Cụ bà 80 tuổi 'khốn đốn' vì trót mua thẻ nghỉ dưỡng tại Archi Group

Bà Mai (gần 80 tuổi, Hà Nội) rút từng đồng tiền tiết kiệm để mua thẻ nghỉ dưỡng của Công ty cổ phần tập đoàn Archi (Archi Group).

Rút hết tiền tiết kiệm mua thẻ nghỉ dưỡng

Những ngày đầu tháng 3/2024, Người Đưa Tin nhận được phản ánh từ bà Trần Thị Tuyết Mai (gần 80 tuổi, Hà Nội) về việc bà gặp nhiều khó khăn sau khi mua bán hợp đồng thẻ nghỉ dưỡng của Công ty cổ phần tập đoàn Archi (Archi Group).

Chia sẻ với PV, bà Mai tỏ rõ sự bức xúc, bởi ở cái tuổi nhẽ ra được hưởng sự an nhàn thì lại bị “hành lên hành xuống”, phải đi đi lại lại nhiều lần chỉ vì lời hứa mua thẻ nghỉ dưỡng với Công ty cổ phần tập đoàn Archi thì đơn vị này sẽ đứng ra mua cho bà những thẻ nghỉ dưỡng của đơn vị khác mà bà đang sở hữu. Cùng với lời hứa chắc nịch, khi bà mua xong hợp đồng sau 5-7 ngày sẽ bán ngay, hoàn tiền vốn lại rất nhanh và có kèm "lãi".

Bà Mai mua 3 hợp đồng mua bán sản phẩm thẻ nghỉ dưỡng của Archi Group.

Bà Mai mua 3 hợp đồng mua bán sản phẩm thẻ nghỉ dưỡng của Archi Group.

Bà Mai kể, tháng 8/2023, bà Mai nhận được cuộc điện thoại của một người tên Tùng Dương, tự xưng là Phó Giám đốc của tập đoàn Archi. Nắm bắt tâm lý bà Mai muốn bán một số hợp đồng thẻ nghỉ dưỡng của một đơn vị khác mà bà đã mua trước đó, người này liên tục mời chào, tư vấn mục đích nhằm để bà Mai đồng ý mua thẻ nghỉ dưỡng của Tập đoàn Archi.

Tại chi nhánh của công ty ở Royal City, bà Mai được Tùng Dương tư vấn, người này cho biết tập đoàn (tức Archi – PV) đang có gói kích cầu 5 tỷ đồng. Nhưng để tập đoàn mua lại kỳ nghỉ của bà Mai thì bà Mai buộc phải mua thẻ nghỉ dưỡng của tập đoàn Archi.

“Khi đó tôi không còn tiền, có chút tiền tiết kiệm gửi ngân hàng và tiền con gửi nên tôi đã rút ra để mua thẻ nghỉ dưỡng”, bà Mai nói và cho biết thậm chí bà cũng phải đi vay thêm để đóng.

Phiếu thu bà Mai nộp tiền vào Archi Group.

Phiếu thu bà Mai nộp tiền vào Archi Group.

Vậy là sau những lời khẳng định chắc nịch sẽ mua và giải quyết nhanh chóng cho bà Mai, ngày 6/10/2023 bà Mai ký hợp đồng mua bán thẻ nghỉ dưỡng với Công ty cổ phần tập đoàn Archi có giá trị 290 triệu đồng.

Sau hợp đồng đầu tiên, Tùng Dương tiếp tục nói với bà Mai nếu muốn giải quyết nhanh thì tiếp tục mua hợp đồng thứ hai vào ngày 16/10/2023 với giá trị 240 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, người này còn tiếp tục yêu cầu bà Mai mua thêm hợp đồng thứ 3 có giá trị 290 triệu đồng. Tuy nhiên, vì đã dồn hết tiền tiết kiệm đóng cho hai hợp đồng nêu trên nên bà Mai chỉ đóng được 30% hợp đồng với số tiền 87 triệu đồng.

“Cứ sau mỗi hợp đồng, cậu ấy nói chỉ sau 5-7 ngày là có thể giải quyết tất toán được số tiền mà tôi đã đóng vào. Nhưng, từ bấy cho đến nay tôi gọi điện đều hẹn là chờ và chờ nhưng không có hồi âm”, bà Mai nói.

Bà Mai tìm đến trụ sở chính của Công ty cổ phần tập đoàn Archi tại Tầng 29, tòa nhà Lotte Centre Hà Nội nhưng bà rất bất ngờ vì công ty không có ai.

