'CSGT trạm Tân Túc không vượt giới hạn ứng xử khi bị đánh'
Lãnh đạo Phòng CSGT TP.HCM khẳng định 2 chiến sĩ ở trạm Tân Túc không vượt giới hạn ứng xử với người dân. Ông cũng cho biết việc cảnh sát bị đánh không phải chưa có tiền lệ.
Liên quan nhóm người tấn công cán bộ CSGT Tân Túc, trung tá Đoàn Văn Quới, Phó phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, cho biết đơn vị vừa thăm hỏi, động viên 2 chiến sĩ trong vụ việc vào sáng 3/12.
Theo ông Quới, đây không phải lần đầu CSGT bị người dân có lời lẽ khích bác, tấn công trong lúc làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, lực lượng CSGT phải có cách ứng xử linh hoạt, tránh xảy ra xô xát khi người dân quá khích.
Lãnh đạo PC08 cũng khẳng định trong sự việc lần này, đại úy Hồ Trọng Nghĩa và thượng úy Huỳnh Phúc Đạt đã làm đúng trách nhiệm. Đối với nhóm người tấn công, PC08 đã phối hợp lực lượng chức năng, công an huyện làm rõ.
Ông Quới xác nhận những người tấn công cảnh sát có nồng độ cồn trong người. Tuy nhiên hành vi trên không còn là vi phạm hành chính mà đã có dấu hiệu hình sự.
Chiều cùng ngày, Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM) bắt khẩn cấp Trần Hoàng An (26 tuổi) và Trần Văn Út (31 tuổi, chú ruột An, cùng quê Bạc Liêu), đồng thời củng cố hồ sơ 4 người liên quan vụ việc trên.
Ngày 1/12, đại úy Hồ Trọng Nghĩa và thượng úy Huỳnh Phúc Đạt làm nhiệm vụ trên đường Nguyễn Văn Linh, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh. Khi đó, Trần Hoàng An (26 tuổi, quê Bạc Liêu) chạy xe ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm. Thấy CSGT, An dừng xe cách đó khoảng 15 m rồi lấy điện thoại quay video.
Đại úy Nghĩa tới gần chỗ An nhắc nhở thì người này to tiếng, đánh vào mặt cán bộ làm nhiệm vụ.
Chứng kiến sự việc, Lê Văn Hoàng (sống gần đó) chạy về báo cho mẹ và em gái của An. Hai người này sau đó cùng Trần Văn Quy (23 tuổi) chạy đến hỗ trợ.
Quy lấy xe máy chở An và Út rời khỏi hiện trường. Khi thượng úy Đạt đứng đầu xe ngăn cản thì bị Quy tông ngã. Còn Hoàng lấy xe máy của An mang về phòng trọ.