Cụ bà 98 tuổi vẫn đi học cùng các 'bạn' bằng tuổi chắt mình

Tiếp tục đến trường ở tuổi 98, cụ bà Kenya được cô giáo tín nhiệm giao nhiệm vụ quản lý lớp giữ trật tự trong giờ học.

Cụ Sitienei đã phá kỷ lục, trở thành người lớn tuổi nhất vẫn đang đi học tiểu học. Cụ nói rằng, chủ yếu cụ muốn đi đến trường để trở thành niềm khích lệ những người cao tuổi khác phấn đấu học tập. Cụ còn muốn áp dụng các kỹ năng làm vợ, làm mẹ vào việc học viết.

Cụ bà 98 tuổi năm nay học lớp 6. Ảnh: REUTERS.

Cụ bà 98 tuổi năm nay học lớp 6. Ảnh: REUTERS.

Trong một lớp học xây bằng đá đơn xơ ở vùng nông thôn Rift Valley tại Kenya, cụ bà Priscilla Sitienei, đang mải ghi chép cùng các bạn học sinh sau mình tới hơn… 8 thập kỷ.

Dù tuổi đã cao nhưng cụ Sitienei vẫn mặc đồng phục váy xám và áo len xanh của Trường dự bị Leaders Vision ở làng Ndalat, hạt Nandi, tỉnh Rift Valley. Cụ Sitienei cho biết muốn quay lại lớp học để làm gương cho các con cháu của mình và theo đuổi sự nghiệp mới.

“Tôi muốn trở thành bác sĩ vì tôi từng là 1 nữ hộ sinh”, cụ “học sinh U100” đang học lớp 6 nói với Reuters, đồng thời tiết lộ thêm rằng các con của cụ đều ủng hộ quyết định của mình.

“Tôi muốn nói với trẻ em khắp thế giới, đặc biệt là những bé gái, rằng kiến thức sẽ là tài sản vô cùng quý. Có kiến thức, các cháu sẽ có thể trở thành bất cứ gì mình muốn, một bác sĩ, một luật sư hay một phi công”, cụ bà nhắn nhủ.

Cũng tại quốc gia Đông Phi này, trước đây có một cụ ông mù chữ đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu, khi cụ vẫn đến lớp học để tự xóa mù chữ ngay sau khi chính phủ áp dụng chính sách hỗ trợ học phí tiểu học vào năm 2003. Được vinh danh là học sinh cao tuổi nhất thế giới ở thời điểm đó, cụ Maruge đã qua đời ở tuổi 90 vào năm 2009, khi còn 2 năm nữa mới hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học.

Cụ học sinh tiểu học Priscilla Sitienei ăn trưa với các bạn cùng lớp sau giờ học tại Trường dự bị Leaders Vision, làng Ndalat, hạt Nandi, Kenya, ngày 25/1/2022. Ảnh: REUTERS.

Cụ học sinh tiểu học Priscilla Sitienei ăn trưa với các bạn cùng lớp sau giờ học tại Trường dự bị Leaders Vision, làng Ndalat, hạt Nandi, Kenya, ngày 25/1/2022. Ảnh: REUTERS.

Giờ đây, cụ Sitienei tiếp tục khiến cả thế giới phải nhìn về Kenya. Năm ngoái cụ đã đến Paris để ra mắt bộ phim kể về hành trình cuộc đời mình có tựa đề “Gogo”, theo tiếng bản địa Kalenjin có nghĩa là “bà”. Cụ bà cũng sẽ sớm đến New York để ra mắt bộ phim này.

Đang trong năm thứ sáu tiểu học (cấp tiểu học ở Kenya từ lớp 1-6), cụ Sitienei cho biết, mục tiêu của mình thực tế hơn nhiều so với việc trở thành 1 ngôi sao điện ảnh.

Theo cụ Sitienei, bản thân đã có ý tưởng đi học trở lại khi chắt gái của mình bỏ học sau khi mang thai. “Tôi hỏi đùa rằng liệu nó có còn dư tiền hỗ trợ học phí ở trường không và nó nói có, vậy nên tôi bảo với chắt của mình rằng tôi sẽ dùng số học phí đó để bắt đầu đi học”.

Cụ hy vọng rằng chắt gái của mình sẽ tiếp tục việc học, nhưng khi cô gái từ chối, cụ đã quyết định tự mình đi học.

Dù tuổi cao nhưng cụ vẫn rất thích các hoạt động khác ở trường cùng với những chắt khác của mình, bao gồm cả các buổi học giáo dục thể chất.

Với kinh nghiệm sống nhiều năm, cụ thường được các giáo viên nhờ giữ trật tự cho lớp trong giờ học.

Cô Leonida Talaam, giáo viên chủ nhiệm lớp chia sẻ: “Tôi giao cho cụ làm giám sát lớp học để phát hiện những học sinh gây mất trật tự trong lớp. Do đó, cụ đã rất trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ này. Thậm chí khi tôi ra ngoài, cả lớp vẫn rất trật tự”.

Trước đó trên thế giới có một cụ ông 90 tuổi người Mỹ vừa trở thành cử nhân cao tuổi nhất trong lịch sử của Đại học Northeastern.

Cụ ông tốt nghiệp đại học ở tuổi 90.

Cụ ông tốt nghiệp đại học ở tuổi 90.

Cụ Bob Dwyer đã có một tuổi trẻ viên mãn với thành công trong sự nghiệp cá nhân cũng như trong việc nuôi dạy 9 người con của mình. Tuy nhiên, việc chưa hoàn thành lộ trình học dang dở của mình khi xưa ở đại học vẫn luôn khiến cụ trăn trở. Vì thế, cụ đã quyết tâm học để có chiếc bằng đại học ở cái tuổi xưa nay hiếm.

Đi học là một hành trình kéo dài suốt mười mấy năm và không hề dễ dàng gì. Nhưng việc học là con đường để giúp ta có một tương lai xán lạn hơn với một công việc ổn định. Bởi vậy, không ít các bạn trẻ đầu tư công sức, tiền của và những năm tháng thanh xuân của mình để học.

Trúc Chi (t/h theo Nhân Dân, VTV)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cu-ba-98-tuoi-van-di-hoc-cung-cac-ban-bang-tuoi-chat-minh-a542538.html