Bà Mai tìm đến trụ sở chính của Công ty cổ phần tập đoàn Archi tại Tầng 29, tòa nhà Lotte Centre Hà Nội nhưng bà rất bất ngờ vì công ty không có ai.

Cụ bà U80 chia sẻ, vì quá sốt ruột nên tháng 3/2024 bà đã đến trụ sở chính của Công ty cổ phần tập đoàn Archi tại Tầng 29, tòa nhà Lotte Centre Hà Nội, 54 Liễu Giai, Phường Cống Vị, Quận Ba Đình, Tp.Hà Nội. Nhưng khi đến đây, bà được nhân viên của tòa nhà cho biết Tập đoàn có đặt trụ sở ở đây nhưng rất ít khi có người đến.

Ngày 16/5/2024, bà Mai tiếp tục tìm đến B2, R6, Royal City – nơi bà đã ký hợp đồng mua bán trước đó để phản ánh. Tại đây bà được một người tên Tiến – giới thiệu là bộ phận hỗ trợ khách hàng của Tập đoàn tiếp nhận sự việc và có nói sẽ báo cáo lên lãnh đạo. Sau một tuần bà Mai gọi điện lại cho Tiến thì người này vẫn nói là “chờ, sếp bận không phải lúc nào cũng gặp được…”.

Bà Mai tiếp tục tìm đến B2, R6, Royal City – nơi bà đã ký hợp đồng mua bán trước đó.

Bà Mai tiếp tục tìm đến B2, R6, Royal City – nơi bà đã ký hợp đồng mua bán trước đó.

Theo lời bà Mai, người tên Tùng Dương trong quá trình tư vấn, dụ bà mua hợp đồng thẻ nghỉ dưỡng còn không ngừng gọi điện hoặc để bà Mai nói chuyện với người nước ngoài, dù cho bà không hiểu ngôn ngữ nhằm tăng độ uy tín, tin tưởng.

“Tôi đã rất nhiều lần gọi điện cho nhân viên của tập đoàn với mong muốn xem tiến độ giải quyết hợp đồng của tôi đến đâu nhưng nhận lại chỉ là “chờ”, “bà để ý điện thoại sẽ có kế toán bên cháu gọi và mất hút”, bà Mai bức xúc và cho biết đến thời điểm hiện tại bà vẫn chưa dám nói cho người nhà biết.

Giờ đây, bà Mai chỉ mong muốn lấy lại được số vốn trong ba cuốn hợp đồng mà bà đã đóng tại Archi Group để trả nợ. Đồng thời, khi chia sẻ sự việc của mình bà Mai cũng hy vọng không người lớn tuổi nào phải rơi vào trường hợp như bà.

Liên quan đến trường hợp nêu trên, ngày 12/6, PV Người Đưa Tin đã đến liên hệ làm việc với Công ty Cổ phần tập đoàn Archi tại trụ sở chính tại Tầng 29, tòa nhà Lotte Center Hà Nội, 54 Liễu Giai, Phường Cống Vị, Quận Ba Đình, Hà Nội. Tuy nhiên, tại đây PV được nhân viên của tòa nhà cho biết Tập đoàn có đặt trụ sở tại đây nhưng không có người của công ty ở đây và được chỉ đến chi nhánh tại B2, R6, Royal City. Tại đây, PV được “quản lý chung” của đơn vị cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo và trao đổi sau.

Phát hiện có dấu hiệu lừa đảo cần xử lý nghiêm

Liên quan đến việc không ít người cao tuổi “sập bẫy” sở hữu kỳ nghỉ dưỡng, mua thẻ nghỉ dưỡng. ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu đoàn Hải Dương cho biết, thẻ nghỉ dưỡng để sở hữu kỳ nghỉ là hình thức không mới, các nước trên thế giới đã làm rất nhiều nhưng ở Việt Nam thì mới xuất hiện. Với sự chào mời "có cánh", không ít người dân đã bỏ những khoản tiền không nhỏ để sở hữu kỳ nghỉ.

Theo bà Nga, trong hợp đồng thường các điều khoản hợp đồng dài, tương tự như hợp đồng mua bán bảo hiểm nên không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để đọc kỹ hợp đồng và không phải ai đọc kỹ cũng hiểu được tất cả các điều khoản trong hợp đồng.

