Cù Bai, mùa xuân này

Xe chúng tôi theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây rồi bắt đầu ngoặt trái vào con đường nhỏ để ngược lên Cù Bai. Đây là một địa danh gắn liền với đường Hồ Chí Minh huyền thoại, với truyền thống cách mạng, yêu nước kiên trung của đồng bào dân tộc Vân Kiều và Đồn Công an nhân dân vũ trang Cù Bai trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiền thân của Đồn Biên phòng Hướng Lập hiện nay. Sau chừng một tiếng đồng hồ vượt cung đường ngoằn ngoèo với nhiều 'ổ voi' và một bên là đá núi, chiếc xe bán tải hai cầu đã đưa chúng tôi đến với bản Cù Bai yên bình.

 Điểm Trường Mầm non Cù Bai -Ảnh: H.N

Điểm Trường Mầm non Cù Bai -Ảnh: H.N

Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà sàn lồng lộng gió núi, già làng Hồ Xơm trầm ngâm kể về những khó khăn trong cuộc sống của người dân Cù Bai trước đây. Đó là đường giao thông nối Cù Bai với đường Hồ Chí Minh để đến trung tâm xã Hướng Lập rất hiểm trở, họa hoằn lắm mới có chuyến xe tải chuyên dụng vượt rừng vô tới bản. Hạ tầng phục vụ sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa và sản xuất của người dân thiếu thốn. Diện tích lúa nước ít ỏi, năng suất thấp, dân chưa biết trồng rừng, nuôi con bò, con heo, đào ao thả cá nên ngày đói nhiều hơn ngày no. Ở Cù Bai, số gia đình có con em theo học ở xã hay ở trường dân tộc nội trú huyện chỉ đếm trên đầu ngón tay…Thêm vào đó nhiều hủ tục đã ăn sâu vào lối nghĩ, cách làm của bà con dân bản. Như người dân khi ốm đau thường được gia đình tổ chức cúng bái mà không đưa đến cơ sở y tế để cứu chữa kịp thời, có nhiều nhà phải cúng gần hết cả tài sản mà vẫn không giữ được tính mạng của người thân. Phụ nữ bị ép lấy chồng từ lúc mới 15, 16 tuổi, khi chuyển dạ phải ra lán dựng tạm ngoài rừng để sinh con một mình. Đàn ông suốt ngày tụ tập uống rượu trong khi phụ nữ phải quần quật làm việc từ sáng sớm cho đến khi mặt trời khuất sau dãy núi.

“Cù Bai bây giờ đã thay đổi nhiều rồi, lát nữa anh cứ đi một vòng quanh bản cho biết”, Trưởng thôn Cù Bai Hồ Văn Đươn góp chuyện. 30 tuổi, mới đảm nhận vai trò trưởng thôn được gần 8 tháng nhưng Hồ Văn Đươn rành rẽ mọi chuyện. “Cù Bai có 130 hộ, 629 nhân khẩu, đa phần người dân đều có sinh kế ổn định nhờ 70 ha lúa nước canh tác một năm hai vụ, khoảng 260 ha cây bời lời, đàn trâu bò trên 300 con cùng một số diện tích trồng sắn, rừng trồng, cây hoa màu. Với cây lúa nước, bà con chú ý khâu chọn giống, làm đất và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất lúa bình quân đạt trên 5 tấn/ha. Với cây bời lời, nhờ coi trọng khâu chăm sóc nên một héc ta mỗi năm cho thu hoạch khoảng 20 tấn vỏ. Lúa đảm bảo lương thực hằng ngày trong khi thu nhập từ việc bán sản phẩm của cây bời lời trang trải cho các nhu cầu khác…đã cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm. Cù Bai bây giờ đã có những nông dân giàu có nhờ cây bời lời, cây sắn như Hồ Văn Bằng, Hồ Văn Xôm, Hồ Văn Lự, Hồ Oai… Hầu hết hộ dân trong bản đã có xe máy, phương tiện nghe nhìn, máy móc phục vụ sản xuất, nhiều gia đình đã làm được nhà ở khang trang, kiên cố, con em được chăm lo học hành chu đáo. Những hủ tục bao đời nay đè nặng lên cuộc sống của dân bản dần được xóa bỏ. Hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường mầm non, nhà văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng…”, Trưởng thôn Hồ Văn Đươn dẫn chứng.

Chuyện đang rôm rả thì Trung tá Trần Quang Huy, cán bộ Trạm Biên phòng Cù Bai, Đồn Biên phòng Hướng Lập và ông Hồ Văn Xừm, một đảng viên kỳ cựu của Chi bộ Cù Bai đến thăm. 94 tuổi đời, 55 tuổi đảng nhưng ông Hồ Văn Xừm vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, luôn là nhân tố tích cực trong mọi phong trào, hoạt động ở địa phương. Trong sinh hoạt đảng, với kiến thức và kinh nghiệm nhiều năm là dân quân du kích rồi đảm nhận các vị trí chủ chốt của xã Hướng Lập trong kháng chiến chống Mỹ, ông Xừm thường có những ý kiến đóng góp xác đáng, giúp chi bộ xây dựng và lãnh đạo thực hiện hiệu quả các chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động các đoàn thể chính trị - xã hội. “Chi bộ có 31 đảng viên, vào ngày 25 hằng tháng cấp ủy đều tổ chức sinh hoạt đảng với những nội dung rất thiết thực, tập trung vào những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống của dân bản. Ví dụ trong sinh hoạt tháng vừa rồi, chi bộ bàn và thống nhất nhiều chủ trương để đảm bảo cho mọi người dân địa phương, nhất là các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ bị thiệt hại nặng do mưa lũ đón Tết Nguyên đán no ấm, an toàn. Huy động Nhân dân tu sửa đường giao thông, vệ sinh môi trường. Làm được những việc này là nhờ chi bộ luôn bám sát thực tế, nhiều đảng viên trẻ tâm huyết với quá trình phát triển của quê hương. Bản thân tôi dù lớn tuổi nhưng sức khỏe còn thì vẫn phải làm tròn trách nhiệm của người đảng viên, phải làm gương cho mọi người noi theo”, ông Xừm cho biết.

