Cụ bà người Mỹ được xóa nợ sinh viên ở tuổi 86

Sau gần 20 năm cùng con gái gồng gánh khoản nợ sinh viên, bà Rebecca Finch cuối cùng cũng được xóa khoản nợ hơn 31.000 USD.

 Bà Rebecca Finch được xóa nợ sinh viên ở tuổi 86. Ảnh: CNBC.

Bà Rebecca Finch được xóa nợ sinh viên ở tuổi 86. Ảnh: CNBC.

Bà Rebecca Finch (86 tuổi, sống ở Mỹ) đã nhận được món quà tuyệt vời nhất cho dịp sinh nhật năm nay, đó là thông báo được xóa khoản nợ sinh viên trị giá hơn 31.000 USD.

Navient, công ty tư nhân cung cấp dịch vụ cho vay sinh viên tại Mỹ, gửi thư cho bà Rebecca vào ngày 28/9, nói rằng bà đủ điều kiện để được xóa nợ vì bà là người khuyết tật.

Để nhận được lá thư thông báo xóa nợ, người phụ nữ 86 tuổi đã phải trải qua hành trình rất dài và căng thẳng. Bà Sabrina Finch (53 tuổi), con gái của bà Rebecca, nói rằng việc tìm hiểu về chính sách xóa nợ rất khó, hai mẹ con bà đã phải vật vã trong thời gian dài.

Mẹ gánh nợ thay con

Tại Mỹ, hầu hết công ty tư nhân cho vay nợ sinh viên đều yêu cầu có người đồng ký. Người này có trách nhiệm pháp lý và tài chính tương đương người đứng ra vay nợ. Các công ty đặt ra chính sách này vì người vay - sinh viên - thường có lịch sử tín dụng mỏng hoặc gần như không có.

Ban đầu, bà Sabrina là người đứng ra vay và mẹ bà - bà Rebecca - là người đồng ký. Bà Rebecca đồng ý ký khoản vay vào năm 2007, khi con gái Sabrina đã ngoài 30 tuổi và đang đi học để trở thành y tá.

Gần 20 năm sau đó, hai mẹ con nhà Finch đều gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nên việc kiếm tiền trả nợ gặp nhiều khó khăn.

Vào năm 2023, bà Sabrina được chấp thuận hưởng trợ cấp khuyết tật do mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Người phụ nữ 53 tuổi nói rằng dù không thể làm việc, bà vẫn phải chịu trách nhiệm với khoản vay này.

Nhiều lần, bà Sabrina nghiên cứu về cách xóa nợ, nhưng không tìm được thông tin nào. Bà gọi đến công ty Navient liên tục, nhưng những cuộc gọi đó không đạt được kết quả.

Bất ngờ, vào một ngày, nhân viên công ty này đề cập đến chính sách xóa nợ cho người khuyết tật. Nhưng vấn đề đau đầu tiếp theo là phải thu thập đủ giấy tờ, bằng chứng để chứng minh khuyết tật.

Sau một thời gian thu thập tất cả tài liệu, bà Sabrina được miễn khoản vay vào tháng 5/2023. Nhưng trớ trêu là ngay sau đó, bên cho vay lập tức chuyển khoản nợ của bà cho mẹ đẻ là bà Rebecca Finch - khi đó đã 85 tuổi.

Dù đã trình bày với công ty là mẹ cũng gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, gồm bệnh tim mạch, đột quỵ, gặp vấn đề về nhận thức và có tiền sử gãy xương hông, bên cho vay vẫn từ chối và nói rằng trường hợp của bà Rebecca rất khó xóa nợ, dù nộp đủ tài liệu, hồ sơ cần thiết.

Bà Sabrina đã phải cầu cứu nhiều nơi và tìm đến CNBC với mong muốn chia sẻ câu chuyện của mẹ mình để được hỗ trợ. Kết quả, đến tháng 9 vừa qua, khoản vay của mẹ con nhà Finch đã được xóa hoàn toàn.

 Công ty Navient quyết định xóa nợ cho bà Rebecca vào tháng 9/2024. Ảnh: CNBC.

Công ty Navient quyết định xóa nợ cho bà Rebecca vào tháng 9/2024. Ảnh: CNBC.

Người khuyết tật vẫn phải gồng mình trả nợ

Câu chuyện của mẹ con bà Rebecca cho thấy một sự thật rằng tại Mỹ, việc xóa nợ sinh viên cho người đồng ký sẽ rất khó. Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng của Mỹ phát hiện rằng các công ty tư nhân cho vay nợ sinh viên đã từ chối 90% đơn xin miễn trừ cho người đồng ký. Số liệu này được thống kê vào năm 2015, theo CNBC.

Người đứng ra vay nợ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Khi chi phí giáo dục đại học tăng cao, những công ty tư nhân cho vay nợ sinh viên nhanh chóng phát triển.

Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển đó lại là sự thiếu bảo vệ. Các nhà bảo vệ người tiêu dùng cho biết khoản vay sinh viên tư nhân thường rất ít chính sách, biện pháp để bảo vệ người vay, dù người đi vay gặp vấn đề sức khỏe hoặc bị tàn tật.

Theo phân tích của chuyên gia giáo dục đại học Mark Kantrowitz, chỉ khoảng một nửa số tổ chức cho vay tư nhân cung cấp cho người vay nợ sinh viên cơ hội xóa nợ nếu họ bị tàn tật nghiêm trọng và không thể làm việc. Trong khi đó, tất cả khoản vay liên bang dành cho sinh viên đều đi kèm lựa chọn đó.

Điều đáng chú ý là ngay cả khi một tổ chức tư nhân cung cấp lựa chọn xóa nợ do tàn tật, thông tin này vẫn thường không được công khai rộng rãi.

Bà Carolina Rodriguez, giám đốc Chương trình hỗ trợ người tiêu dùng vay nợ giáo dục (EDCAP) nói rằng các công ty tư nhân cho vay nợ sinh viên đang thiếu sự minh bạch. Người đi vay cũng khó có thể liên hệ với công ty để tìm hiểu và được hỗ trợ về chính sách xóa nợ cho người khuyết tật.

Bà Anna Anderson, luật sư tại trung tâm luật người tiêu dùng quốc gia, cũng đã chứng kiến điều tương tự.

"Ngay cả những người vay được quyền hưởng chính sách này, họ vẫn rất, rất khó để tìm kiếm và nhận được cơ hội xóa nợ", nữ luật sư nói.

Sau khi được xóa nợ, bà Sabrina nói rằng mẹ con bà rất nhẹ nhõm vì không còn gánh nặng khổng lồ trên vai. Dù vậy, bà vẫn rất tức giận vì bà gặp khó khăn khi tìm hiểu về chính sách xóa nợ cho người khuyết tật.

"Ngoài kia cũng có rất nhiều người khuyết tật, đang đấu tranh để trả hết những khoản vay này. Tôi đảm bảo là các bên cho vay không hề cung cấp cơ hội xóa nợ cho những người thực sự cần được giúp đỡ", bà Sabrina nói thêm.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cu-ba-nguoi-my-duoc-xoa-no-sinh-vien-o-tuoi-86-post1508539.html