“Không phải bên bán nào cũng tư vấn một cách nhiệt tình và có trách nhiệm đối với người mua. Hình thức này thường hướng đến đối tượng người cao tuổi”, bà Nga nói và cho biết có một số nguyên nhân các công ty thường hướng đến người cao tuổi.

Đó là, đối tượng người cao tuổi họ có thời gian để sở hữu những kỳ nghỉ; một bộ phận người cao tuổi cũng có kinh tế từ lương hưu, con cái hỗ trợ thêm; người cao tuổi cũng không nắm bắt được nhanh nhạy các thông tin mới trên mạng… đây là đối tượng hướng đến của nhiều dịch vụ khác nhau trong đó có sở hữu kỳ nghỉ.

Theo đại biểu, đã có nhiều chuyên gia lên tiếng về việc cân nhắc kỹ lưỡng trước khi bỏ một khoản tiền lớn ra để sở hữu kỳ nghỉ.

Đối với những người cao tuổi, ngoài sự cảnh báo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, rất cần mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa các thành viên trong gia đình.

Đối với các công ty bán thẻ nghỉ dưỡng, kỳ nghỉ dưỡng, đại biểu Nga nhấn mạnh: “Khi có dấu hiệu lừa đảo cần xử lý nghiêm. Cần rà soát tổ chức, cá nhân nào thực hiện không đúng các quy định của pháp luật để xử lý”.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga trao đổi với Người Đưa Tin.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga trao đổi với Người Đưa Tin.

Dưới góc nhìn pháp lý, TS.LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (đoàn luật sư Tp.Hà Nội) cho biết, người cao tuổi gặp rắc rối khi sở hữu thẻ nghỉ dưỡng của các công ty đã được báo chí phản ánh nhiều, nhưng những sự việc như trường hợp của bà Mai vẫn diễn ra kháphổ biếngây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.

“Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần phải thống kê, nghiên cứu, đánh giá để có những hình thức quản lý, cảnh báo, kiểm tra giám sát, tránh hình thức kinh doanh này có thể gây ra những tác động tiêu cực cho ngành du lịch, ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân”, LS.Cường nói.

Theo vị luật sư, nếu có tranh chấp xảy ra thì các bên có thể gửi đơn trình báo tới cơ quan điều tra hoặc khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

“Trường hợp qua xác minh có căn cứ cho thấy trong các giao dịch dân sự này đã có thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản thì sẽ khởi tố vụ án hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, LS. Cường nhấn mạnh.

Còn trường hợp qua xác minh cho thấy giao dịch là tự nguyện, thông tin các bên đưa ra là chính xác, không có chiếm đoạt thì cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự, nếu không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Bên cạnh đó, LS. Cường cũng cho biết thêm, trong các giao dịch dân sự, khách hàng thấy mình bị lừa dối, bị chiếm đoạt tài sản thì có quyền lưu lại các chứng cứ về giao dịch, chuyển tiền và về việc mình bị xâm phạm quyền lợi để trình báo với công an, xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp vụ việc không có dấu hiệu tội phạm mà chỉ là quan hệ dân sự thì có thể khởi kiện đến tòa án để đề nghị tuyên bố hợp đồng vô hiệu hoặc yêu cầu thực hiện hợp đồng và bồi thường thiệt hại nếu có. Tòa án sẽ thụ lý và giải quyết về tranh chấp hợp đồng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Công ty cổ phần tập đoàn Archi kinh doanh dịch vụ gì?

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, Công ty cổ phần tập đoàn Archi có mã số thuế 0102355153 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.Hà Nội cấp. Có địa chỉ trụ sở chính tại Tầng 29, tòa nhà Lotte Center Hà Nội, 54 Liễu Giai, Phường Cống Vị, Quận Ba Đình, Hà Nội. Đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Thành Trung – Tổng Giám đốc.

Theo thông tin trên website archi.vn, đơn vị này giới thiệu được thành lập năm 2007. Với gần 20 năm kinh nghiệm, Archi group đã triển khai các dự án du lịch nghỉ dưỡng; quy hoạch, trồng rừng; các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giống cây trồng cho năng suất và chất lượng cao.

Archi group phát triển trong các lĩnh vực: Bất động sản, du lịch, xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp. Trong đó, đơn vị này giới thiệu du lịch xanh đang là xu hướng và là lĩnh vực Archi hướng tới với các dự án du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Nhóm PV

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cu-ba-80-tuoi-khon-don-vi-trot-mua-the-nghi-duong-tai-archi-group-a669019.html