 Già làng Hồ Xơm (bên phải) trao đổi công việc với Trưởng thôn Hồ Văn Đươn (bên trái) và cán bộ Trạm Biên phòng Cù Bai -Ảnh: H.N

Già làng Hồ Xơm (bên phải) trao đổi công việc với Trưởng thôn Hồ Văn Đươn (bên trái) và cán bộ Trạm Biên phòng Cù Bai -Ảnh: H.N

Gắn bó với Trạm Biên phòng Cù Bai nhiều năm nay nên Trung tá Trần Quang Huy tường tận mọi việc nơi này. “Đổi thay lớn nhất ở Cù Bai thời gian qua chính là lối nghĩ, cách làm của bà con dân bản đã có những chuyển biến rất tích cực. Tư tưởng trông chờ ỷ lại và những hủ tục dần được xóa bỏ. Người dân đã thấy rõ tầm quan trọng của việc phải có sinh kế ổn định, biết ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết làm ra những sản phẩm mà thị trường đang cần và xây dựng nếp sống văn hóa văn minh. Tích cực tham gia các phong trào, hoạt động bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Có được kết quả này, dân bản Cù Bai luôn một lòng theo Đảng và vai trò đi đầu, gương mẫu trong mọi mặt của già làng Hồ Xơm, của những đảng viên kiên trung như ông Hồ Văn Xừm”, Trung tá Trần Quang Huy nói.

Để Cù Bai có được vóc dáng như hôm nay không thể không nhắc đến vai trò của những người lính mang quân hàm xanh. Là người gắn bó với nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Biên phòng từ những ngày đầu thành lập Đồn Công an nhân dân vũ trang Cù Bai vào tháng 6/1955 cho đến nay là Đồn Biên phòng Hướng Lập, ông Hồ Văn Xừm cho rằng, cán bộ biên phòng như con em của dân bản. Bởi vậy họ có thể hỗ trợ dân, cùng dân làm mọi việc từ khai hoang, làm thủy lợi để trồng lúa nước rồi hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng rừng; xây dựng, tu sửa các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt; phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng hệ thống chính trị cho đến dạy chữ, khám chữa bệnh cho người dân, chăm lo các gia đình chính sách, hộ nghèo và xây dựng đời sống văn hóa mới… Không có bộ đội biên phòng thì người dân Cù Bai cũng như các bản ở Tây Bắc huyện Hướng Hóa khó có được cuộc sống như bây giờ. “Đồn Biên phòng Hướng Lập hiện đang quản lý địa bàn 2 xã Hướng Lập, Hướng Việt, bảo vệ đường biên giới dài trên 28,5 km, 16 mốc quốc giới, 5 cọc dấu. Trong quá trình hình thành và phát triển, đơn vị đã có rất nhiều năm đóng quân ở Cù Bai, từ năm 1998 đến nay mới chuyển sang doanh trại mới ở bản A Xóc. Đối với người dân ở địa bàn quản lý nói chung, bản Cù Bai nói riêng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn dành những tình cảm sâu nặng, đồng cam cộng khổ với dân, dựa vào dân để bám địa bàn, bám biên giới, xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt, qua đó hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng với hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước. Trong những ngày này, cùng với nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ Nhân dân khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống sau mưa lũ, đơn vị đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức chương trình “Tết biên cương”, “Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản”… để chung tay giúp người dân nơi biên cương Tổ quốc đón Tết cổ truyền dân tộc no ấm, an lành”, Thiếu tá Nguyễn Duy Thánh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập, chia sẻ.

Chiều muộn, chúng tôi đi trên những con đường bê tông xuyên bản Cù Bai. Hình hài của một miền quê nông thôn mới dần hình thành với cánh đồng lúa nước thẳng tắp, nhiều căn nhà sàn khang trang, sạch đẹp, xe máy nhộn nhịp chở từng nhóm người về bản sau một ngày lao động cùng tiếng cười, nói rộn ràng ở điểm trường mầm non... Tiếp tục những câu chuyện về đất và người ở vùng đất biên viễn này, tôi nghe rất nhiều về những toan tính, dự định xoay quanh vấn đề phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, vươn tới cuộc sống khá giả, văn minh và thắt chặt nghĩa tình quân, dân. Dẫu biết phía trước là một chặng đường dài và còn không ít khó khăn nhưng tôi tin các thế hệ người dân Cù Bai, cán bộ, chiến sĩ biên phòng sẽ làm được bởi họ đã từng nắm tay nhau vượt qua những thời điểm khắc nghiệt của chiến tranh, vượt qua những năm tháng gian khó nhất trong hành trình đi lên của mình.

Một mùa xuân căng tràn sức sống đã về với Cù Bai.

Huy Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=155396