CSGT vào tận vườn tuyên truyền, nhưng để xe quá tải 'lọt lưới' trên đường?
Tròn 1 quý, CSGT toàn tỉnh Kon Tum chỉ xử lý 6 xe quá tải, quá khổ, nhưng không khó để phát hiện xe này nghênh ngang từ đường xã đến đường HCM.
Xe TTKS của Đội CSGT Công an TP.Kon Tum vào tuyên truyền "chớp nhoáng" ở đường đất nông trường Ia Chim. (Ảnh cắt clip trưa ngày 7/4)
CSGT vào tận nông trường “tuyên truyền”?
Từ phản ánh của người dân, những tuần đầu tháng 4/2021, PV Báo Giao thông ghi nhận trên nhiều tuyến đường liên xã, tỉnh lộ 671, đường HCM qua địa bàn Kon Tum, không khó để phát hiện các loại xe tải chở vật liệu xây dựng, nông sản, xe công nông… có dấu hiệu quá tải, quá khổ, vi phạm lưu thông vô tư ngược xuôi, ra vào khu san lấp dự án dân cư, nhà máy sản xuất gỗ.
Theo chân đoàn xe này, PV đến địa chỉ nông trường Ia Chim (xã Ia Chim, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đang tấp nập các hoạt động cưa cắt, đốn hạ, khuôn khúc cao su lên các thành thùng xe. Tại đây, có cả chục công nhân, gần 10 đầu xe tải chủ yếu loại 3-4 chân (trục) xếp hàng chờ nhận cao su thanh lý.
Hơn 9h sáng ngày 7/4, các xe tải BKS 37S - 8030, 82K - 3946, 82C - 03426, 81C - 07754, 81C - 15924, 82H 00039… đang hối hả nhận hàng. Nhìn mắt thường cũng thấy các xe này đều cơi nới thành thùng. Hàng chục cây cao su cắt khúc 1m được xếp cao quá thành thùng.
Trong vai nhà xe mới đang vào xin việc, cánh tài xế thản nhiên hướng dẫn: ở đây tài xế được trả công theo chuyến. Nếu chạy ở Kon Tum thì 300.000 đồng/chuyến, đi về Gia Lai thì tính theo cước khoảng 260.000 đồng/tấn. Công nhân bốc vác được trả 30-40.000 đồng/tấn.
Theo nhóm phu cao su này, hầu hết mọi người đều làm thuê cho ông D., một số khác thì cho đơn vị ở Gia Lai. Các xe phải chở quá tải mới “có lời”. Nếu xe 2 chân chở được 12-14 tấn, xe 3 chân chở được trên dưới 30 tấn, xe 4 chân chở trên dưới 40 tấn.
Trích xuất dữ liệu đăng kiểm, hầu hết các xe này đều quá tải trọng trên dưới 100%. Điển hình, tài xế xe tải 4 chân BKS 81C - 077.54 bảo mình chở hơn 30 gần 40 tấn cây cao su. Trong khi đó, trích xuất dữ liệu đăng kiểm, xe này chỉ có tải trọng cho phép 17 tấn (quá tải trên 100%). Riêng xe 82H - 000.39 không có trong dữ liệu đăng kiểm quốc gia.
Ngay khi xe CSGT rời đi, những chiếc xe chở quá tải, quá khổ vô tư lưu thông ra tỉnh lộ. (Ảnh chụp trưa 7/4)
Đáng nói, khi hoạt động bốc xếp hàng tại nông trường Ia Chim đang nhộn nhịp, khoảng gần 10h ngày 7/4, bất ngờ một ô tô bán tải chuyên dụng của CSGT mang BKS 82A - 002.15 bất ngờ lưu thông vào đường đất nông trường. Chiếc xe đi vào tận khu vực đang khai thác. Nhưng chỉ ít phút sau, khi phát hiện người dân dùng điện thoại quay phim, chiếc xe CSGT này bắt quay đầu, đi lại tra hỏi.
Cả hai CSGT bước xuống đề nghị xem điện thoại và xóa hình ảnh, video xe CSGT đang vào nông trường. Sau hồi thuyết phục bất thành, chiếc xe CSGT này mới rời đi. Nhưng ngay sau đó, những chiếc xe tải chở hàng quá thành thùng vô tư nối đuôi theo đường đất, đi ra tỉnh lộ 671.
Nhưng “không thể xử lý xe quá tải”, vì sao?
