Củ Chi – Địa chỉ đỏ về nguồn
Giữa những ngày Tháng Tám lịch sử, trở về thăm Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, tôi thực sự ngỡ ngàng về sự đổi thay nơi đây.
Giữa những ngày Tháng Tám lịch sử, trở về thăm Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, tôi thực sự ngỡ ngàng về sự đổi thay nơi đây.
Từ “khu tái hiện vùng giải phóng”...
Khu tái hiện vùng giải phóng có diện tích hơn 38ha, nằm trong Khu di tích lịch sử địa đạo – Bến Dược, được phân chia thành nhiều không gian, mô phỏng các giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở nơi “Đất thép Thành Đồng”. Dẫn chúng tôi đi tham quan, anh Trịnh Kim Hiệp giới thiệu khá cụ thể: Khu vực này gồm 5 không gian, trong đó khu điều hành và vùng giải phóng đã đưa vào sử dụng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm. Các không gian còn lại như Ấp chiến lược, Vùng tranh chấp và Vành đai diệt Mỹ đang triển khai xây dựng, sắp đưa vào sử dụng. Bên cạnh các không gian thời chiến tranh, sẽ lồng ghép không gian thời bình với các hoạt động vui chơi giải trí như khu sinh hoạt cắm trại, vườn cây ăn trái và “Đêm chiến khu”…
Khu điều hành và giới thiệu về Củ Chi là nơi đón tiếp khách đến tham quan Khu di tích lịch sử địa đạo. Khi đến đây, du khách sẽ được xem phim tư liệu và ảnh giới thiệu “Vùng tam giác sắt”.
Toàn bộ không gian “Vùng giải phóng” đều được phủ xanh. Hai bên con đường đất đỏ là những hàng tre, tầm vông cao vút, tỏa bóng che mát. Là người Việt Nam đi trên con đường này ai cũng nhớ về nét đặc trưng của làng quê Việt Nam. Nhiều người thầm hát: “Làng tôi xanh bóng tre...”.
Đến với “Vùng giải phóng”, chúng ta như được trở về quá khứ hào hùng của một thời quân và dân Củ Chi cùng với hầm chông, địa đạo chằng chịt như trận đồ bát quái đã làm kẻ thù nhiều phen khiếp sợ. Mỗi không gian trong “Vùng giải phóng” đều tương ứng với từng giai đoạn lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Ở không gian đầu tiên (giai đoạn 1960 - 1964) giới thiệu cuộc sống của đồng bào sau phong trào Đồng Khởi, khí thế cách mạng đang dâng cao. Sống trong vùng mới giải phóng tuy còn nhiều khó khăn, địch luôn đe dọa, bắt bớ, tù đày nhưng đồng bào Củ Chi vẫn lạc quan, hăng hái tham gia các phong trào cách mạng để xây dựng xóm làng, tăng gia sản xuất với các ngành nghề truyền thống. Bên trong “Vùng giải phóng” là một không gian yên ả, có ngôi trường, phiên chợ quê, chùa chiền... Tất cả hiện lên như một sự thách thức với chiến tranh ác liệt.
Đến với “Vùng giải phóng”, người xem hiểu thêm không khí sinh hoạt thời chiến của quân dân Củ Chi với ngôi nhà của bí thư khu ủy, của bí thư chi bộ xã ẩn dưới hàng cau cao vút. Trong nhà, các cán bộ dân quân du kích mặc bộ đồ bà ba đen quấn khăn rằn đang họp bàn những chuyện cơ mật.
Tiếp đến không gian "Vùng trắng" là "Vùng tự do", nơi kẻ thù ngày đêm sử dụng chất độc hóa học, bom rải thảm… chà đi xát lại phá sạch, đốt sạch, giết sạch. Bao nhiêu nhà cửa, ruộng vườn bị tàn phá, bao nhiêu con người bị sát hại. Trong sự tàn phá ác liệt ấy, chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh những người dân kiên cường bám trụ xóm làng gắn liền với địa đạo, hầm chông chiến đấu, hầm sản xuất vũ khí… Hình ảnh ngôi nhà tranh xiêu vẹo, trạm quân y chăm sóc thương binh đã phản ánh phần nào sự ác liệt của chiến tranh. Cảnh làng quê yên ả, thanh bình phút chốc tan biến. Chỉ còn lại âm thanh hung dữ của bom đạn, tiếng khóc thét của trẻ thơ và hình ảnh tang thương của chết chóc... Dù chưa phải là tất cả, song đó là bức tranh thu nhỏ của cuộc kháng chiến chống Mỹ mà dân tộc ta đã trải qua, đúng như lời văn bia đá khắc ghi tại Đền Bến Dược:
“Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn,
Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường”.
... Đến công trình “Hồ cảnh quan mô phỏng biển Đông”
Công trình “Hồ cảnh quan mô phỏng biển Đông” đang đi vào giai đoạn 2 có diện tích gần 7ha. Đây là hồ nhân tạo. Chi phí đầu tư cho giai đoạn 1 là 11 tỷ đồng, gồm công trình máy bơm nước từ sông Sài Gòn vào hồ, cây xanh và đường đi ven hồ. Trong giai đoạn 2 sẽ thi công các hạng mục như cải tạo đường đi, chống thấm lòng hồ, hệ thống thắp sáng, hệ thống tưới nước tự động và hệ thống đường điện ngầm.
Dọc đường đi ven hồ sẽ thiết kế 3 công trình kiến trúc tiêu biểu đặc trưng của ba miền: chùa Một Cột (Hà Nội), Ngọ Môn (Huế), bến cảng Nhà Rồng (Thành phố Hồ Chí Minh). Hồ được thiết kế liên hoàn với công trình “Rừng ba miền”. Gọi là rừng ba miền vì mỗi khu vực sẽ trồng những loại cây đặc trưng từng miền: miền Bắc trồng cây bằng lăng nước, móng bò…; miền Trung trồng cây chiêu liêu, chai, dầu song nàng…; miền Nam trồng cây dừa, trôm mủ, bứa, thốt nốt… Diện tích rừng ba miền là 4,6ha có hình dáng nước Việt Nam thu nhỏ nằm liền kề biển Đông.
Dãy Trường Sơn hùng vĩ như chiếc đòn gánh của hai miền Nam - Bắc, gợi nhớ những năm tháng hào hùng:
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Không bao lâu nữa, một Trường Sơn thu nhỏ hiện rõ trên công trình, ta sẽ thấy núi rừng trùng điệp nhấp nhô, cây bạt ngàn thay lá, đổi sắc theo mùa. Từng đoàn quân nối theo nhau ra trận như dòng sông chảy dài bất tận. Chân cứng đá mềm, bắt sông rẽ nước, bắt núi cúi đầu. Trường Sơn giang cánh tay đón các anh bước vào đường mòn Hồ Chí Minh, con đường huyết mạch bắt nguồn từ miền Bắc - hậu phương lớn.
Những công trình “Hồ cảnh quan mô phỏng biển Đông”, “Rừng ba miền”, "Khu tái hiện vùng giải phóng" nhắc nhở chúng ta về quá khứ hào hùng của dân tộc. Các công trình này rất có ý nghĩa trong việc giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khắc ghi công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hòa bình, hạnh phúc của nhân dân. Trách nhiệm của chúng ta là phải biết trân trọng, giữ gìn và phát huy những truyền thống quý báu ấy. Trước khu di tích lịch sử này, mọi người như thấy âm vang lời Bác dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/cu-chi-dia-chi-do-ve-nguon-448776