'Củ cải' nghe ra rồi...
Buổi trưa một ngày đầu Xuân Quý Mão, anh Thỏa chuyên xe ôm chở khách vừa dựng chiếc Dream trước cửa quán cơm bình dân ở đầu đường Ngô Gia Tự (Long Biên, Hà Nội) vừa nhìn 4 thanh niên độ tuổi 25-30 mặc đồng phục công nhân điện lực đang ngồi ăn cơm. Thấy họ gọi chủ quán lấy thêm 4 cốc trà đá, anh Thỏa liền mang chai rượu đến, nói:
- “Nam vô tửu như kỳ vô phong”! Cơm rượu chứ ai lại cơm trà đá nó yếu cái “đàn ông” đi! Anh mời các chú rượu quê. Nếp cái hoa vàng chính hãng. Tự tay anh thửa. Men làng Vân hẳn hoi nhá. Rượu ngon lại gặp bạn hiền/ Vui mừng phấn khởi làm liền vài ly! Hả!
- Cảm ơn anh! Chúng em không uống rượu khi không cần thiết phải uống, để giữ sức khỏe lâu dài. Hơn nữa, chúng em lại đang làm nhiệm vụ về điện nên không uống rượu, bia. Đó là kỷ luật nghề nghiệp anh ạ. Mà anh làm nghề xe ôm chở khách sao lại uống rượu thế? Một thanh niên đáp lại.
- Không sao, không sao! Tớ xong bữa thì theo đường bờ sông Đuống qua cầu Long Biên. Đầu xuân, công an chắc cũng châm chước...
- Ơ anh! Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 quy định tăng nặng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm giao thông. Theo đó, tại Điều 6, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, nếu ở mức chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25mg/1 lít khí thở thì phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng (điểm c, Khoản 6), đồng thời còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe từ 10 đến 12 tháng. Nếu vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4mg/1 lít khí thở thì phạt tiền từ 4 đến 5 triệu đồng (điểm c, Khoản 7), đồng thời bị tước giấy phép lái xe từ 16 đến 18 tháng. Nếu vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng (điểm e, Khoản 8), đồng thời bị tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng.
- Thôi! Ai chả biết như thế. Có điều “đất có thổ công, sông có hà bá”. Hì. Cả cái vùng Nam Đuống này, ai còn lạ gì tớ.
Anh công nhân tỏ vẻ hòa nhã, nói:
- Em xin được coi anh như người anh của em để nói câu này. Anh phải tự giữ an toàn cho mình và cả cho khách đi xe nữa. Anh mà uống rượu rồi lái xe, em sẽ báo công an phạt anh đấy!
- Thì thằng cháu rể tớ là cảnh sát giao thông, mới cưới tuần trước. Ai tóm tớ. Một cú “phôn” là xong nhá!
- Anh ạ! Anh nhầm rồi! Ngành công an thường xuyên chấn chỉnh tác phong làm việc của cảnh sát giao thông. Bao che tội phạm là bị đuổi khỏi ngành. Vậy anh có muốn cháu anh bị đuổi khỏi ngành không? Em nói câu cuối cùng: Dù cho có ai đó dung túng để anh uống rượu lái xe ôm chở khách, chở hàng thì em, với tư cách một công dân có trách nhiệm bảo vệ pháp luật và làm mọi cách để không xảy ra thương vong với bất cứ ai, em sẽ can ngăn bằng được. Em sẽ phản ảnh với cấp trên của người dung túng ấy.
Ông chủ quán ra tận nơi:
- Anh này! Các chú thợ điện nói phải đấy! Quán tôi từ lâu đã không bán rượu cho người lái xe tham gia giao thông. Vì chú mang rượu theo nên tôi tạm chưa nói gì. Chú mà cứ ham rượu thì có lúc mất nghề như chơi...
- Hà hà... “củ cải” nghe ra rồi! Nghe ra rồi! Các chú em thợ điện trẻ tuổi mà được đấy! Nói rồi, anh xe ôm cất chai rượu vào cốp xe...
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/cu-cai-nghe-ra-roi-717413