Cứ 1.000 trẻ được sinh ra ở Việt Nam thì có 68 trẻ bị phá bỏ
Thông tin trên vừa được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết tại hội nghị nhân Ngày Tránh thai thế giới 26.9 với chủ đề 'Thực hiện kế hoạch hóa gia đình vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước'.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, kết quả điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020 - 2021 do Tổng cục Thống kê, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) thực hiện cho thấy, tổng nhu cầu không được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình đối với phụ nữ đã kết hôn hoặc sống chung là 10,1%, cao hơn so với 6,1% của điều tra tương tự năm 2014.
Đối với phụ nữ có quan hệ tình dục, hiện chưa kết hôn hoặc không sống chung như vợ chồng, tổng nhu cầu kế hoạch hóa gia đình không được đáp ứng là 40,7%, cao hơn nhiều so với phụ nữ đã kết hôn hoặc sống chung. Nhu cầu không được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và tỷ lệ phá thai cao. Mang thai ngoài ý muốn chiếm hơn một nửa số ca phá thai (53,6%). Đặc biệt, tỷ suất phá thai là 68 ca trên 1.000 ca sinh ra sống. Điều này có nghĩa là cứ 1.000 trẻ được sinh ra có 68 trẻ bị phá bỏ.
Nghiên cứu đánh giá chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam do UNFPA thực hiện năm 2016 cho thấy, phá thai lặp lại còn khá phổ biến. Khoảng 17,4% phụ nữ cho biết đã từng phá thai trong cuộc đời của mình. Trong số những phụ nữ này, 73,1% đã từng phá thai một lần trong đời, 21,8% đã từng phá thai 2 lần và 5,1% đã từng phá thai ít nhất 3 lần trong đời.
Về tỷ lệ phá thai theo độ tuổi (ASAR), các ước tính trong điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020 - 2021 cho thấy, tỷ lệ phá thai cao nhất ở phụ nữ từ 25-29 tuổi (9 lần/1.000 phụ nữ, nghĩa là cứ 1.000 phụ nữ có 9 lần phá thai), tiếp theo là nhóm từ 20-24 tuổi (7 lần/1.000 phụ nữ), nhóm từ 30-39 tuổi (6 lần/1.000 phụ nữ). Nhóm vị thành niên từ 15-19 tuổi có tỷ lệ phá thai là 1 lần/1.000 phụ nữ.
Việc phá thai trên, theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là phá thai trong tình trạng không an toàn sẽ khiến phụ nữ bị rong huyết do không lấy hết toàn bộ phần phôi thai; rách cổ tử cung do thao tác thực hiện thô bạo, không đúng kỹ thuật gây viêm nhiễm, trường hợp nặng hơn có thể gây băng huyết đe dọa đến tính mạng của thai phụ; tắc vòi trứng, viêm nội mạc tử cung do dụng cụ không được tiệt trùng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và có thể dẫn đến vô sinh; rối loạn kinh nguyệt hoặc không có kinh nguyệt do viêm dính tử cung; thủng tử cung; sốc do đau, do dùng thuốc trong quá trình thực hiện thủ thuật…
Đánh giá về chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, ông Tú cho biết nhờ chương trình này Việt Nam đã hạn chế việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua, đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội. Theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu chi 1 USD cho kế hoạch hóa gia đình thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội. Kết quả công tác dân số kế hoạch hóa gia đình đã làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước.
Do đó, ông Tú cho rằng trong thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về kế hoạch hóa gia đình vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số, nhất là nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai.
Bên cạnh đó cũng thực hiện xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai, đảm bảo tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau. Qua đó dần xóa bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình giữa các vùng địa lý khác nhau nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào hiện đang sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa.