Cứ chạy theo GDP thuần túy sẽ dẫn tới hệ lụy về môi trường, di sản, văn hóa

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại nghị trường: 'Cần thông tin đầy đủ về tình hình bảo vệ chủ quyền để an dân'

Đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: VGP

Đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: VGP

Trước hết, tôi xin đồng tình với rất nhiều ý kiến trên diễn đàn Quốc hội về thành tích điều hành kinh tế - xã hội của chúng ta trong 2 năm qua. Tôi chỉ xin nêu một số ý kiến mang tính chất phương pháp luận về việc chúng ta nên đánh giá như thế nào về những thành tích, những tồn tại vừa qua và định hướng kinh tế - xã hội sắp tới.

Trước hết, về GDP, vừa rồi nhiều chuyên gia cũng đã cảnh báo, quốc tế cảnh báo rất nhiều về vấn đề này. Nếu chúng ta không đi kèm theo những đánh giá khác, rằng GDP đó được trả bằng giá nào, với những hệ lụy gì và nó được phân phối, phân bổ như thế nào, có bền vững hay không thì sẽ chệch hướng, đem lại những đánh giá không chuẩn mực.

Do đó, tôi cho rằng, nếu Chính phủ nghiên cứu kỹ ý kiến của các đại biểu đồng thời trả lời các câu hỏi nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, thì bản báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trong 2 năm qua sẽ tốt hơn nhiều.

Tôi xin đơn cử, chúng ta hay nói con số doanh nghiệp đăng ký nhưng báo cáo thẩm tra đã chỉ ra là cần xem lại số liệu những doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể. Bởi vì người ta nói không phải không có căn cứ là có tình trạng doanh nghiệp đóng cửa do làm ăn không đàng hoàng, trốn thuế, tạm ngưng rồi thành lập doanh nghiệp khác. Ủy ban Kinh tế Quốc hội cảnh báo về GNI và một số ý kiến khác đáng lưu ý trong báo cáo. Chính phủ cần nghiên cứu kỹ cảnh báo đó và trả lời những nội dung mà Ủy ban Kinh tế yêu cầu thẩm tra.

Ở những nơi chúng ta cần phải bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng mà tàn phá rừng để làm dự án thì phải đánh giá người lãnh đạo đó là không hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ hai, tôi cho rằng GDP không nên là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá năng lực lãnh đạo và thành tích của các địa phương. Xin nói thế này: Ở những vùng mà môi trường cần được đặc biệt bảo vệ, những vùng là phên giậu của đất nước thì chúng ta cần có tiêu chí đánh giá người lãnh đạo ở đó khác với các nơi khác, không thể chạy theo GDP. Cách đánh giá kết quả kinh tế - xã hội theo kiểu cào bằng sẽ dẫn đến câu chuyện chạy theo con số được đo bằng tiền và tăng trưởng bằng cách đổ vốn ra xây dựng công trình này, công trình kia mà không quan tâm đến nhiệm vụ chính của những vùng miền đó.

Ở những nơi chúng ta cần phải bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng mà tàn phá rừng để làm dự án thì phải đánh giá người lãnh đạo đó là không hoàn thành nhiệm vụ. Cho rằng GDP đạt được 5% hay 7% mà để cho dân của mình ở những vùng miền ấy bỏ đi vì không sinh sống được thì người lãnh đạo ở đó phải nên coi là không hoàn thành nhiệm vụ.

Chúng ta đã có hệ thống phân bổ rồi, những nơi làm được nhiều, thuận lợi về phát triển kinh tế thì phải có trách nhiệm và nghĩa vụ san sẻ cho những nơi khác. Cho nên về phương pháp luận, nếu chúng ta không đánh giá đúng về GDP thì sẽ dẫn đến tình trạng chạy đua thuần theo GDP và đó là chệch hướng.

Thứ ba, tôi xin góp ý về cụm từ “phát triển bền vững”. Lúc nào chúng ta cũng nói “phát triển bền vững”. Khi áp dụng những bài học của thế giới vào Việt Nam, tôi nhất trí với một đồng chí phó thủ tướng vừa rồi nói rằng Việt Nam phải có con đường phát triển riêng của mình. Phát triển bền vững ở Việt Nam, theo tôi có 3 yếu tố, 3 trụ cột: Thứ nhất chúng ta phải nâng cao văn hóa. Thứ hai là bảo vệ môi trường. Thứ ba, bảo tồn di sản.

