Cú bắt tay giữa Iran và Venezuela

Iran đã trở thành tiêu đề nổi bật trong tuần qua sau khi vận chuyển thành công nhiều tàu chở nhiên liệu tới Venezuela, quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu lan rộng khắp cả nước.

Động thái này đã làm dấy lên những quan ngại ở Mỹ và khắp Tây Bán cầu về việc hai quốc gia luôn có tư tưởng thù địch với Mỹ này tăng cường liên minh.

Khi gửi các tàu chở dầu tới quốc gia Nam Mỹ, Iran đã thách thức chiến dịch gây sức ép tối đa của Mỹ nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và khôi phục nền dân chủ tại Venezuela.

Hành động thách thức này của Iran, mặc dù đáng lo ngại, có lẽ đã nhận được phản ứng thái quá đối với cái mà chẳng khác gì một cử chỉ tương đối bất thường trong đại kế hoạch về mối quan hệ Iran-Venezuela.

Khi các nhà hoạch định chính sách xem xét các phản ứng đối với các hành động của Iran, họ cần nhớ rằng Iran và Venezuela đã có quan hệ thương mại và ngoại giao trong hàng thập kỷ - mối quan hệ thậm chí còn mạnh mẽ hơn nhiều dưới thời Tổng thống Hugo Chavez.

Quan hệ Iran-Venezuela thường “nóng” trên các mặt báo, nhưng lại không đạt được những kết quả rõ ràng.

Quan hệ song phương lâu dài

Hai quốc gia, đều là thành viên sáng lập của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đã thiết lập quan hệ song phương từ trước cuộc Cách mạng Iran năm 1979.

Khi Quốc vương Iran bị lật đổ năm 1979, Venezuela là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận chính phủ mới tại Iran. Trong 2 thập kỷ tiếp theo, sự hợp tác giữa hai bên chủ yếu giới hạn trong lĩnh vực dầu mỏ.

Tuy nhiên, mối quan hệ này đã được tăng cường khi Hugo Chavez đắc cử Tổng thống Venezuela. Từ năm 2001 đến 2003 đã diễn ra hàng chục chuyến thăm ngoại giao giữa Chavez và các chính quyền của Khatami cũng như Ahmadinejad.

Hai nước đã ký khoảng 300 thỏa thuận quan trọng và có giá trị kinh tế khác nhau, từ việc xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đến các nhà máy sản xuất xi măng và ô tô.

Iran và Venezuela thậm chí còn lập một quỹ phát triển chúng và mở một ngân hàng phát triển theo cơ cấu của Ngân hàng Phát triển Xuất khẩu Iran (EDBI). Năm 2012, các khoản cho vay và đầu tư của Iran tại Venezuela ước tính khoảng 15 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo mô hình Bolivar, hầu hết các sáng kiến này đã thất bại. Một nhà máy sản xuất ô tô mà ông Chavez tuyên bố sẽ sản xuất khoảng 25.000 chiếc/năm, chỉ có thể xuất xưởng chưa được 2.000 chiếc trong năm 2014.

Một nhà máy xi măng, được công bố vào năm 2005, nhưng đã không thể đi vào sản xuất cho đến năm 2012. Một số sáng kiến được cho là phục vụ cho các hoạt động bất hợp pháp.

Ví dụ, năm 2008, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã thu giữ 22 container của Iran đang hướng về Venezuela, được dãn nhãn “phụ tùng máy kéo” nhưng bị nghi ngờ chứa nguyên vật liệu cho một phòng thí nghiệm chất nổ. EDBI cũng bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt vì bị cáo buộc liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của Iran.

Iran và Venezuela tăng cường mối quan hệ? Ảnh tư liệu

Iran và Venezuela tăng cường mối quan hệ? Ảnh tư liệu

Tầm quan trọng của các chuyến tàu dầu từ Iran

Quan hệ Iran-Venezuela là mối quan hệ cộng sinh. Với vốn đầu tư thực tế ít, các nỗ lực phát triển của Iran tại Venezuela đã củng cố hình ảnh của Chavez và thúc đẩy chương trình nghị sự chống chủ nghĩa đế quốc ở khắp khu vực. Với Iran, Venezuela đã trở thành một “cầu nối” cho việc mở rộng thương mại và ngoại giao ở Mỹ Latinh.

Chavez đã đưa người Iran đến với các đồng minh khu vực của mình, mở các kênh liên lạc dẫn tới các thỏa thuận giữa chính quyền Ahmadinejad với chính phủ các nước Ecuador, Bolivia và Nicaragua. Khi Iran đối mặt với sự cô lập tài chính gia tăng do các đòn trừng phạt của Mỹ, Venezuela, thông qua Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA), đã giúp mở ra các liên kết thương mại quan trọng.

Quan hệ Iran-Venezuela bắt đầu chững lại sau khi Chavez qua đời vào năm 2013. Tuy vậy, hai nước vẫn chia sẻ một vài điểm tương đồng tự nhiên.

Trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh, người kế nhiệm của Ahmadinejad, Tổng thống Rouhani đã chấm dứt chính sách ưu tiên dầu mỏ cho Venezuela.

Ngoài một số thỏa thuận song phương gây tranh cãi, chính quyền Maduro nhìn chung đã không thể duy trì mối quan hệ với Iran như Chavez đã chủ trương. Mối quan hệ đó chủ yếu được thúc đẩy bởi các mối liên hệ giữa văn phòng của nhà lãnh đạo tối cao Iran với một số ít các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao của Venezuela.

Các chuyến tàu chở dầu hồi tuần trước thể hiện một cam kết mới giữa Tehran và Caracas, trong bối cảnh cả hai bên đang ngày càng bị cô lập về tài chính và ngoại giao.

Nhưng quan hệ này không phải là mới và mang tính chất chiến thuật nhiều hơn là chiến lược. Do đó, không nên coi đó là một mối đe dọa về sự thay đổi mô hình hợp tác giữa Iran và Venezuela đối với chiến dịch của Mỹ chống Maduro. Sự hợp tác giữa Iran và Venezuela vẫn còn thấp hơn nhiều so với thời Chevez.

Hơn nữa, các chuyến tàu chở xăng dầu này quá ít để có thể đáp ứng nhu cầu của Venezuela và Iran, về cả mặt thể chế lẫn thương mại, cũng không thể thay thế tập đoàn Rosneft của Nga đóng vai trò như là huyết mạch của chính quyền Maduro.

Ngoài ra, các nỗ lực của hai nước này nhằm hồi sinh các nhà máy lọc dầu ở Venezuela sẽ chủ yếu dựa vào khả năng nâng cấp kỹ thuật của họ mà không gặp phải các rào cản như tham nhũng và quản lý sai lầm. Như danh sách dài các quốc gia đối tác thất bại cho thấy, điều đó là không thể.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cu-bat-tay-giua-iran-va-venezuela-196582.html