Cụ bà Việt kiều kêu cứu vì món nợ 'nhảy múa' (?!)
Bản án sơ thẩm của TAND quận Tân Bình (QTB) tuyên xử cụ Lê Thị Tiên (SN 1944, ngụ P7, QTB, TPHCM) phải trả cho bà Châu Thị Tuyết Lan (SN 1958, ngụ P4, QTB) 2,063 tỷ đồng. Còn Bản án phúc thẩm của TAND TPHCM buộc cụ Tiên trả bà Lan hơn 6,24 tỷ! Cho rằng án phúc thẩm xử oan sai, cụ bà liên tục kêu cứu và đề nghị xem xét giám đốc thẩm. Đơn của cụ đã được TAND Cấp cao và VKSND Cấp cao tại TPHCM tiếp nhận.
Từ sơ thẩm xử theo bị đơn…
Cụ Lê Thị Tiên trình bày: Cụ là người Việt Nam định cư tại Mỹ. Năm 2015, cụ có ý định mua một số hàng hóa từ Mỹ về Việt Nam bán để kiếm lời, trang trải cuộc sống, nên hỏi mượn của bà Châu Thị Tuyết Lan 300 triệu đồng, mỗi đợt 100 triệu có làm giấy mượn tiền (GMT), lãi "5 phân" (5%/tháng).
Tính đến ngày 27/11/2017, cụ đã vay của bà Lan nhiều lần với 1,47 tỷ đồng. Năm 2019, cụ vay thêm 305 triệu đồng để làm giấy tờ nhà căn nhà 87/26 Bành Văn Trân, P7, QTB, được UBND QTB cấp Giấy chứng nhận (GCN) số CHO 1288 ngày 14/10/2019. Tổng cộng, cụ đã vay của bà Lan 1,775 tỷ đồng. Cuối năm 2021, cụ đồng ý bán nhà 87/26 Bành Văn Trân để trả hết nợ cho bà Lan.
Trong đơn khởi kiện ngày 18/01/2022, bà Lan trình bày: Ngày 05/12/2020, cụ Tiên viết GMT, nội dung: "Tôi tên Lê Thị Tiên có mượn 5,3 tỷ đồng của cô Châu Thị Tuyết Lan để làm ăn. Từ ngày 05/12/2020 đến ngày 05/12/2021, tôi bán nhà sẽ trả hết số tiền trên cho bà Lan một lần. Tôi có gửi GCN số CHO 1288, chừng nào tôi trả hết số tiền nợ trên, cô Lan sẽ trả lại GCN cho tôi". Do cụ Tiên không trả nợ nên bà khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán 6,72 tỷ đồng (gồm 5,3 tỷ gốc và 1,42 tỷ lãi, tạm tính ngày 11/8/2023).
Ngoài GMT đề ngày 05/12/2020, hồ sơ vụ án còn có 2 GMT khác. Cụ thể: GMT đề ngày 22/01/2019 nội dung: "Tôi tên Lê Thị Tiên, có mượn số tiền 4 tỷ đồng của cô Lan để làm ăn. Từ tháng 01/2019 đến tháng 6/2019, tôi bán nhà sẽ trả hết số tiền cho cô Lan. Tôi có gửi kèm giấy tờ nhà cho cô Lan giữ. Những giấy tôi vay tiền của cô Lan từ trước tới nay đều xé bỏ hết". GMT đề ngày 23/6/2019, nội dung: "Tôi có mượn 350 triệu đồng của cô Lan, để trả nợ tiền vay ngân hàng. Tôi hứa bán nhà sẽ trả hết số tiền mượn và tiền lãi cho cô Lan".
Cộng chung cả 3 GMT, tổng số tiền lên đến 9,65 tỷ đồng, nhưng nguyên đơn chỉ đòi 5,3 tỷ theo GMT ngày 22/01/2019.
Cụ Tiên có đơn phản tố, xác định số tiền nợ bà Lan là 1,775 tỷ đồng. Cụ đề nghị tòa tuyên bố vô hiệu cả 3 GMT do nguyên đơn không đưa ra được giấy giao nhận tiền vay giữa 2 bên; đồng thời buộc bà Lan trả lại GCN số CHO 1288.
TAND QTB với HĐXX do Thẩm phán Võ Phước Lý làm chủ tọa, tuyên Bản án sơ thẩm số 472/2023/DS-ST ngày 19/9/2023: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc cụ Tiên phải trả cho bà Lan 2,063 tỷ đồng, gồm 1,775 tỷ nợ gốc và 288,43 triệu đồng tiền lãi. Bà Lan phải trả lại GCN số CHO 1288 cho cụ Tiên.
HĐXX nhận định: Cả 3 GMT đều thể hiện số tiền vay, lãi suất, nhưng không rõ ràng, không ghi cụ thể các lần giao nhận tiền. Bà Lan xác nhận GMT ngày 05/12/2020 thể hiện tổng số tiền các lần vay trước đó. Xác nhận này phù hợp với GMT ngày 23/6/2019 đã ghi các GMT tiền trước đó đều xóa bỏ.
GMT ngày 05/12/2020 không thể hiện bên cho vay đã giao tiền, bên vay đã nhận tiền. Khoản 1 Điều 463 Bộ luật dân sự (BLDS) 2015 quy định: "Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay".
HĐXX có cơ sở xác định: Giữa bà Lan và cụ Tiên xác lập hợp đồng vay tiền, thời hạn cuối phải trả là ngày 05/12/2021. Các bên đã giao nhận số tiền vay là 1,775 tỷ đồng nên cụ Tiên phải trả bà Lan số tiền này kèm lãi 10%/năm theo thỏa thuận.
