CSGT huy động phương tiện của dân, khi nào hoàn trả?
Theo Đại biểu Quốc hội, việc cảnh sát huy động phương tiện của cá nhân, tổ chức trong trường hợp cấp bách là cần thiết nhưng cần quy định rõ hơn về thời gian hoàn trả phương tiện cũng như việc đền bù như thế nào nếu phương tiện hư hỏng.
Ngày 11-11, tại buổi thảo luận tổ về Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu (ĐB) Quốc hội Hoàng Thị Thúy Lan, Trưởng đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, đã góp ý một số nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát giao thông (CSGT) trong tuần tra, kiểm soát.
Nội dung này được quy định tại Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, Điều 61 quy định: "Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, CSGT được huy động phương tiện giao thông đường bộ, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản".
ĐB Hoàng Thị Thúy Lan đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm để đảm bảo chặt chẽ tại Điều 61 nêu trên. Theo ĐB Lan, việc CSGT được huy động phương tiện của tổ chức, cá nhân trong trường hợp cấp bách là cần thiết, tuy nhiên cần quy định cụ thể hơn về giới hạn, phạm vi được huy động phương tiện.
"Việc huy động phương tiện phải phù hợp với khả năng thực tế của người sử dụng phương tiện đó, phải hoàn trả ngay khi việc huy động kết thúc, trong dự thảo luật chưa quy định rõ điều này"- ĐB Hoàng Thị Thúy Lan phân tích.
Bên cạnh đó, vị ĐB tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị quy định cụ thể việc phương tiện khi được huy động để làm nhiệm vụ mà bị hư hỏng, mất thì như thế nào, có được bồi thường hay không; nếu người tham gia mà bị thương hoặc tổn hại sức khỏe thì bản thân người đó và gia đình có được hưởng chế độ gì hay không.
Đối với Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), ĐB Hoàng Thị Thúy Lan kiến nghị quy định chặt chẽ hơn về tỉ lệ quỹ đất dành cho giao thông đường bộ trong đô thị, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.
Bởi theo bà Hoàng Thị Thúy Lan, hiện nay các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, quỹ đất dành cho giao thông đường bộ chưa đạt tỉ lệ theo yêu cầu, trong khi đó tốc độ đô thị hóa rất nhanh, gây ra tình trạng tắc đường, các điểm nghẽn giao thông.
ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) trong phần thảo luận cũng cho rằng, ban soạn thảo Dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) cần nghiên cứu thêm về chính sách phát triển giao thông thông minh, phù hợp với xu thế hiện nay. Đồng thời, bổ sung hệ thống đèn cảnh báo giao thông tự động vào trong luật để làm cơ sở cho công tác quản lý.