Hơn 18h ngày 6/4, phát hiện 2 xe tải BKS 36C - 125.98 và xe Biển số Lào đang đứng bên vệ đường nông trường, PV trong vai tài xế dò hỏi, được các lái xe cho biết đang “căn đường” (lịch chốt TTKS) để về An Khê (Gia Lai). Theo các tài xế, họ chở củi, xe 4 chân lên chở hơn 40 tấn. “Mình chở mỗi tấn được 260.000 đồng, tự bao xe. Gặp CSGT thì mất 400 - 600.000 đồng. Nếu lọt được thì mới có lời lãi”, anh này nói.
Lời tài xế chưa thể kiểm chứng nhưng có một thực tế, suốt các hành trình bám theo đoàn xe chở cao su quá khổ, quá tải ngược xuôi sang cả Gia Lai đều không bị các cơ quan chức năng, TTKS xử lý vi phạm.
Điển hình hơn 13h ngày 7/4, xe tải BKS UN-12.29 từ nông trường Ia Chim theo hành trình trên trực chỉ hướng Gia Lai. Hành trình gần cả 100km qua các tuyến quản lý của CSGT (Công an TP.Kon Tum), TTGT và CSGT Công an tỉnh Kon Tum đến CSGT công an Gia Lai… nhưng đều không có chốt TTKS dù đang trong giờ hành chính.
Đáng kể, thống kê của Phòng CSGT tỉnh Kon Tum, trong Quý I/2021, lực lượng CSGT toàn tỉnh phát hiện 8.290 trường hợp vi phạm về TTATGT, nhưng chỉ có 4 trường hợp chở hàng quá tải và 2 trường hợp chở hàng quá kích thước xe.
Kết quả của tổ công tác liên ngành gồm CSGT và TTGT thực hiện nhiệm vụ tại Trạm cân lưu động số 54 (đường Hồ Chí Minh, xã Hòa Bình, TP.Kon Tum) cho thấy đến ngày 1/3, trạm cân lưu động chỉ phát hiện 4 trường hợp vi phạm.
Theo đánh giá, những con số này quá ít ỏi so với thực trạng xe cơi thùng, dấu hiệu chở quá tải hoạt động trên địa bàn.
Nhìn mắt thường dễ thấy xe quá tải, cơi nới thành thùng lưu thông từ tỉnh lộ 671. (Ảnh chụp trưa 7/4)
Đến đường HCM từ Kon Tum sang Gia Lai, nhưng không bị TTKS, xử lý vi phạm quá tải, cơi nới thành thùng.
Trực tiếp cung cấp hình ảnh xe chở cao su, nông sản quá tải với Trung tá Lê Quang Chính, Phó phòng CSGT công an tỉnh Kon Tum, vị Trung tá này nhận định xe có dấu hiệu vi phạm. Ngay sau đó, Trung tá Chính gọi điện thoại yêu cầu cấp dưới tăng cường tuần tra kiểm soát trên tuyến đường từ đường HCM từ Kon Tum đi Gia Lai.
Đáng kể, trường hợp ô tô của lực lượng CSGT TP. Kon Tum BKS 82A 002.15 “tuần tra” trong đường nông trường Ia Chim, Trung tá Nguyễn Tăng Trung, Đội trưởng đội CSGT công an TP. Kon Tum xác nhận đây là chiếc xe của lực lượng công an TP. Kon Tum.
“Qua tuần tra kiểm soát thì đội CSGT thành phố phát hiện việc khai thác cây cao su, để đảm bảo ATGT, đội đã cử cán bộ đến địa bàn khai thác để tuyên truyền, nhắc nhở chủ phương tiện không chở quá khổ quá tải”, Trung tá Trung nói.
Tuy nhiên, điều này hoàn toàn trái với ghi nhận thực tế, khi xe 82A - 002.15 chỉ vào hiện trường vài phút làm sao có thể “tổ chức tuyên truyền”(?). Bên cạnh đó, dù ghi nhận trực tiếp nạn xe quá khổ, quá tải đang hoạt động và sẽ lưu thông bằng đường tỉnh 671 “độc đạo”, nhưng trong ngày 7/4, đội CSGT không phát hiện và xử lý được trường hợp vi phạm nào.
Trung tá Trung cho hay: “Đội chỉ xử lý những trường hợp xe quá khổ chứ không xử lý được xe quá tải. Trong thời gian ngày 7/4, đội không phát hiện và xử lý trường hợp xe quá khổ chở cây cao su lưu thông trên tuyến đường đơn vị được giao tuần tra kiểm soát”.