16h chiều 7/9, người dân Hà Nội đã có thể nhận thấy rõ sự ảnh hưởng rõ rệt của bão số 3 khi mưa lớn diễn ra khắp Thủ đô cùng với gió giật mạnh. Đường phố Hà Nội vắng lặng, lác đác có người di chuyển nhưng rất khó khăn. Lực lượng CSGT ứng trực 100% quân số, liên tục tuần tra, tổ chức cắt dọn cây xanh bị quật đổ.
Chiều 7/9, Thủ đô Hà Nội đã có mưa lớn kèm gió giật mạnh trên diện rộng, đường phố trở lên thưa vắng phương tiện di chuyển, người dân di chuyển hết sức khó khăn. Nhiều người đi xe máy đã cố gắng đứng giữa đường để giữ xe nhằm tránh ngã, đổ. Tình trạng cây xanh gãy đổ diễn ra ở nhiều tuyến đường.
Hình ảnh phố Nguyễn Cơ Thạch (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thời điểm 17h chiều 7/9.
Phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) thời điểm 18h.
Đường Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thời điểm 17h30.
Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn dự báo tác động của bão, gió mạnh chiều và đêm 7/9, các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 10.
Chiều và đêm 7/9, thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ có gió mạnh cấp 4, cấp 5, sau tăng lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 9.
Thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ chiều tối đến đêm 7/9. Dự báo tác động của gió mạnh: Gió mạnh có thể gây tốc mái, hư hại nhà cửa, làm gãy đổ cây cối, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.
Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: Cấp 3. Mưa lớn từ nay đến sáng 9/9, TP Hà Nội có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông.
Phố Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cây xanh ngã đổ chắn ngang đường khiến các phương tiện không thể di chuyển, chỉ sau vài phút Đội CSGT số 4 đã triển khai lực lượng đến hiện trường tổ chức dọn dẹp.
Nhân viên công ty cây xanh dùng máy cưa nhanh chóng cắt cây xanh bị đổ.
Các chiến sĩ CSGT phối hợp liên tục dọn dẹp cây xanh khỏi đường giao thông.
Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, hiện nay tình hình bão số 3 vẫn diễn biến hết sức phức tạp nên đơn vị đã chỉ đạo nóng các tất cả các đơn vị địa bàn ứng trực toàn bộ lực lượng tại tất cả các điểm nút giao thông, các tuyến đường có nguy cơ bị ngập úng với đầy đủ trang thiết bị đảm bảo giao thông thông suốt, chống tình trạng ùn tắc có thể xảy ra đồng thời sẵn sàng ở mức cao nhất hỗ trợ người dân lưu thông trên đường trong trường hợp gặp sự cố. Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan cắm chốt, tạm cấm người dân đi vào khu vực nguy hiểm, ngập sâu, cây xanh ngã đổ.
Cán bộ Đội CSGT số 1 phối hợp điều tiết các phương tiện di chuyển tạm thời theo hướng khác.
Lực lượng Công an có mặt dọn dẹp cây đổ tại khu vực nút giao Điện Biên Phủ - Chu Văn An (quận Ba Đình, Hà Nội).
Tại trụ sở Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, cán bộ ứng trực liên tục kiểm tra địa bàn toàn thành phố qua hệ thống camera giám sát và thông báo cho các đơn vị địa bàn xử lý sự cố.
Tại địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội), Đội CSGT số 6 cũng khẩn trương điều động cán bộ mang theo trang thiết bị vào vị trí sẵn sàng chống bão, xử lý tình hình giao thông cũng như hỗ trợ người dân.
Phòng CSGT Công an TP Hà Nội khuyến cáo, cơn bão số 3 có diễn biến bất thường, được cảnh báo cực kỳ nguy hiểm. Bắt đầu từ chiều nay đến hết ngày cuối tuần (Chủ nhật 8/9), người dân, nếu không thực sự có công việc cần thiết nên ở trong nhà, hạn chế hoặc không nên ra đường. Trong quá trình bắt buộc phải di chuyển trên đường, người tham gia giao thông nên mặc áo mưa sáng màu, gọn gàng, không sử dụng ô. Khi đi đường trong những ngày mưa bão, gió giật mạnh, nên mặc quần và áo mưa tách rời. Áo mưa bộ giúp tiết diện cản gió thấp nhất, không lo bị tạt vạt áo mưa trong trường hợp gió to gây trở ngại trong việc điều chỉnh phương tiện giao thông.
Luôn bật đèn xe, chú ý điều chỉnh tốc độ ổn định. Trong thời tiết mưa bão, tầm nhìn thường bị hạn chế rất nhiều và khó điều chỉnh được xe theo ý muốn một cách linh hoạt. Do đó tài xế nên chủ động bật đèn xe khi đi lại trong ngày mưa bão để nhìn rõ đường phía trước và đánh tín hiệu cho các xe đi ngược chiều. Không nên bật đèn pha khi có xe chạy đối diện. Đồng thời, nếu đi với tốc độ cao sẽ khiến sức gió thổi lớn hơn và khiến bạn không kịp điều chỉnh tay lái trong những trường hợp khẩn cấp. Những khu vực cần tránh là: Khu vực lũ; sát lề đường (đây là khu vực trũng nên khi có mưa thì nước ngập sâu hơn, thậm chí còn gồ ghề và có nhiều nắp cống nên bạn rất dễ bị nước cuốn làm ngã xe); vị trí nằm giữa các tòa nhà cao tầng, đặc biệt là đoạn ngã tư (đây là nơi hút gió); dưới gốc cây to; khu vực có công trường thi công có nhiều tấm tôn, sắt lớn; khu vực gần các loại xe cỡ lớn (dễ gây bắn nước)…