… Đến phúc thẩm theo yêu cầu nguyên đơn
TAND TPHCM với HĐXX phúc thẩm gồm 3 nữ Thẩm phán Mai Thị Mỹ Tiên (chủ tọa), Lê Thị Mỹ Nhung và Phạm Thị Kim, tuyên Bản án phúc thẩm số 219/2024/DS-PT ngày 22/3/2024: Sửa bản án sơ thẩm, buộc cụ Tiên trả cho bà Lan 6,243 tỷ đồng, gồm 5,3 tỷ tiền gốc và 943,83 triệu tiền lãi. Việc giao tiền và GCN số CHO 1288 thực hiện cùng lúc, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
HĐXX nhận định: Nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn trả số nợ 5,3 tỷ đồng, theo GMT ngày 05/12/2020. Các GMT ngày 22/01/2019 và 23/6/2019 hai bên đã tất toán và hủy bỏ nên GMT ngày 05/12/2020 được xác định là chứng cứ để xem xét yêu cầu khởi kiện. GMT này không thỏa thuận lãi suất, thời hạn trả vốn gốc là 1 năm. Bị đơn không thừa nhận GMT này, nhưng không có tài liệu chứng minh. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định GMT ngày 05/12/2020 không thể hiện bên giao, bên nhận tiền vay để chấp nhận lời khai của bị đơn và nhân chứng Lê Thị Thanh, xác định khoản nợ vay 1,775 tỷ đồng. Đây là nhận định không đúng đắn, không có căn cứ thuyết phục.
Đối với yêu cầu tính lãi: Theo đơn bổ sung đơn kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn chỉ yêu cầu số tiền lãi là 943,835 triệu đồng trên số tiền gốc 5,3 tỷ trong thời gian 1 năm 9 tháng 13 ngày. Điều này có lợi cho bị đơn nên HĐXX ghi nhận.
Trợ giúp pháp lý cho cụ Tiên, Tiến sĩ - Luật sư (TS- LS) Nguyễn Thị Xuân Hòa (Văn phòng LS Quang Trung, Đoàn LS TPHCM) và nhóm LS đồng nghiệp, chỉ ra nhiều vấn đề mâu thuẫn trong vụ án này chưa được hai cấp tòa xem xét, làm rõ.
Thứ nhất, hồ sơ vụ án có 3 GMT khác nhau với tổng số tiền 9,65 tỷ đồng, nhưng nguyên đơn chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết GMT ngày 05/12/2020 với 5,3 tỷ đồng, bỏ qua 2 GMT còn lại. Cả 2 bản án đều chưa làm rõ sự bất thường này.
Thứ hai, bản án sơ thẩm nhầm lẫn khi nhận định "GMT ngày 23/6/2019 đã ghi các GMT tiền trước đó đều xóa bỏ”. Trong khi nội dung "xóa bỏ” nằm trong GMT ngày 22/01/2019. Bản án phúc thẩm còn nhầm lẫn nghiêm trọng hơn khi nhận định 2 GMT ngày 22/01/2019 và ngày 23/6/2019 đã được "tất toán và hủy bỏ”. Rõ ràng, việc "xé bỏ hết các GMT từ trước tới nay" được xác định trong GMT ngày 22/01/2019 nên cả 3 GMT (4 tỷ đồng, 350 triệu và 5,3 tỷ) vẫn tồn tại. Hồ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ chứng minh hai bên đã "xóa bỏ” hay "tất toán và hủy bỏ” như nhận định trong 2 bản án.
Thứ ba, có sự mâu thuẫn rất lớn về đánh giá chứng cứ giữa 2 cấp tòa dẫn đến tuyên 2 bản án số tiền chênh lệch hơn 3 lần! Bị đơn xác nhận đã vay và nhận của nguyên đơn 1,47 tỷ đồng với từng lần nhận tiền cụ thể. Việc thừa nhận này phù hợp với lời khai của nhân chứng Thanh, là người nhận 600 triệu đồng (trong số 1,47 tỷ) thay cho cụ Tiên khi đang ở nước ngoài. Số tiền 1,47 tỷ còn khớp với giấy nợ "cô Tiên nhận" do chính nguyên đơn viết và đã thừa nhận tại các buổi làm việc với Tòa án. Sau đó, bị đơn có mượn thêm nguyên đơn 305 triệu đồng, nâng số tiền nợ gốc thành 1,775 tỷ. HĐXX sơ thẩm dựa vào căn cứ để tuyên án. Trong khi đó, HĐXX phúc thẩm công nhận số tiền 5,3 tỷ đồng theo yêu cầu của nguyên đơn, nhưng không làm rõ việc giao nhận tiền giữa 2 bên. Việc này là trái với khoản 1 Điều 465 BLDS 2015 quy định về nghĩa vụ của bên cho vay: "Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận".
Theo TS - LS Hòa, việc cụ Tiên kêu cứu và có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm là có căn cứ.
Ngày 23/5/2024, VKSND Cấp cao tại TPHCM có văn bản số 1593/XN-VC3-VP, nêu rõ: "VKSND Cấp cao tại TPHCM đã nhận được đơn của bà Lê Thị Tiên (gửi ngày 21/5/2024) đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 219/2024/DS-PT ngày 22/3/2024 của TAND TPHCM về tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND Cấp cao tại TPHCM".
Trước đó, ngày 21/5/2024, TAND Cấp cao tại TPHCM có văn bản số 836/BN xác nhận đã nhận đơn của cụ Tiên đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm nêu trên.