cáo phúc đáp của Ủy ban đánh giá CSIS đặc biệt của Hạ viện Canada thì trách nhiệm giải trình của CSE được thể hiện ở một số điểm sau: 1) Bộ trưởng Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Quốc hội đối với CSE.
Bộ trưởng phê duyệt các khoản chi đầu tư lớn cho CSE, cụ thể là kế hoạch hoạt động hàng năm của cơ quan này, và những sáng kiến chính của CSE có ý nghĩa chính sách hoặc pháp lý quan trọng; 2) Cục trưởng CSE chịu trách nhiệm trước Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đối với những vấn đề hành chính và tài chính. Ngoài ra còn có các thỏa thuận nhằm đảm bảo CSE hoạt động đáp ứng các yêu cầu tình báo hải ngoại của chính phủ theo cách hợp pháp, hiệu quả, và nhạy cảm đối với những thay đổi trong quan hệ quốc tế.
Những thỏa thuận này bao gồm: 1) CSE có cố vấn pháp lý nội bộ từ Bộ Tư pháp, cũng như tham vấn với các quan chức tư pháp cấp cao về những vấn đề pháp lý; 2) CSE thường xuyên tham vấn các quan chức cấp cao trong Văn phòng hội đồng cơ mật, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao; 3) CSE phải tuân theo các cơ chế đánh giá hành chính nội bộ của Bộ Quốc phòng; 4) CSE đệ trình kế hoạch chiến lược của mình và tất cả những đề xuất chính sách mới để cho ICSI (Ủy ban liên bộ về an ninh và tình báo) đánh giá và sau đó gửi lại các báo cáo.
Sau rốt một hệ thống giải trình mở rộng đã được triển khai cho CSE. Chính phủ Canada cũng đang xem xét cung cấp cho Bộ trưởng Quốc phòng một số khả năng bổ sung nhằm đánh giá CSE. Cho đến nay vẫn chưa có thông báo nào rằng Bộ trưởng Quốc phòng được cung cấp khả năng bổ sung đó.
Những đề xuất cải cách
Theo thời gian đã có những vấn đề nghiêm trọng được thể hiện liên quan đến khả năng kỹ thuật của CSE trong việc đánh chặn liên lạc ở mọi dạng thức và nguy cơ vi phạm quyền và tự do của người dân Canada. Tương tự, có một mức độ bất mãn ở vấn đề giải trình cho công chúng về các hoạt động của CSE cùng chi tiêu ngân sách công đã được phân bổ cho nó. Tuy vậy, vẫn có rất ít bằng chứng cho rằng CSE xâm phạm quyền và tự do của người dân thông qua các hoạt động Sigint.
Cũng không có bằng chứng công khai nào về cách quản lý tiền bạc yếu kém, tài chính kém hiệu quả hay hoạt động kém hiệu quả. Quả vậy, bất kỳ khi nào các đại diện CSE bị thúc ép phải nói rõ trước công luận về những vấn đề này thì họ đều khẳng định đã giải trình đầy đủ về các khoản chi tiêu ngân sách công của mình. Sau cùng, vì CSE là một cơ quan chính phủ tối mật nên người ngoài không thể đánh giá được độ tin cậy trong những cam đoan như vậy về việc thực hiện các chức năng của cơ quan này.
Yêu cầu, kiểm soát và giải trình của CSE không được xây dựng trên cơ sở luật định. Lệnh hội đồng đã chuyển trách nhiệm cho CSE từ Hội đồng nghiên cứu quốc gia (NRC) sang Bộ Quốc phòng chỉ giải quyết trách nhiệm hành chính, không chịu trách nhiệm về yêu cầu, kiểm soát, quyền hạn hay giải trình. Để đối phó với tình trạng này đã có một vài đề xuất cải cách được đưa ra.
Trong một báo cáo của mình, Ủy ban điều tra liên quan đến những hoạt động cụ thể của Cảnh sát hoàng gia Canada (CICCA-RCMP) đã khuyến nghị rằng nên thành lập một Hội đồng cố vấn an ninh và tình báo (ACSI) và phạm vi quyền hạn đánh giá của nó nên được mở rộng cho mọi tổ chức chính phủ liên bang được sử dụng nhằm thu thập tình báo thông qua những phương tiện bí mật (ngoại trừ RCMP và các lực lượng cảnh sát liên bang khác). Nếu đề xuất này mà được chính phủ Canada thời kỳ đó chấp thuận thì đã khiến cơ quan tình báo này rơi vào thế khó rồi.
Ủy ban thượng viện đặc biệt của Cơ quan tình báo an ninh Canada (SSC-CSIS) đã gián tiếp xử lý CSE. Ủy ban này đề xuất CSIS nên trao quyền “hoạt động độc lập” các hoạt động tình báo hải ngoại cho CSE và những tổ chức tương tự khác. Đề xuất này không được chính phủ Canada thời điểm đó phê chuẩn, và cũng không xác định độc quyền hoạt động. Ông John Starnes, Giám đốc cơ quan an ninh RCMP vào đầu thập niên 1970, gần đây đã lên tiếng thúc giục trách nhiệm cho CSE được chuyển giao bởi Lệnh hội đồng từ Bộ Quốc phòng sang CSIS. Bước đi này sẽ tạo cho CSE cùng cách kiểm soát và cơ chế giải trình như CSIS.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/cse-co-quan-dac-biet-cua-canada-i655259/