Nếu chúng ta chỉ định hướng bằng tiền thôi thì cứ kêu gọi đầu tư nước ngoài ào ào vào đây để tăng GDP lên và cuối cùng thì chúng ta rơi vào nguy cơ đánh mất chủ quyền, lệ thuộc về kinh tế và từ đó chúng ta sẽ không có thể tự chủ về nhiều mặt khác nữa.

Chúng ta hay nói đạo đức. Theo thiển ý của tôi, chính bằng cách nâng cao văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản là chúng ta sẽ duy trì được đạo đức. Trong nâng cao văn hóa có 2 vế: Phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tiếp cận, tiếp thu văn hóa hiện đại của thế giới. Bảo vệ môi trường thì gồm có bảo vệ môi trường thiên nhiên (không khí, đất, nước, rừng, biển, không trung, mặt đất, lòng đất) và bảo vệ môi trường xã hội (gia đình, nhà trường, cộng đồng, sắc tộc, tôn giáo).

Bảo tồn di sản thì gồm có di sản thiên nhiên, di sản lịch sử, di sản văn hóa. Tôi cho rằng khi chúng ta phấn đấu theo mục tiêu phát triển đất nước bền vững thì song song với những cái giá trị vật chất, chúng ta phải phải đảm bảo định hướng xã hội, định hướng công dân, định hướng các ngành và các vùng, miền vào 3 trụ cột này. Nếu chúng ta chỉ định hướng bằng tiền thôi thì cứ kêu gọi đầu tư nước ngoài ào ào vào đây để tăng GDP lên và cuối cùng thì chúng ta rơi vào nguy cơ đánh mất chủ quyền, lệ thuộc về kinh tế và từ đó chúng ta sẽ không có thể tự chủ về nhiều mặt khác nữa.

Cho nên chúng tôi đề nghị xoay trục lại, xuyên suốt trong việc định hướng phát triển của chúng ta là 3 trụ cột: văn hóa, môi trường và di sản, và đó chính là con người có bản sắc riêng. Nếu không, chúng ta sẽ có những con người giống như con người ở khắp nơi trên thế giới, sống ở đâu cũng được, không làm ở Việt Nam được thì qua Mỹ làm cũng được mấy ngàn đô la một tháng, vấn đề bản sắc dân tộc không còn được quan tâm đầy đủ nữa, có khi là ngay trên đất nước chúng ta! Nếu mọi việc diễn ra như thế thì thử hỏi có ảnh hưởng đến việc bảo vệ chủ quyền của đất nước và bảo vệ bản sắc của dân tộc chúng ta không ? Đó là điều rất cần suy nghĩ.

* Ý cuối cùng tôi chia sẻ với một số đại biểu Bộ Quốc phòng về việc bảo vệ chủ quyền. Chúng ta phải thấu hiểu rằng Đảng, Nhà nước và tất cả mọi người dân Việt Nam ai cũng yêu nước và cũng đều muốn bảo vệ chủ quyền và không có sự nhân nhượng bất kỳ nào khi nói đến vấn đề chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ các quyền thiêng liêng của dân tộc. Nhưng chính vì thế mà theo tôi, chúng ta nên thông tin đầy đủ hơn, kịp thời hơn về tình hình và kết quả bảo vệ chủ quyền của đất nước để người dân có sự yên tâm, tin tưởng hơn vào cuộc sống hiện tại và tương lai.

Cách thông tin của chúng ta nên là dựa vào hệ thống chính trị mà chúng ta đã phủ khắp cả nước, bằng các buổi nói chuyện, bằng tài liệu, qua đó bày tỏ sự tin tưởng của lãnh đạo vào người dân và ngược lại.

Tôi cho rằng chúng ta cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn việc thông tin này.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

_____________

(*) Bài viết này là nguyên văn ý kiến phát biểu của Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa tại nghị trường Quốc hội sáng ngày 31.10.2019.

Sự cố môi trường tại Hà Nội: Thước đo và phép thử chính quyền đô thị
Chất gây hại sức khỏe lơ lửng trong không khí 'đã đời', cả tháng sau dân mới biết
Từ vụ cháy ở Rạng Đông: Đánh giá lại quy trình ứng phó rủi ro
Ô nhiễm không khí đến mức báo động vì... mỗi ngành quản một tý?

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cu-chay-theo-gdp-thuan-tuy-se-dan-toi-he-luy-ve-moi-truong-di-san-van-hoa-21333.html