CSGT Quảng Nam chốt chặn ở nhiều tuyến quốc lộ bị ngập để điều tiết giao thông
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua, một số tuyến đường huyết mạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn ngập sâu. Một số vị trí trên Quốc lộ 1A nước lũ dâng cao, người và phương tiện đi lại khó khăn, lực lượng CSGT tỉnh Quảng Nam bố trí lực lượng chốt chặn, phân luồng đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Sáng nay (16/10), tại điểm giao giữa Quốc lộ 1A và đường xuống khu công nghiệp Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ ngập sâu. Nước lũ tràn mặt đường đúng thời điểm công nhân đến khu công nghiệp làm việc, nhiều người không dám chạy xe máy qua vì sợ chết máy, một số người chọn cách dắt xe đi qua đoạn ngập lụt.
Đến 10h trưa nay, Quốc lộ 1A đoạn huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam tại Km987+500 đến Km988+650 nước ngập sâu, phương tiện qua lại khó khăn. Thượng tá Phan Thanh Hồng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, từ 22h ngày 15/10 lực lượng cảnh sát giao thông đã được bố trí chốt chặn 2 đầu, phân luồng, điều tiết giao thông để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
“Chúng tôi vừa nắm tình hình, vừa chủ động triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng mọi phương án để đảm bảo giao thông trên các tuyến cả đường bộ, đường sắt và đường thủy. Phải đảm bảo việc lưu thông, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến trọng điểm tại tỉnh Quảng Nam trong mùa mưa này”, Thượng tá Phan Thanh Hồng cho hay.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo nhanh về công tác triển khai ứng phó với mưa lũ và vùng áp thấp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Quảng Nam đã di dời, sơ tán hơn 110 hộ dân nằm trong vùng bị ngập và sạt lở. Mưa lớn cũng làm sạt lở, hư hỏng và ngập cục bộ nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, tuyến đường xã, huyện, tỉnh. Hơn 500m bờ biển tại Hội An bị sạt lở...
Theo dự báo, từ ngày 16-18/10, tại tỉnh Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa các địa phương vùng núi phía Bắc phổ biến từ 80-200 mm, có nơi trên 250 mm; các địa phương vùng đồng bằng ven biển và vùng núi phía Nam phổ biến từ 100-250 mm, có nơi trên 300 mm. Mưa lớn gây ra nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ; gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư.