CSGT quật ngã, đạp người vi phạm: Trường hợp nào được trấn áp bằng vũ lực?
Từ việc một cán bộ CSGT ở TPHCM quật ngã, đạp chân vào mặt người vi phạm giao thông, dư luận đặt câu hỏi, trường hợp nào được sử dụng vũ lực?
Thông tin về vụ việc CSGT quật ngã, dùng chân đạp vào mặt người vi phạm tại giao lộ Ký Con - Võ Văn Kiệt (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM), Phòng CSGT đường sắt, đường bộ (CA TP.HCM) cho biết, do người điều khiển xe máy vi phạm giao thông, không chấp hành hiệu lệnh mà cố tình tăng ga bỏ chạy tông vào cán bộ CSGT này.
Sau vụ việc trên, dư luận đặt câu hỏi: Trường hợp nào CSGT được dùng vũ lực để trấn áp người vi phạm giao thông?
Hình ảnh vụ việc.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, dù nguyên nhân gì nhưng diễn biến trong đoạn clip ghi lại cho thấy cán bộ CSGT khống chế người vi phạm giao thông bằng cách quật ngã, và “bằng giầy” như vậy là hình ảnh không đẹp, thậm chí còn sử dụng vũ lực quá mức cần thiết. Do đó, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến và hậu quả để có căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
“Đoạn clip chỉ thể hiện một phần sự việc nhưng đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Bởi hình ảnh trong clip cho thấy, cán bộ CSGT đã có hành vi khống chế, kẹp cổ, quật ngã và đè người tham gia giao thông xuống đường rồi dùng chân đạp vào phần mặt, vai của người đàn ông này. Dù chỉ là một phần sự việc, chưa rõ nguyên nhân và diễn biến trước đó nhưng hành vi đạp giầy vào mặt, vào ngực người tham gia giao thông khi họ đã nằm xuống đường là hành vi "không đẹp", chống trả là quá mức cần thiết”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Theo Luật sư Cường, pháp luật quy định, mọi người khi tham gia giao thông đều phải chấp hành hiệu lệnh của của lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ và lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Nếu người tham gia giao thông không chấp hành, thậm chí có hành vi chống trả, tấn công lại lực lượng chức năng thì lực lượng chức năng có quyền sử dụng vũ lực để khống chế, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Người thi hành công vụ có quyền sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ, thậm chí có quyền sử dụng vũ khí theo quy định của Luật quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để khống chế, bắt giữ đối tượng vi phạm pháp luật hình sự, xử lý người vi phạm khi có hành vi chống đối, chống người thi hành công vụ, đảm bảo an toàn cho tính mạng, sức khỏe của nhân dân.
Hành vi cản trở người thi hành công vụ, chống người thi hành công vụ là những hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi xảy ra hành vi chống người thi hành công vụ thì CSGT đang thực hiện nhiệm vụ có quyền sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để không chế, bắt giữ người vi phạm.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, CSGT cũng có quyền bắt giữ những đối tượng phạm tội quả tang, những nghi phạm trong các vụ án hình sự. Khi thực hiện việc bắt giữ có thể sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ một cách cần thiết để khống chế, bắt giữ đối tượng.
Pháp luật nghiêm cấm sử dụng vũ lực ngoài các trường hợp mà pháp luật cho phép. Hành vi sử dụng vũ lực gây thương tích cho người dân, người tham gia giao thông trong những tình huống không nhất thiết, sử dụng vũ lực là hành vi vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật, người vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật và phải chịu các chế tài của pháp luật.
Mời độc giả xem video ghi lại vụ việc CSGT quật ngã người vi phạm:
“Hành vi của cán bộ CSGT có thể gây ra thương tích cho người tham gia giao thông. Bởi vậy, cùng với việc cần rút kinh nghiệm, nếu người vi phạm có khiếu kiện, cơ quan chức năng cần phải khách quan, thận trọng trong việc xem xét đánh giá nguyên nhân sự việc, đánh giá diễn biến hành vi, nhận thức, ý thức chủ quan của các bên và hậu quả xảy ra để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật”, luật sư Cường nêu ý kiến.