CTCP Gỗ An Cường: Dẫn đầu ngành ván gỗ trang trí, định giá hấp dẫn trong chu kỳ hồi phục bất động sản
CTCP Gỗ An Cường (ACG) sở hữu vị thế đầu ngành trong phân khúc gỗ trang trí trung – cao cấp với hơn 50% thị phần nội địa. Trong bối cảnh bất động sản dần phục hồi và định giá cổ phiếu đang thấp hơn trung bình ba năm, ACG được Vietcap khuyến nghị 'MUA' với tổng mức sinh lời kỳ vọng gần 32%.
CTCP Gỗ An Cường là nhà sản xuất ván gỗ trang trí dẫn đầu tại thị trường Việt Nam, phục vụ chủ yếu cho các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng và đơn vị thiết kế nội thất. Tính đến quý II/2025, công ty có vốn hóa gần 5.700 tỷ đồng, với 90% cổ phần do các cổ đông chiến lược nắm giữ gồm Chủ tịch HĐQT, Sumitomo Forestry và Whitlam Holdings (liên doanh giữa VinaCapital và KFW DEG).
Trong hoạt động đầu tư ngoài ngành, ACG từng sở hữu 30% vốn điều lệ tại CTCP Thắng Lợi Homes, tương ứng giá trị đầu tư 396,03 tỷ đồng tại thời điểm 31/3. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã thông qua kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ 4.716.000 cổ phiếu Thắng Lợi Homes và ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT thực hiện các thủ tục liên quan. Đáng chú ý, Thắng Lợi Homes là đơn vị cùng liên danh với Gỗ An Cường và Xây dựng Central tham gia dự án Khu đô thị Bình An Đức Hòa (13,2 ha, vốn đầu tư sơ bộ 9.292 tỷ đồng) tại tỉnh Long An, có quy mô dân số hơn 10.000 người và sản phẩm chủ lực là chung cư thương mại.

Năm 2025, Vietcap dự báo lợi nhuận cốt lõi của ACG giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ, do tác động từ chính sách thuế của Mỹ khiến biên lợi nhuận gộp giảm còn 30,2%. Tuy nhiên, doanh thu vẫn tăng khoảng 7%, chủ yếu nhờ thị trường trong nước giữ vững đà ổn định. Mỹ hiện chỉ chiếm khoảng 12% doanh thu nên mức độ ảnh hưởng được đánh giá là có thể kiểm soát. Các khách hàng lớn trong nước như Novaland, Vinhomes, Hưng Thịnh, Coteccons và Ricons vẫn đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu doanh thu.
Giai đoạn 2026–2027, triển vọng tích cực hơn nhờ nhu cầu nội thất gia tăng khi các dự án bất động sản bắt đầu bàn giao trở lại. Doanh thu trong nước dự kiến tăng lần lượt 9% và 10%/năm, trong khi xuất khẩu được kỳ vọng tăng 12%/năm, dù có chậm lại so với giai đoạn trước do tiêu dùng toàn cầu yếu. Lợi nhuận cốt lõi tăng trưởng dự kiến 17% và 15% trong hai năm tới. ACG tiếp tục duy trì biên lợi nhuận ròng ổn định quanh mức 13,5–13,6% và ROE trên 13%, cho thấy khả năng sinh lời bền vững.

Rủi ro từ nợ phải thu quá hạn chủ yếu đến từ khách hàng lớn trong ngành bất động sản đang được kiểm soát chặt. Tính đến cuối quý I/2025, Novaland còn nợ 390 tỷ đồng, trong đó ACG đã trích lập 117 tỷ đồng dự phòng và đã nhận lại 14 căn shophouse làm tài sản đảm bảo. Công ty chưa ghi nhận hoàn nhập nhưng Vietcap cho rằng việc xử lý tài sản thành công trong tương lai có thể tạo dư địa lợi nhuận bổ sung, dù yếu tố này chưa được đưa vào mô hình định giá.
Tại thời điểm báo cáo, cổ phiếu ACG đang giao dịch với P/E trung bình 2025–2026 là 9,5 lần, thấp hơn đáng kể so với trung bình ba năm là 13,3 lần. Vietcap khuyến nghị MUA, với giá mục tiêu 45.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời 31,9% bao gồm cổ tức tiền mặt dự kiến 4,7% trong năm 2025.

Tại thời điểm báo cáo, cổ phiếu ACG đang giao dịch với P/E trung bình 2025–2026 là 9,5 lần, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình ba năm là 13,3 lần. Mức định giá này cũng thấp hơn so với trung bình ngành trong nước và quốc tế (dao động từ 12–16 lần), phản ánh tiềm năng tăng giá đáng kể nếu ngành bất động sản phục hồi rõ nét hơn.
Vietcap khuyến nghị MUA, với giá mục tiêu 45.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời 31,9%, bao gồm cổ tức tiền mặt dự kiến 4,7% trong năm 2025.